Nỗ lực rút ngắn khoảng cách công nghệ số cho học sinh

Rút ngắn được khoảng cách công nghệ số thông qua giáo dục sẽ là bước ngoặt để Việt Nam có thể 'sánh vai' cùng với các quốc gia công nghệ tiên tiến, bởi thế hệ trẻ tại Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng để 'đi tắt, đón đầu' trong cuộc đua khoa học công nghệ này.

Rút ngắn được khoảng cách công nghệ số thông qua giáo dục sẽ là bước ngoặt để Việt Nam có thể “sánh vai” cùng với các quốc gia công nghệ tiên tiến.

Thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin

Theo Nature Index, tính từ năm 2019, thống kê số lượng công bố khoa học và công nghệ trên các tạp chí uy tín trên thế giới theo quốc gia/vùng lãnh thổ cho thấy, Việt Nam xếp hạng 10 với số điểm 79. Đây là một tín hiệu đáng mừng, song, liền kề là Thái Lan ở hạng 9, đã có các chỉ số gấp đôi hoặc gấp ba lần so với Việt Nam. Đó là chưa so với các thứ hạng cao hơn, như: Hàn Quốc, Nhật Bản hay Trung Quốc. Do đó, Việt Nam cần rất nhiều nỗ lực để rút ngắn khoảng cách khoa học và công nghệ đang có xu hướng gia tăng hàng ngày, hàng giờ này.

Khoảng cách số giữa các nước trên thế giới đang dần được tạo ra khi các nền kinh tế của các cường quốc như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc… phát triển và đạt được nhiều tiến bộ nhờ vào nỗ lực đổi mới công nghệ thông tin và truyền thông.

Hiện nay, Việt Nam đang là điểm đến của các công ty đa quốc gia như Samsung, LG, Intel. Bên cạnh đó, các địa phương đang hướng đến ứng dụng công nghệ thông minh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đây là yếu tố thúc đẩy ngành công nghiệp Công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam phát triển, làm tăng nhu cầu về nhân lực của ngành này. Lao động ngành CNTT Việt Nam được đánh giá cao về tiềm năng, ví dụ: theo HackerRank, năm 2017 lập trình viên Việt Nam xếp hạng thứ 23 trên thế giới; sinh viên Việt Nam xếp thứ 34/128 quốc gia tại kỳ thi lập trình quốc tế ACM/ICPC.

Nhu cầu nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại Việt Nam tăng cao

Tuy nhiên, nguồn nhân lực CNTT ở Việt Nam nói chung và nhân lực CNTT phục vụ cho khu vực công nói riêng chưa đáp ứng nhu cầu của xã hội trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Tỷ lệ nhân lực công nghệ thông tin trên tổng số lao động quốc gia của Việt Nam ước đạt 1,1% trong tổng số 51 triệu lao động. Tỷ lệ này khá thấp so với các nước định hướng công nghệ như Hoa Kỳ, Hàn Quốc hay Ấn Độ. Cụ thể, tỷ lệ nhân lực công nghệ thông tin của Ấn Độ là 1,78% trên tổng số lao động quốc gia, của Hàn Quốc là 2,5% và của Mỹ là 4%. Tuy nhiên, tỉ lệ này của Việt Nam dự kiến sẽ tăng lên 2% và cùng với đó là nâng cao chất lượng kỹ thuật trong thời gian tới.

Chính vì vậy, Chính phủ và người làm giáo dục tại Việt Nam đang ngày càng nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt trong khía cạnh lĩnh vực công nghệ thông tin. Học sinh dần có nhiều cơ hội để tiếp cận nguồn kiến thức trong khi phụ huynh, giáo viên ngày càng bày tỏ sự quan tâm tới vấn đề cải thiện các kỹ năng CNTT của thế hệ trẻ. Song song đó, việc triển khai giáo dục STEM (Science - Technology - Engineering - Mathematics) ở các nước đang phát triển như Việt Nam cũng góp phần gia tăng số lượng lao động lành nghề, cũng như tạo tiền đề cho các thế hệ trẻ kế tiếp thích nghi với kỷ nguyên số thông qua luyện tập các kỹ năng thực tiễn.

Đại diện Khan Academy Vietnam hy vọng việc tổ chức này cung cấp khóa học lập trình hoàn toàn miễn phí trên nền tảng học trực tuyến sẽ giúp hàng triệu học sinh Việt Nam ở khắp mọi nơi có cơ hội học lập trình ngay từ sớm để trang bị kiến thức, kỹ năng trong thời đại mới. Chỉ với một chiếc điện thoại hay laptop giá rẻ, các em học sinh có thể học lập trình mọi lúc, mọi nơi với chi phí 0 đồng.

Khan Academy Vietnam nỗ lực rút ngắn khoảng cách công nghệ số thông qua giáo dục

Trong bối cảnh đổi mới diễn ra với tốc độ nhanh chóng, ngoài những kiến thức cơ bản, học sinh cần được trang bị thêm những kỹ năng và tri thức mới liên quan tới công nghệ thông tin - điều mà học sinh ở vùng nông thôn Việt Nam đang gặp nhiều hạn chế trong việc tiếp cận. Bắt nguồn từ đó, cũng như với mục tiêu tất cả học sinh Việt Nam có thể thụ hưởng một nền giáo dục hoàn thiện, đội ngũ Khan Academy Vietnam (KAV) bên cạnh việc bản địa hóa các khóa học Toán, An toàn Internet… cũng đã bản địa hóa thêm chương trình học Khoa học máy tính và Lập trình dành cho học sinh từ lớp 3 trở lên với nỗ lực rút ngắn khoảng cách công nghệ số thông qua giáo dục.

Bên cạnh việc bản địa hóa các khóa học Toán, An toàn Internet… đội ngũ Khan Academy Vietnam (KAV) cũng đã bản địa hóa thêm chương trình học Khoa học máy tính và Lập trình dành cho học sinh từ lớp 3 trở lên với nỗ lực rút ngắn khoảng cách công nghệ số thông qua giáo dục.

“Nhận ra nhu cầu về phát triển Khoa học máy tính và lập trình đang ngày càng tăng trên thế giới, điển hình là nhiều nước như Anh, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore… đã đưa lập trình vào giảng dạy từ rất cấp Tiểu học. Không những vậy, Khoa học máy tính và lập trình không chỉ là lĩnh vực quan trọng trong công nghệ thông tin mà còn là nền tảng cho các ngành khác. Đó chính là động lực thôi thúc để đội ngũ tiến hành bản địa hóa nội dung Khoa học máy tính và lập trình trên nền tảng Khan Academy để cung cấp miễn phí các học liệu đa dạng và thiết thực cho học sinh. Bên cạnh đó, bằng việc tiếp cận với các khóa học này một cách dễ dàng sẽ truyền thêm cảm hứng và động lực để giáo viên, học sinh trên khắp cả nước học tập hiệu quả”, bà Hà Thị Phương Thảo, Trưởng nhóm Phát triển sản phẩm - Chương trình Khan Academy Vietnam chia sẻ.

Nằm trong chuỗi chương trình học Khoa học máy tính và lập trình - “Giờ lập trình” là khóa học đầu tiên đã chính thức xuất bản. Khóa học “bước đệm” giúp các em học sinh tiếp cận với lập trình từ con số 0 thông qua các video hướng dẫn ngắn gọn và trực quan. Bên cạnh đó, các em được trực tiếp thao tác lập trình trên nền tảng với hàng loạt các thử thách vẽ tranh vui nhộn (vẽ người tuyết, vẽ công chúa Elsa,...), xây dựng trang web cơ bản và làm quen với cơ sở dữ liệu SQL… Ngoài ra, giáo viên và phụ huynh cũng nhận được hướng dẫn đồng hành cùng học sinh học lập trình hiệu quả ngay trong phần tài liệu của khóa học. Đặc biệt, giáo viên còn có thể dễ dàng tham khảo các video, bài đọc, bài thực hành trên nền tảng để lồng ghép trong các bài giảng về lập trình hoặc phần bài tập tin học.

Khóa học “Giờ lập trình” miễn phí trên Khan Academy

Tiếp nối “Giờ lập trình” sẽ là khóa học “Lập trình bằng Javascript” và “Lập trình Web” xuất bản đầu tháng 5 và khóa “Máy tính và mạng Internet” xuất bản trong tháng 7. Với chương trình học này, các em học sinh sẽ tiếp cận được với lập trình trong kỳ nghỉ hè cũng như trong suốt năm học để trau dồi kiến thức tin học và công nghệ thông tin làm tiền đề phát triển bản thân, hoàn thiện kỹ năng và có định hướng nghề nghiệp sớm.

Đại diện Khan Academy Vietnam, ông Đỗ Ngọc Minh chia sẻ: “Chúng tôi hy vọng bằng việc cung cấp khóa học lập trình hoàn toàn miễn phí trên nền tảng học trực tuyến sẽ giúp hàng triệu học sinh Việt Nam ở khắp mọi nơi có cơ hội học lập trình ngay từ sớm để trang bị kiến thức, kỹ năng trong thời đại mới. Chỉ với một chiếc điện thoại hay laptop giá rẻ, các em học sinh có thể học lập trình mọi lúc, mọi nơi với chi phí 0 đồng”.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/no-luc-rut-ngan-khoang-cach-cong-nghe-so-cho-hoc-sinh-267605.html