Nở khắp núi đồi

Một ngày trên page của cô bé bán hoa tươi mà tôi vẫn mua đột nhiên thấy có bán hoa tam giác mạch, không một chút ngần ngừ tôi đặt mua ngay.

Nhận bó hoa gói kỹ đã hơi héo, gỡ ra đem ngâm ngập cả thân vào chậu nước, chỉ tầm 1 giờ sau thì mọi cành hoa như thế bừng thức dậy sau một giấc ngủ mệt mỏi. Tươi rói, vươn cao, những bông li ti nở ra vui vẻ. Vừa cắm hoa vào chiếc bình to tôi vừa nghĩ đến những vạt hoa bạt ngàn, đúng những ngày tháng này, cuối năm, giá rét cắt da, mưa phùn lây phây, đôi khi tuyết rơi vào ban đêm hay sáng ra thấy những chuỗi hạt sương đóng băng rủ xuống trước mái hiên...

Nhìn bình hoa trên bàn mà lòng dạ chùng xuống, cảm thấy như có chút gì quê nhà ở đây, giữa phố xá này.

Tôi đã xa nhà lâu quá rồi.

Lâu tới mức mọi ký ức đều trở nên trong veo trong vắt, đẹp đẽ, xúc động.

Nhớ mùa đông năm ấy, cũng tầm giáp tết, tôi phải đi chuyến công tác cuối cùng trong năm dương lịch để viết bài cho số báo tết. Trời cuối năm âm u, cả ngày không có một tia nắng nào. Ba lô sau lưng, máy ảnh trước mặt, cứ thế lầm lũi theo đường rải đá đi lên các xã. Tôi còn nhớ y nguyên cái cảm giác đi trong giá rét hôm ấy. Thực sự là chẳng có gì vui, công việc thì phải đi thôi. Tầm này người ta đang náo nức chuẩn bị về nhà, sắm sanh tết nhất, còn mình thì lùi lũi đi trong sương mù đặc quánh, tầm nhìn chỉ một quãng. Thỉnh thoảng một cơn gió mạnh từ đâu lùa tới thốc tháo, mồ hôi đang nằm sâu trong mấy lớp áo trở nên lạnh toát. Gió lùa sương mù tan bớt đi, những vách núi dựng đứng lại hiện ra. Có cảm giác như không chỉ con người mà tất cả côn trùng cũng đều biến mất, đều ẩn nấp, tìm chỗ trốn thật kỹ. Cỏ ướt lòa xòa quệt vào ống quần, một lúc thì đã kịp ngấm qua giày.

Gần trưa rồi nên trời có sáng lên một chút. Chốc chốc có mùi mèn mén đang đồ trên bếp bay theo gió, lại có mùi ngô cháy khét. Chắc là một bắp ngô lép còn sót lại theo thân ngô khô được mang vào đun. Người Mông ở rải rác. Nhiều xóm chỉ có hai, ba nóc nhà. Thế nên đi đám cưới hay đám tang là cứ mất cả ngày trời, có khi đi hôm trước hôm sau mới về. Vừa vì xa vừa vì lễ lạt lắm nội dung, lại còn phải ăn uống. Nhất là uống rượu say thì rất khó đi nhanh.

Ngửi thấy mùi khói bếp là biết quanh đây có người ở.

Vừa qua một khúc quanh thì bất ngờ hiện ra cả một vạt nương bạt ngàn tam giác mạch. Chẳng hiểu sao một loài cây mảnh dẻ, mong manh mà lại có thể vươn lên, trổ hoa, đậu hạt trong suốt mùa đông khắc nghiệt, khô khốc như vậy.

Lại nói về vạt hoa vừa hiện ra.

Tôi đứng sững lại và lấy máy ảnh ra khỏi túi.

Bấy giờ thì tôi nhận ra phía sau, cao hơn, lưng chừng núi có một ngôi nhà Mông trình tường, mái ngói âm dương. Cái chuồng gia súc chắc đã bỏ không từ lâu, bên trong đựng đầy những bó cây ngô khô. Cánh cổng đang mở. Còn có cả một cây đào mọc ngay bên cổng, đang trổ hoa. Người Mông hay trồng đào ở cổng nhà. Có thể với họ là thói quen, còn tôi thì cứ thấy lãng mạn quá. Tôi hay hình dung một chàng trai Mông đứng chờ người yêu bên dưới gốc đào ấy lúc tối trời, trong khi cô gái còn đang vấn nốt tấm khăn, soi cặp má hồng hào của mình trong chiếc gương tròn tròn có viền nhựa màu đỏ.

Tôi đi lên nhà theo lối mòn ngoằn ngoèo, hai bên tam giác mạch đang nở ra hàng triệu bông li ti. Có lẽ trong nhà sẽ là một cô gái, hẳn là đẹp lắm. Hay là có một chàng thanh niên vì đang yêu một cô gái nào đấy mà nhất định phải quãi hạt mạch ba góc ra xung quanh nhà. Tôi cất tiếng chào khi đã đứng ở cổng. Không có ai trả lời. Thực ra cứ chào thế thôi chứ tôi biết nếu gặp người già thì hầu như chỉ nghe đáp lời bằng hai từ “chi pâu”. “Không biết”, bạn hỏi hay nói gì họ cũng sẽ đáp như vậy.

Cổng mở, cửa nhà cũng đang mở nhưng vắng lặng. Khói vẫn bay lên ở phía trái ngôi nhà, có lẽ là căn bếp ở đấy. Mấy mẹ con gà đang nhặt đồ ăn ở sân. Một ít quần áo phơi ngoài sào. Một ít đậu tương treo trên vách. Một bó hạt cải già đặt trên hè.

Có tiếng loẹt quẹt phía sau, tôi quay lại. Một bà lão. Cũng không chắc bà già lắm. Người Mông rất khó đoán tuổi, thường thì họ già hơn tuổi khá nhiều do quá vất vả. Bà đang gùi trên lưng một bó ngô khô rất to, gần như che kín cả người.

- Chào bác ạ!

Tôi chào và đứng tránh ra một bên để bà có lối đi.

Bà lão không đáp, chỉ gật đầu một cái rồi đi vào trong nhà. Bà chất thêm bó ngô ấy vào trong chuồng gia súc. Tôi đi theo, đứng ở sân. Mảnh sân nhỏ vương vãi phân gà.

Bây giờ thì tôi mới thấy trên dây phơi không có một chiếc quần áo đàn ông nào.

Bà lão vào nhà, tôi đi theo. Đi nhiều nên quen nhìn thái độ chủ nhà. Thường thì mới gặp ít khi họ cười. Kệ thôi, tôi cứ đi vào. Nhìn bộ dạng tôi ở cái nơi heo hút này chắc bà cũng đoán được tôi từ tỉnh lên.

Bà đi vào gian bếp. Trên bếp hóa ra đang có một nồi rượu. Rượu theo cái máng bằng trúc chảy vào một chiếc can nhựa. Bà rót mang ra hai chén, đưa cho tôi một. Rượu còn nóng, thơm phức. Một thứ mùi thơm rất kỳ lạ của rượu vừa cất xong. Có lẽ đang ở giữa nồi nên vừa phải, không nặng không nhẹ. Rượu ngô uống trong ngày lạnh giá sẽ ấm bụng lên một chút nhưng tôi chỉ nhấp môi thôi, vì còn đi chán mới tới ủy ban xã. Vẫn không nói gì, kể cả một câu “chi pâu” như thường thấy. Tôi nhìn quanh nhà. Trên vách có treo một cuốn lịch từ năm trước nữa, không xé. Tờ bìa có hình hoa đào và mấy anh bộ đội biên phòng. Thế thôi, không có gì.

- Từ tỉnh lên à?

Bất chợt bà hỏi tôi. Tiếng Kinh không sõi lắm nhưng nghe được.

Tôi ngạc nhiên, gật đầu:

- Vâng.

- Lên xã à?

- Vâng.

Cuộc trò chuyện chỉ có thế, sau đó tôi hỏi câu gì thì bà cũng không trả lời.

Lúc tôi rời khỏi nhà, bà đi theo ra cổng. Thấy tôi đứng tần ngần nhìn vạt hoa đang dào dạt đu đưa trong cơn gió nhẹ vừa thổi tới, bà bảo:

- Thích thì lấy một ít.

Tôi lắc đầu. Tôi sẽ chẳng thể cầm trong tay nắm hoa vì chỉ vài phút đi đường là nó héo hết.

Tôi mở ba lô đưa cho bà một tờ tiền:

- Cháu biếu bà đi sắm tết nhé!

Bà lão cầm lấy và mỉm cười:

- Để dành lúc chết thôi.

Đó là nụ cười duy nhất tôi nhìn thấy trên gương mặt còn phảng phất nét đẹp thanh nữ của bà. Một nụ cười thật ấm áp.

Tôi đi, bà lão đứng trên đường mòn, giữa hai bên là hoa tam giác mạch nở rộ. Đi xuống tận chân dốc, xa xa mãi ngoái lại vẫn thấy bà đứng đấy, bé nhỏ, lưng hơi còng, chiếc khăn vấn đầu lòa xòa bởi gió.

Tôi đã nghĩ bụng lúc về sẽ lại ghé qua thăm bà lão và có thể sẽ nghe lời bà, bẻ lấy vài cành hoa mang theo vì biết đâu điều ấy lại khiến bà vui lòng. Nhưng lúc về lại đi đường khác vì về huyện gần hơn. Cuối cùng kỷ niệm với bà chỉ là mấy bức ảnh chụp nương hoa đang nở bời bời với cánh cổng đang mở ra. Ngay cả bà lão cũng không có bức nào. Nhưng tôi nhớ nụ cười chiều mùa đông cuối năm ấy, khi tôi mới chỉ hai mươi mấy và bà lão thì khiến tôi nhớ mẹ mình đến phát khóc, tới mức chỉ muốn bỏ dở tất cả công việc để quay về. Có thể mẹ tôi lúc đó cũng đang lúi húi trong bếp, trên bếp cũng có một nồi rượu đang cất dở, và mẹ còn đang chuẩn bị thêm món gì đó để phần tôi.

Cuối cùng, tôi vẫn không biết bà lão sống một mình hay với ai. Bà có đang chờ ai về ngày cuối năm không? Và có phải bà gieo rất nhiều tam giác mạch để nó trổ hoa vào mùa xuân chỉ vì cái người mà bà mong đợi ấy rất thích điều đó hay không?

Tam giác mạch, mùa này đã nở khắp núi đồi.

ĐỖ BÍCH THÚY

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/no-khap-nui-doi-post724908.html