Nỗ lực trong giải quyết đăng ký quản lý hộ tịch, hộ khẩu tại khu vực biên giới

Trong thời gian qua, với những nỗ lực không ngừng của các đơn vị chức năng Công an tỉnh, công tác đăng ký, quản lý cư trú, nhất là quản lý hộ tịch, nhân khẩu tại khu vực biên giới có những kết quả tích cực. Qua đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân ổn định cuộc sống, được hưởng các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước, góp phần vào công tác đảm bảo trật tự an toàn xã hội tại khu vực biên giới.

Công an huyện Hướng Hóa làm thủ tục cấp giấy chứng minh nhân dân cho đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Thanh. Ảnh: T.N

Hai huyện Hướng Hóa và Đakrông có tổng cộng 18 xã, thị trấn là khu vực biên giới với trên 179 km đường biên tiếp giáp với 2 tỉnh Savannakhet và Salavan - nước CHDCND Lào. Thành phần dân tộc chủ yếu ở khu vực này là người dân tộc Bru, Vân Kiều, Tà Ôi và người Kinh. Mặc dù trình độ dân trí của một bộ phận đồng bào dân tộc còn hạn chế nhưng đa số người dân sống ở khu vực biên giới đều chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, tình trạng di cư tự do, kết hôn không giá thú tại khu vực biên giới một thời gian dài chưa được giải quyết dứt điểm. Cụ thể là sau hoạch định biên giới năm 1979 giữa Việt Nam và Lào, một bộ phận dân cư của huyện Hướng Hóa và Đakrông cư trú, sinh sống trên lãnh thổ của tỉnh Savannakhet, Salavan và ngược lại, nhưng không có giấy tờ chứng minh quốc tịch và bị rơi vào tình trạng không quốc tịch. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do dân cư hai bên biên giới có quan hệ họ hàng, thân tộc cùng với nhận thức về quốc gia, quốc giới, chủ quyền lãnh thổ còn hạn chế nên đối với họ, việc di cư từ nơi này sang nơi khác, từ quốc gia này sang quốc gia khác là điều rất bình thường. Hầu hết những người này đều không có giấy tờ làm căn cứ để xác định nhân thân, quan niệm hôn nhân còn đơn giản, từ đó đã gây rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý, nhất là công tác đăng ký quản lý hộ tịch, hộ khẩu cũng như đảm bảo các quyền lợi và nghĩa vụ công dân, ảnh hưởng đến công tác đảm bảo trật tự an toàn xã hội (TTATXH) tại khu vực biên giới.

Thượng tá Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh cho biết: Từ năm 2013, sau khi Thỏa thuận giải quyết vấn đề người di cư tự do, kết hôn không giá thú trong khu vực biên giới được Chính phủ hai nước Việt Nam - Lào ký kết, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh đã tham mưu cho Giám đốc Công an tỉnh hướng dẫn Công an huyện Hướng Hóa và Đakrông tổ chức rà soát số người di cư tự do, kết hôn không giá thú trên địa bàn, trong đó phân tích cụ thể số người di cư cả hộ, số trẻ em sinh ra, thời gian di cư đến Việt Nam… Đồng thời tổ chức kiểm tra, rà soát số liệu, đối chiếu với số liệu của Bộ đội Biên phòng và các sở, ban ngành liên quan nhằm nắm chắc số liệu di cư tự do, kết hôn không giá thú, để từ đó tham mưu cho các cấp có biện pháp phối hợp quản lý, nhất là quản lý Nhà nước về cư trú đối với những trường hợp này.

Bên cạnh đó, từ năm 2017, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh đã cử cán bộ tham gia Tổ chuyên viên liên hợp thuộc Ban chỉ đạo thực hiện thỏa thuận tỉnh Quảng Trị tiến hành rà soát, thống kê số người Lào di cư tự do, kết hôn không giá thú trên địa bàn hai huyện Hướng Hóa và Đakrông. Qua đó đã tập hợp số liệu cụ thể và đề nghị Ủy ban biên giới phê duyệt danh sách người di cư tự do, kết hôn không giá thú của tỉnh Quảng Trị đối với những người di cư tự do đến Việt Nam trước năm 2013 theo quy định tại thỏa thuận và đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cũng đã tham mưu cho lãnh đạo Công an tỉnh ban hành kế hoạch triển khai công tác đăng ký thường trú, cấp CMND cho người Lào di cư tự do, kết hôn không giá thú đã được phê duyệt.

Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh cũng đã hướng dẫn Công an hai huyện Hướng Hóa và Đakrông phối hợp với Phòng Tư pháp huyện tổ chức thực hiện cùng lúc công tác cấp giấy tờ hộ tịch nhằm giảm thiểu thời gian đi lại của Nhân dân. Quá trình phối hợp, các đơn vị đã chủ động trao đổi thông tin để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc gặp phải. Trên tinh thần đó, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đã phối hợp với các đơn vị chức năng và Công an huyện Hướng Hóa tổ chức được 3 đợt đăng ký thường trú, cấp sổ hộ khẩu, giấy CMND tại các xã biên giới cho các trường hợp đã có quyết định cho phép nhập quốc tịch Việt Nam. Tính đến thời điểm này, số người Lào đã được Chủ tịch nước ký quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam là 734 trường hợp, trong đó đã được giải quyết đăng ký thường trú 69 hộ, 473 nhân khẩu; cấp CMND cho 419 trường hợp và đang tiến hành làm thủ tục để cấp hộ khẩu, CMND cho các trường hợp còn lại đã được nhập quốc tịch.

Với việc người di cư Lào được nhập quốc tịch Việt Nam và người Việt Nam được nhập quốc tịch Lào đã góp phần quan trọng bảo đảm các quyền của người dân, xóa bỏ tình trạng không quốc tịch, không giấy tờ của một bộ phận dân cư. Qua đó đã đóng góp thiết thực vào việc duy trì, bảo vệ an ninh trật tự, ổn định đường biên giới quốc gia, củng cố mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam - Lào.

Thành Nam

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=148199