Nỗ lực phấn đấu hoàn thành mục tiêu thu ngân sách năm 2023

Hoạt động sản xuất - kinh doanh của một số ngành, lĩnh vực chủ lực của tỉnh gặp khó khăn và kinh tế tăng trưởng thấp đã tác động làm giảm số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn.

Theo báo cáo của Sở Tài chính, dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2023 được Trung ương giao 8.543 tỷ đồng, dự toán HĐND tỉnh giao là 12.000 tỷ đồng.

Thu ngân sách từ hoạt động - xuất nhập khẩu đạt thấp.

Tính đến hết ngày 29/9/2023, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 5.077 tỷ đồng, bằng 59,4% dự toán Trung ương giao, bằng 42,3% dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 70,7% cùng kỳ năm 2022. Trong đó, thu nội địa đạt 4.408 tỷ đồng, bằng 62,6% dự toán Trung ương giao, bằng 45,7% dự toán tỉnh giao, bằng 80,6% cùng kỳ năm 2022; thu từ hoạt động xuất - nhập khẩu đạt 669,3 tỷ đồng, bằng 44,6% dự toán Trung ương giao, bằng 28,5% dự toán tỉnh giao, bằng 55,5% cùng kỳ năm 2022.

Thu điều tiết ngân sách cấp tỉnh từ các khoản thu thuế, phí và thu khác được hưởng theo phân cấp đến ngày 28/9/2023 là 2.295 tỷ đồng/4.245 tỷ đồng, đạt 54,1%. Thu điều tiết tiền sử dụng đất cấp tỉnh đạt thấp, số còn phải thu điều tiết tiền sử dụng đất ngân sách cấp tỉnh đến hết năm 2023 để đạt dự toán được giao là 1.729 tỷ đồng.

3 địa phương có số thu đạt hơn 70%

Kết quả thực hiện thu ngân sách nhà nước trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố năm 2023 cho thấy đến nay có 3 địa phương có số thu đạt hơn 70% dự toán tỉnh giao, 3 địa phương có số thu đạt hơn 50% dự toán tỉnh giao và 3 địa phương có số thu dưới 50% dự toán giao.

Đầu tư công được xem là một trong những nguồn lực, giải pháp chính tạo đột phá trong phát triển kinh tế.

Các địa phương có số thu đạt cao so với dự toán tỉnh giao như huyện Si Ma Cai thu 16,8 tỷ đồng/20 tỷ đồng, bằng 84,2% dự toán tỉnh giao; huyện Bát Xát thu 988,7 tỷ đồng/1.327 tỷ đồng, bằng 74,5% dự toán tỉnh giao; huyện Văn Bàn thu 313,9 tỷ đồng/419,5 tỷ đồng, bằng 74,8% dự toán tỉnh giao.

Duy trì ổn định hoạt động sản xuất công nghiệp góp phần tăng thu ngân sách.

Các địa phương có số thu đạt dưới 50% gồm: Huyện Bảo Yên thu 91,5 tỷ đồng/185 tỷ đồng, bằng 49,5% dự toán tỉnh giao; huyện Bảo Thắng thu 412,2 tỷ đồng/913,8 tỷ đồng, bằng 45,1% dự toán tỉnh giao; thành phố Lào Cai thu 2.739,9 tỷ đồng/8.161,9, bằng 33,6% dự toán tỉnh giao...

Thực tế nguồn thu từ tiền sử dụng đất luôn chiếm tỷ lệ cao trong thu ngân sách của Lào Cai những năm qua. Tuy nhiên, năm 2023, tiến độ triển khai thu tiền sử dụng đất vào ngân sách ở các địa phương chậm do thị trường bất động sản “đóng băng”. Nhiều dự án đầu tư, xây dựng các khu đô thị không tìm được khách hàng, các dự án đấu giá quyền sử dụng đất cũng gặp nhiều khó khăn.

Mức lưu chuyển hàng hóa 9 tháng năm 2023 tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Chủ động xây dựng và thực hiện phương án thu

Nguyên nhân ảnh hưởng đến số thu ngân sách của tỉnh là tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của xung đột giữa các quốc gia, hậu quả của đại dịch Covid-19, kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn so với dự báo trước đó. Nhiều doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn gặp khó khăn về tài chính, vốn sản xuất - kinh doanh, tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp. Các mặt hàng nguyên liệu, vật tư chiến lược chịu áp lực lớn từ tình trạng phục hồi không đồng đều và thiếu bền vững của kinh tế thế giới, nhất là một số nền kinh tế lớn và đối tác chính của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát cao. Hoạt động thương mại biên giới tiếp tục bị ảnh hưởng bởi chính sách biên mậu của Trung Quốc; một số dự án lớn chậm tiến độ, giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt như kỳ vọng...

Vì vậy, một số lĩnh vực thu trước đây là thế mạnh của tỉnh như thu từ hoạt động du lịch, hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản, hoạt động xuất - nhập khẩu dự báo tiếp tục gặp nhiều thách thức trong thời gian tới.

Ông Ngô Đức Ảnh, Giám đốc Sở Tài chính báo cáo về công tác thu - chi ngân sách tại phiên họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 10/2023.

Ông Ngô Đức Ảnh, Giám đốc Sở Tài chính cho biết: Trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp cần tiếp tục được quan tâm, đồng thời tăng cường thu hút đầu tư và đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, tiến độ thi công các công trình, dự án. Do đó, Sở Tài chính tiếp tục phối hợp với các cơ quan thuế, hải quan và các địa phương xây dựng, thực hiện phương án thu ngân sách cụ thể trong các tình huống phù hợp với tình hình thực tế.

Thi công Dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai giai đoạn 2.

Theo đó, Cục Thuế tỉnh và các đơn vị chức năng, địa phương cần chủ động, tích cực rà soát, đôn đốc các khoản nợ thuế; tăng cường quản lý đối với các lĩnh vực nhà hàng ăn uống; quản lý tốt các khoản thu từ Ban Quản lý di tích trên địa bàn; đẩy mạnh thực hiện hóa đơn điện tử; rà soát việc thuê đất của toàn bộ doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các sở, ngành, địa phương tăng cường và nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các thủ tục đấu giá đất, đặc biệt là các nội dung liên quan đến quy hoạch, phê duyệt dự án, thông tin địa chính, giá đất. Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ tài chính, các địa phương rà soát, bổ sung các quỹ đất đủ điều kiện đấu giá vào kế hoạch để thực hiện thu trong năm 2023 và gối sang năm 2024…

Thực hiện tốt công tác thu ngân sách tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Tại phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 10/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương phải nỗ lực đẩy mạnh thu ngân sách nhà nước, phấn đấu hoàn thành mục tiêu kế hoạch của năm đề ra, đồng thời nhấn mạnh: Trong bối cảnh thu ngân sách khó khăn, các sở, ngành liên quan tham mưu cho tỉnh phương án bù thu, tiết kiệm chi. Hiện nay, đầu tư công được xem là một trong những nguồn lực, giải pháp chính tạo đột phá trong phát triển kinh tế, do đó cần tập trung tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công và kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp...

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/no-luc-phan-dau-hoan-thanh-muc-tieu-thu-ngan-sach-nam-2023-post374746.html