Nỗ lực loại trừ bệnh lao

An Giang có số ca mắc bệnh lao cao thứ 2 ở Việt Nam. Ba năm qua, Chương trình chống lao quốc gia và UBND tỉnh An Giang phối hợp Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), thông qua dự án USAID hỗ trợ chấm dứt bệnh lao tại tỉnh An Giang, đã phối hợp triển khai nhiều hoạt động ứng phó với bệnh lao, đạt nhiều kết quả quan trọng.

Ngành y tế An Giang nỗ lực tiến tới loại trừ bệnh lao

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Chương trình chống lao quốc gia, Việt Nam là một trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới. Triển khai từ năm 2020, dự án USAID hỗ trợ chấm dứt bệnh lao, được thực hiện bởi tổ chức FHI 360, với ngân sách hơn 23 triệu UDS trong 5 năm, thực hiện tại 9 tỉnh, ưu tiên triển khai các hoạt động cải thiện dịch vụ phát hiện lao, lao tiềm ẩn và đưa vào điều trị. Sau 3 năm, dự án triển khai tại 9 tỉnh phát hiện khoảng 15.000 người mắc lao và gần 9.000 người nhiễm lao tiềm ẩn. Dự án hỗ trợ kỹ thuật cho cơ sở y tế tại 9 tỉnh để chuyển giao khám, chữa bệnh lao qua bảo hiểm y tế; hỗ trợ 74% trạm y tế xã tại 9 tỉnh thực hiện cấp phát thuốc lao, tạo điều kiện cho người bệnh nhận thuốc ngay gần nơi sinh sống. Đồng thời, hỗ trợ nâng cấp hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh lao điện tử để quản lý, báo cáo tốt hơn thông tin về bệnh lao, lao kháng thuốc và lao tiềm ẩn.

An Giang là tỉnh có gánh nặng bệnh lao rất lớn, đặc biệt là tình hình bệnh lao và lao đa kháng thuốc, số ca mắc thứ 2 cả nước, với hàng ngàn ca lao nhạy cảm, hàng trăm bệnh nhân lao đa kháng thuốc được phát hiện mỗi năm. Năm 2020, dự án USAID hỗ trợ An Giang triển khai thí điểm chấm dứt bệnh lao tại TP. Long Xuyên, huyện Chợ Mới và Châu Phú, giúp tầm soát được nhiều bệnh nhân lao trong cộng đồng, nhất là người có bệnh lý mạn tính. Với kết quả đạt được, năm 2021 dự án tiếp tục triển khai thêm tại huyện Phú Tân và Thoại Sơn.

Được Dự án USAID hỗ trợ 1 triệu USD sàng lọc bệnh lao tại cơ sở y tế và cộng đồng, từ tháng 3/2020 - 9/2023, dự án USAID giúp An Giang phát hiện hơn 8.600 người mắc bệnh lao và gần 2.700 người nhiễm lao tiềm ẩn. Hiệu suất số ca mắc bệnh lao tại An Giang phát hiện cao gấp 15 lần so với tỷ lệ mắc mới toàn quốc. Dự án đã mang công nghệ sàng lọc lao di động đến tận cộng đồng, như máy chụp X-quang ngực cầm tay có trang bị phần mềm trí tuệ nhân tạo, nhằm xóa bỏ rào cản trong việc chăm sóc người dân.

BS CKII Phan Vân Điền Phương, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: “An Giang phát hiện bệnh lao hàng năm đạt từ 1,5 - 1,8% dân số, thu nhận điều trị từ 4.500 - 5.500 trường hợp, đứng thứ 2 cả nước, sau TP. Hồ Chí Minh. Tỷ lệ lao thu nhận điều trị khoảng 0,2% dân số, tỷ lệ điều trị khỏi hàng năm trên 92%. Dự án USAID hỗ trợ An Giang tầm soát được rất nhiều bệnh nhân lao, để đưa vào điều trị, nhằm cắt đứt nguồn lây trong cộng đồng. Đồng thời, giúp cải thiện hệ thống chống lao ở cơ sở y tế và cộng đồng; cải thiện hoạt động dự phòng, chẩn đoán, điều trị lao nhạy cảm cũng như lao đa kháng thuốc; tăng cường vai trò, nguồn lực địa phương đáp ứng hoạt động phòng, chống lao, bao gồm chuyển giao khám, chữa bệnh lao qua bảo hiểm y tế. Tỉnh mong dự án tiếp tục hỗ trợ An Giang tầm soát bệnh lao, hỗ trợ kỹ thuật và ngân sách cho hoạt động phòng, chống lao trên địa bàn”.

Bà Aler Grubbs (Giám đốc USAID Việt Nam) cho biết, USAID tiếp tục triển khai hoạt động của dự án tại 16 tỉnh có tỷ lệ mắc bệnh lao cao trong năm 2024. Trong đó, USAID tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho An Giang trong việc phát hiện, hoàn thành điều trị bệnh lao, cũng như xây dựng kế hoạch phòng, chống bệnh lao. “Chúng tôi mong đợi sự cam kết của tỉnh, để cùng nhau xây dựng chương trình phòng chống lao mạnh mẽ, cải thiện một cách toàn diện và bền vững. Về lâu dài, USAID sẽ hỗ trợ Chính phủ Việt Nam nỗ lực chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, với mục tiêu giảm 90% tỷ lệ mắc mới, giảm 95% tỷ lệ tử vong do bệnh lao” - bà Aler Grubbs chia sẻ.

PGS.TS Nguyễn Bình Hòa (Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Phó trưởng ban Chỉ đạo Chương trình chống lao quốc gia) nhấn mạnh: “Phòng, chống lao là nhiệm vụ phức tạp, cần sự phối hợp từ tất cả các bên liên quan. Trong đó, nguồn lực địa phương đóng vai trò quan trọng để đảm bảo hiệu quả, bền vững. Mô hình triển khai tại An Giang là điểm sáng cho chương trình chống lao quốc gia và đang được nhân rộng cả nước”.

Để công tác phòng, chống lao tại An Giang đạt hiệu quả, PGS.TS Nguyễn Bình Hòa đề nghị tỉnh cần có chính sách phù hợp hỗ trợ người bệnh lao có hoàn cảnh khó khăn, không có thẻ bảo hiểm y tế và cán bộ y tế thực hiện công tác phòng, chống lao. Sở Y tế tăng cường chỉ đạo bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh và các bệnh viện đa khoa khu vực hỗ trợ chuyên môn cho hoạt động chẩn đoán và điều trị lao, nhất là lao kháng thuốc. Tăng cường đầu tư ngân sách cho chương trình chống lao, để đáp ứng phòng, chống lao bền vững và thực hiện mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035.

Bà Aler Grubbs (Giám đốc USAID Việt Nam) nhấn mạnh, bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh lao, nhưng các triệu chứng của bệnh lao không giống nhau ở mỗi người. Nếu bị ho kéo dài, sốt hoặc ớn lạnh, sụt cân hoặc mệt mỏi, hãy đến ngay trung tâm y tế huyện để kiểm tra sức khỏe. Lao là căn bệnh nguy hiểm, nhưng nếu được sàng lọc và điều trị sớm thì có thể chữa khỏi.

CHÂU AN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/no-luc-loai-tru-benh-lao-a379999.html