Nỗ lực kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm

Những tháng đầu năm, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh có diễn biến phức tạp với nhiều ổ dịch, thậm chí còn có trường hợp tử vong. Trước tình hình đó, ngành Y tế từ tỉnh đến cơ sở đã tích cực vào cuộc ngăn chặn dịch bệnh truyền nhiễm lây lan trên diện rộng…

Cán bộ Trạm Y tế xã Pu Nhi, huyện Ðiện Biên Ðông tuyên truyền phòng chống các bệnh truyền nhiễm cho người dân.

Trong tháng 5 vừa qua, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 2 trường hợp mắc bệnh bạch hầu; trong đó, 1 trường hợp tử vong tại xã Pu Nhi, huyện Ðiện Biên Ðông. Ðây là những ca bệnh bạch hầu được ghi nhận sau 30 năm tại Ðiện Biên khiến người dân lo lắng. UBND tỉnh kịp thời ra quyết định công bố dịch bạch hầu quy mô cấp xã tại Pu Nhi và nhanh chóng triển khai các biện pháp cần thiết. Cũng trong tháng 5, tại bản Pàng Dề A, xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa xuất hiện ổ dịch bệnh nhiệt thán (bệnh than) ở trâu, bò làm 1 con trâu, 2 con bò chết. Người dân không khai báo cho chính quyền địa phương mà tự mổ thịt và bán cho người dân ở thôn, bản khác để thịt ăn, dẫn đến xuất hiện 3 ổ dịch bệnh than trên người tại: Bản Pàng Dề, bản Phiêng Quảng, xã Xá Nhè và bản Háng Trở 1, xã Mường Báng, huyện Tủa Chùa. Qua điều tra có 13 trường hợp tham gia mổ thịt, chế biến thức ăn có triệu chứng biểu hiện nghi mắc bệnh than thể ngoài da; 132 người ăn thịt 3 con trâu, bò nêu trên. Tình hình bệnh dại cũng có nhiều diễn biến phức tạp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 6 trường hợp mắc và tử vong do bệnh dại lên cơn tại 5 huyện: Ðiện Biên (1 ca); Ðiện Biên Ðông (2 ca); Mường Chà (1 ca); Tủa Chùa (1 ca); Tuần Giáo (1 ca). Nguyên nhân gây bệnh dại và tử vong chủ yếu liên quan đến việc bị chó cắn và không đi tiêm phòng vắc xin dại.

Không chỉ vậy, từ ngày 1/1 - 14/7, toàn tỉnh ghi nhận 5 ổ dịch bệnh truyền nhiễm khác, gồm 1 ổ dịch cúm A/H3, 4 ổ dịch thủy đậu với 334 ca mắc. Tình hình các bệnh truyền nhiễm gây dịch khác cũng tăng so với cùng kỳ, như bệnh cúm mùa 3.289 ca; tiêu chảy 3.682 ca, tử vong 1 ca, tăng 901 ca mắc. Bệnh viêm não vi rút ghi nhận 35 ca, tử vong 2 ca, tăng 15 ca mắc, 2 ca tử vong so với năm 2022. Các trường hợp mắc viêm não vi rút đều được điều tra và lấy mẫu xét nghiệm kết quả âm tính với viêm não Nhật Bản…

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra trên địa bàn tỉnh, các cơ quan chuyên môn đã nhanh chóng vào cuộc dập dịch và kiểm soát không cho dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC), các ổ dịch trên đều được phát hiện sớm, lực lượng chuyên môn nhanh chóng xuống trực tiếp cơ sở để điều tra, xác minh, chẩn đoán và triển khai biện pháp xử lý kịp thời. Ðồng thời, triển khai các biện pháp vệ sinh, khử khuẩn môi trường, tổ chức truyền thông trực tiếp tại cộng đồng cung cấp kiến thức về bệnh dịch, hướng dẫn người dân cách phòng tránh bệnh dịch và tránh gây hoang mang trong cộng đồng…

Ngay sau khi công bố dịch bạch hầu, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh năm 2023 với mục tiêu 100% trường hợp mắc bệnh bạch hầu được phát hiện sớm, khoanh vùng, xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng; trên 95% trẻ từ 5 - 20 tuổi tại các xã có dịch, nguy cơ cao xảy ra dịch bạch hầu được tiêm 2 mũi vắc xin bạch hầu; nâng cao nhận thức của người dân về công tác phòng chống dịch bệnh…

Ông Hạng A Chứ, Trạm phó phụ trách Trạm Y tế xã Pu Nhi, huyện Ðiện Biên Ðông - nơi xảy ra dịch bạch hầu cho biết: “Ngay sau khi ghi nhận ca dương tính đầu tiên, xã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bạch hầu và phối hợp với các cơ quan chuyên môn triển khai các hoạt động phòng chống dịch, như: Ðiều tra, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi mắc, tiếp xúc gần 123 người; xử lý môi trường tại nhà; điều trị dự phòng bằng thuốc kháng sinh cho 1.766 người… Cùng với đó, tập trung rà soát danh sách và triển khai tiêm vắc xin có thành phần bạch hầu cho 2.000 người trong độ tuổi từ 7 - 20 tuổi”.

Ðể khống chế, dập dịch bệnh than trên địa bàn huyện Tủa Chùa, ngoài tập trung triển khai các hoạt động chuyên môn, huy động nhân lực, phương tiện, theo dõi và điều trị những người mắc bệnh… thì việc quan trọng không kém là kiểm soát tốt bệnh than trên gia súc. Trong đó, các cơ quan chuyên môn đã khẩn trương rà soát công tác tiêm vắc - xin phòng bệnh than cho đàn gia súc trên địa bàn, nhất là vùng có ổ dịch cũ, khu vực có nguy cơ cao, bảo đảm tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh cho gia súc theo quy định… Ðối với các bệnh truyền nhiễm khác có nguy cơ bùng phát dịch, cơ quan chuyên môn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong công tác phòng, chống ban đầu. Ðồng thời, chủ động các phương án khống chế kịp thời khi dịch xảy ra, không để lan rộng, không để “dịch chồng dịch” gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân.

Bài, ảnh: Diệp Chi

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/y-te/207618/no-luc-kiem-soat-dich-benh-truyen-nhiem