Nỗ lực ổn định cuộc sống người dân vùng lũ

Nước lũ đã rút nhưng mọi hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân vùng lũ Hà Nội vẫn nhiều khó khăn. Trong hoàn cảnh đó, người dân vùng lũ vẫn cảm thấy ấm lòng bởi sự quan tâm, chỉ đạo khắc phục hậu quả, thực hiện hỗ trợ rất sát sao của lãnh đạo thành phố, sự vào cuộc tích cực của các cơ quan, đoàn thể. Người dân vùng lũ đang nỗ lực ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất.

Đoàn công tác Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội trao quà cho các hộ dân xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ.

Nhiều nơi vẫn ngập

Tại xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ), nước lũ đã rút nhưng chậm. Tính đến 18h ngày 18-10, trong khu dân cư, điểm ngập sâu nhất còn khoảng 1m. Đây là một trong những xã chịu ảnh hưởng bởi nước lũ trên địa bàn Chương Mỹ. Từ sự chỉ đạo, hỗ trợ của thành phố và sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, đến thời điểm này huyện chỉ còn 556 ngôi nhà bị ngập. Ở 10/13 trường học, học sinh đã trở lại học tập bình thường.

Huyện Mỹ Ðức cũng có nhiều khu vực bị ảnh hưởng nặng nề. Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức Nguyễn Hải Hồng cho biết, với nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân địa phương, tại các vùng ngập úng, nước đã rút bớt, có nơi chỉ còn hơn 1m. Trong ngày 18-10, còn một số xóm tại các xã An Phú, Hợp Thanh, Hợp Tiến bị ngập sâu.

Tại Mê Linh, nhờ chủ động lực lượng, phương tiện, vật tư tại chỗ nên huyện đã giảm thiểu thiệt hại về hoa màu trong đợt mưa lũ vừa qua. Trong số 365ha hoa màu bị ngập úng, các xã Tráng Việt có 115ha, Văn Khê 180ha, Hoàng Kim 70ha bị ngập úng… Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, đợt mưa lũ vừa qua, tổng diện tích cây trồng bị ngập khoảng 6.800 ha, chủ yếu là cây vụ đông vừa mới gieo trồng. Nhiều diện tích ngập úng lâu ngày nên khả năng khôi phục là rất khó.

Vừa khắc phục hậu quả vừa khôi phục sản xuất

Trong hoàn cảnh khó khăn, người dân vùng lũ vẫn cảm thấy ấm lòng bởi sự quan tâm, chỉ đạo khắc phục hậu quả, thực hiện hỗ trợ rất sát sao của lãnh đạo thành phố, sự vào cuộc tích cực của các cơ quan, đoàn thể. Ngay khi mưa lũ xảy ra, lãnh đạo thành phố đã trực tiếp thị sát, chỉ đạo khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống nhân dân vùng lũ. Sáng 12-10, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải trực tiếp đi kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống mưa bão, khắc phục thiệt hại tại huyện Chương Mỹ. Đồng chí yêu cầu các cấp, các ngành phải bám sát chặt chẽ tình hình dân cư, huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, lấy sự an toàn của người dân là ưu tiên số 1.

Trước đó, trong đêm 11-10, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đi thị sát, kiểm tra công tác phòng chống lũ trên địa bàn huyện Chương Mỹ. Chủ tịch UBND thành phố đã trực tiếp đến điểm xung yếu tại đê Trung Hoàng, xã Thanh Bình động viên các lực lượng và nhân dân đang ứng trực, đắp đê, đồng thời chỉ đạo ứng phó với thiên tai.

Tiếp đó, ngày 16-10, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung tiếp tục về huyện Chương Mỹ kiểm tra tình hình úng ngập, khắc phục hậu quả thiên tai tại 2 xã Tân Tiến và Nam Phương Tiến. Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các sở, ngành liên quan tập trung giải quyết nhu cầu thiết yếu của người dân, đặc biệt là nước sạch. Sở Y tế Hà Nội phối hợp với chính quyền địa phương nước rút đến đâu tổ chức vệ sinh môi trường đến đó, không để phát sinh dịch bệnh.

Chia sẻ với người dân, đồng thời kiểm tra tình hình ngập úng, chiều 17-10, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đã đến với nhân dân vùng lũ ở huyện Mỹ Đức. Tại xã Hợp Thanh, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy vào một số hộ dân để thăm hỏi, trao quà, động viên người dân sớm vượt qua khó khăn. Đồng chí giao các sở, ngành liên quan hỗ trợ cây và con giống để người dân sớm khôi phục sản xuất…

Cùng ngày, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đã thị sát tình hình ngập lụt, thăm hỏi và trao quà các hộ dân bị ảnh hưởng tại huyện Chương Mỹ. Chủ tịch HĐND thành phố giao các sở, ban, ngành thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ nhân dân vượt qua khó khăn trước mắt, sớm ổn định cuộc sống.

Từ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo thành phố, các sở, ban, ngành, Đoàn thể đồng bộ khẩn trương vào cuộc. Chiều qua, 18-10, đoàn công tác của Hội Liên hiệp phụ nữ TP Hà Nội đã đến thăm hỏi, động viên và tặng quà các gia đình bị ảnh hưởng do ngập lụt trên địa bàn hai huyện Chương Mỹ và Mỹ Đức. Tại Trạm Y tế xã Hợp Thanh, Hợp Tiến và An Phú, Trung tâm Y tế huyện Mỹ Đức phối hợp với Bệnh viện Mắt Hà Đông, Bệnh viện Da liễu Hà Nội tổ chức khám, cấp thuốc miễn phí cho người dân trên địa bàn huyện Mỹ Đức.

Cũng tại Mỹ Đức, cùng ngày, các đoàn công tác của huyện tiếp tục xuống các khu vực còn ngập úng để thăm hỏi và hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả. Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Triều cho biết: Các sở, ban ngành, đoàn thể, Hội Chữ thập đỏ thành phố, quận, huyện đã hỗ trợ người dân vùng lũ 1.871 thùng mỳ ăn liền, 200 thùng mỳ phở, 700 bình nước, 3 tấn gạo, 900 đôi nến, 1.750 gói bột canh, 750 cái bật lửa, 8 thùng lương khô, 2.516 chiếc đèn pin, 50 bồn nước loại 500 lít và 1,15 tỷ đồng.

Theo Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng, tính đến hết ngày 18-10, UBND huyện đã tiếp nhận 3.383 thùng mỳ ăn liền, 3.116 cây nến, 700 chiếc đèn pin, 2.400 chai nước uống, 2.775 bình nước uống, 50 thùng chứa nước sạch, 3 tấn gạo, 135 suất quà bằng hiện vật và 210,8 triệu đồng... hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân. Rất cảm động, ông Nguyễn Văn Tăng (thôn Hạnh Côn, xã Nam Phương Tiến) chia sẻ: “Ngay sau khi xảy ra ngập úng, người dân đã được hỗ trợ đầy đủ lương thực, nước uống”.

Đấy cũng là tâm trạng chung của người dân vùng lũ lụt. Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Sở NN&PTNT đã phối hợp tích cực với các địa phương sau khi nước rút tập trung khôi phục sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, hướng dẫn nhân dân tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản; triển khai tiêm vắc xin cho gia súc, gia cầm ở các vùng bị ngập lụt...

Ngày 18-10, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai có văn bản hỏa tốc yêu cầu các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ đánh giá thực trạng công tác phòng, chống lũ ống, lũ quét và sạt lở đất theo phương châm “4 tại chỗ”; xác định nhu cầu cấp bách hiện nay để ứng phó với lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; đề xuất giải pháp công trình, phi công trình, bảo đảm phù hợp tình hình trước mắt và ổn định lâu dài...

Dự báo trong ngày hôm nay (19-10), mực nước sông Hồng, sông Đáy tiếp tục giảm; Thủ đô Hà Nội có mưa vài nơi, trưa chiều giảm mây trời nắng; đêm và sáng sớm trời lạnh; nhiệt độ 20-27 độ C.

Kim Nhuệ

Đào Huyền - Dương Hà

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Xa-hoi/880741/no-luc-on-dinh-cuoc-song-nguoi-dan-vung-lu