Nỗ lực quảng bá và phát triển du lịch xứ Trà đến với du khách trong và ngoài nước

Sự kiện do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên tổ chức tại Hà Nội trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024.

Hội nghị là cầu nối góp phần quảng bá các sản phẩm du lịch xứ Trà đến với du khách trong nước và quốc tế, kết nối với các đối tác là công ty du lịch và lữ hành trong nước.

Các diễn giả tham gia phần thảo luận tại Hội nghị xúc tiến quảng bá du lịch Thái Nguyên.

Đúng thời điểm, đúng đối tượng

Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội là sự kiện thường niên, lớn nhất năm của ngành du lịch Việt Nam. Hội chợ năm nay quy tụ 55 tỉnh thành phố của Việt Nam, 16 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký tham gia, dự kiến đón trên 3.500 doanh nghiệp du lịch của Việt Nam và quốc tế đến làm việc, khoảng 80.000 khách tới tham quan trong 4 ngày.

Các ấn phẩm của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên được giới thiệu tại Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch tỉnh Thái Nguyên năm 2024.

Đánh giá tính lan tỏa và tầm quan trọng của Hội chợ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Hội nghị xúc tiến quảng bá du lịch và giới thiệu về tiềm năng và thế mạnh về du lịch tỉnh Thái Nguyên năm 2024 tại Hà Nội trong khuôn khổ sự kiện.

Hội nghị nhận được sự quan tâm và tham dự của lãnh đạo các Cục, Hiệp hội cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh.

Các Lãnh đạo tham dự Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch tỉnh Thái Nguyên năm 2024.

Đến dự hội nghị có ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam; ông Nguyễn Đạo Dũng - Trưởng phòng quản lý Lữ hành, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam; ông Vũ Quốc Trí - Ủy viên thường trực, Tổng Thư ký Hiệp hội du lịch Việt Nam; ông Trần Trung Hiếu - Phó Giám đốc Sở du lịch TP. Hà Nội cùng lãnh đạo các Sở, Trung tâm xúc tiến du lịch các tỉnh Tuyên Quang, Sóc Trăng và Hậu Giang...

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên Lê Ngọc Linh phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Ngọc Linh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên cho biết, "Thái Nguyên có đầy đủ các điều kiện để xúc tiến đầu tư, hợp tác và phát triển du lịch. Thái Nguyên là cửa ngõ liên thông giữa các vùng trung du, miền núi phía Bắc với Đồng bằng Bắc Bộ, cách sân bay quốc tế 50km, quốc lộ 3 kết nối Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng, quốc lộ 1B kết nối Thái Nguyên với Lạng Sơn, quốc lộ 37 kết nối với Bắc Giang và Tuyên Quang.

Đặc biệt, tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên được kết nối với nhiều tuyến đường quan trọng. Hiện nay, có nhiều tuyến đường đang được triển khai xây dựng sẽ mở ra nhiều cơ hội mới, kết nối toàn diện về kinh tế - xã hội và du lịch.

Thái Nguyên là vùng đất có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hội tụ nhiều di tích lịch sử, văn hóa có giá trị để phát triển nhiều loại hình du lịch, thu hút du khách.

Với tinh thần cầu thị, để học hỏi thêm kinh nghiệm xúc tiến, quảng bá, phát triển du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên tổ chức hội nghị này để du lịch tỉnh Thái Nguyên phát huy hơn nữa các tiềm năng, thế mạnh, hình thành và phát triển các tour tuyến, sản phẩm du lịch chất lượng cao, hấp dẫn du khách, đặc biệt là khách quốc tế, qua đó thúc đẩy tăng trưởng du lịch và đóng góp vào sự phát triển chung của du lịch cả nước, quảng bá các tour du lịch điển hình của xứ Trà".

Ông Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh Thái Nguyên chia sẻ 4 sản phẩm du lịch điển hình của tỉnh là du lịch văn hóa - lịch sử về nguồn, du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng nông thôn gắn với văn hóa trà, du lịch mice - thể thao - khám phá cung đường mạo hiểm.

Bốn dòng sản phẩm này khi đưa vào thiết kế các chương trình tour 1 ngày, 2 ngày sẽ kết hợp các loại hình với nhau, mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm đa dạng.

Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Minh Đức chia sẻ 4 sản phẩm du lịch của Thái Nguyên.

Trong các tour du lịch này, Thái Nguyên mong muốn phát huy triệt để các điểm sáng trong du lịch tỉnh nhà với các điểm đến nổi tiếng như Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa - Thái Nguyên, khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào - Tuyên Quang, điểm du lịch cộng đồng xã Tân Cương.

Toàn cảnh diễn ra Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch tỉnh Thái Nguyên năm 2024 tại Hà Nội.

Đặc biệt, Thái Nguyên là nơi hội tụ của 51/54 dân tộc anh em, với sự đa dạng về văn hóa, phong tục, tập quán và sự hình thành các làng văn hóa điển hình như Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải, làng văn hóa dân tộc bản Quyên, xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng (Võ Nhai)... mang đến trải nghiệm du lịch riêng biệt cho du khách.

Sản phẩm chè là một thế mạnh của Thái Nguyên trong phát triển du lịch.

Ngoài ra, sự phong phú về ẩm thực, đặc sản cũng là thế mạnh thu hút du khách tới Thái Nguyên. Hệ thống hang động nổi tiếng như Hang Phượng Hoàng tại huyện Đại Từ hay hệ thống khách sạn nhà hàng hiện đại trên địa bàn tỉnh góp phần phát triển du lịch Mice - khám phá.

Các lãnh đạo thưởng thức hương vị chè đặc sản của quê hương xứ trà Thái Nguyên.

Tùy vào nhu cầu của du khách, Trung tâm xúc tiến du lịch, các doanh nghiệp lữ hành tỉnh Thái Nguyên có thể linh hoạt thiết kế tour 1 ngày, 2 ngày, tour kết hợp dài ngày... được xây dựng phù hợp với từng đối tượng, mang đến trải nghiệm hoàn hảo nhất.

Cầu thị để phát triển

Trong khuôn khổ Hội nghị đã diễn ra hoạt động thảo luận, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, qua đó có thể áp dụng vào thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả làm du lịch.

Mở đầu phần thảo luận, ông Tạ Hữu Chiến - Giám đốc Công ty CP Mặt trời Việt Nam đánh giá Thái Nguyên có nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Thái Nguyên đã thành công trong việc chọn định vị thương hiệu du lịch - đó là xứ Trà.

Lấy trung tâm khách từ TP. Hà Nội làm thị trường mục tiêu, du lịch đã kéo Thái Nguyên lại gần với Hà Nội hơn. Cùng với đó, yếu tố con người là then chốt khi người làm du lịch Thái Nguyên đã cầu thị tiếp thu ý kiến của các đơn vị lữ lành để liên kết và đưa khách về với xứ Trà.

Đại diện Công ty Du lịch chia sẻ.

“Ngay sau đại dịch Covid-19, khi Tổng cục Du lịch thông qua quyết định mở cửa, cách đơn vị du lịch Thái Nguyên đã triển khai ngay những chương trình xúc tiến và thu hút nhiều doanh nghiệp lữ hành của Hà Nội cùng các các tỉnh thành về với Thái Nguyên”, ông Tạ Hữu Chiến đánh giá cao khả năng nắm bắt cơ hội, chớp thời cơ để phát triển du lịch của tỉnh Thái Nguyên.

PGS.TS Dương Văn Sáu - nguyên Trưởng khoa Du lịch, Đại học Văn hóa Hà Nội chia sẻ.

Về phía các đơn vị giáo dục du lịch, PGS.TS Dương Văn Sáu - nguyên Trưởng khoa Du lịch, Đại học Văn hóa Hà Nội chia sẻ việc áp dụng lý thuyết về sự chuyển đổi trong du lịch, bao gồm chuyển giao thời gian, chuyển tiếp không gian và chuyển đổi dịch vụ vào làm du lịch hiệu quả hơn.

Thái Nguyên là một trong những địa phương tiên phong chuyển đổi số - “Du lịch qua màn ảnh nhỏ” trong phát triển du lịch.

Các đơn vị xây dựng tour du lịch có thể biến tour 1 ngày thành tour 1 ngày + và kết nối linh hoạt giữa doanh nghiệp du lịch với điểm đến, các đơn vị cung cấp dịch vụ ăn uống, ngủ nghỉ, di chuyển... để khai thác hiệu quả và tăng giá trị du lịch.

Tour ngắn ngày hay dài ngày không quan trọng, quan trọng là sự liên kết chặt chẽ giữa các đơn vị liên quan, tạo ra dòng chảy du khách, mang đến giá trị đa bên. Bên cạnh đó, Thái Nguyên cần khai thác triệt để lợi thế sẵn có, điển hình là văn hóa trà, trà văn, trà đạo... để định hình bản sắc riêng của văn hóa trà Thái Nguyên.

Tiến sĩ Lê Quang Đăng - Phó trưởng phòng Chính sách quy hoạch môi trường, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch chia sẻ.

Về phía cơ quan ban ngành, Tiến sĩ Lê Quang Đăng - Phó trưởng phòng Chính sách quy hoạch môi trường, Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch đã chỉ ra những hạn chế về thực trạng du lịch Thái Nguyên như nguồn khách chủ yếu là khách du lịch nội địa, khách nội vùng và cận vùng; thời gian lưu trú rất ngắn, thường và 1,5 - 2 ngày, mức độ chi tiêu của khách trên địa bàn tỉnh không cao; lượng khách quốc tế đến Thái Nguyên chỉ chiếm 2,5% trong tổng lượng khách quốc tế đến tiểu vùng.

Đại diện Sở/ban/nghành tỉnh Thái Nguyên tham dự Hội nghị.

Để khắc phục những hạn chế này, mở đường cho du lịch Thái Nguyên phát triển cần phải xác định các dòng sản phẩm chủ đạo là du lịch sinh thái gắn với nghỉ dưỡng núi hồ, du lịch văn hóa gắn với cộng đồng 46 dân tộc anh em cùng các di sản lịch sử cách mạng, du lịch nông nghiệp gắn với sản xuất chè và văn hóa trà.

Nhiều sản phẩm đặc sản của địa phương được giới thiệu tại Hội nghị.

Bên cạnh đó, tỉnh cần phát triển các sản phẩm du lịch mới như du lịch Mice, du lịch giáo dục, du lịch gắn với thể thao và thể thao mạo hiểm để tận dụng tối đa các tiềm năng đang có. Đặc biệt, xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù mang thương hiệu riêng là cách để Thái Nguyên đi đường dài trên hành trình phát triển du lịch.

Hiệp hội Du lịch tỉnh Thái Nguyên ký kết Biên bản ghi nhớ với Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành phố.

Khép lại Hội nghị, Hiệp hội Du lịch tỉnh Thái Nguyên đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành phố gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên. Đây được xem là bước ngoặt đánh dấu cho quá trình liên kết, tạo sức mạnh kết nối, thúc đẩy sự phát triển du lịch tỉnh nhà trong thời gian tới.

Thùy Dương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/no-luc-quang-ba-va-phat-trien-du-lich-xu-tra-den-voi-du-khach-trong-va-ngoai-nuoc-268016.html