Ninh Thuận điều chỉnh sản xuất vụ hè thu năm 2024

Chiều 8/5, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận tổ chức đoàn kiểm tra thực tế tình hình hạn đang diễn biến phức tạp tại các huyện Ninh Hải và Thuận Bắc và đề ra những giải pháp để cung ứng nước sinh hoạt cho người dân, nước sản xuất và chăn nuôi gia súc trong mùa khô năm 2024.

Đại diện lãnh đạo huyện Ninh Hải báo cáo tình hình khô hạn tại địa phương đang tác động tiêu cực đến sản xuất, chăn nuôi và sinh hoạt của người dân nơi đây.

Theo báo cáo của Công ty TNHH Một thành viên Khai thác các công trình thủy lợi Ninh Thuận, tính đến sáng 9/5/2024, dung tích tại 23 hồ chứa nước trên toàn tỉnh còn khoảng 150 triệu m3/417 triệu m3 tổng dung tích thiết kế. Hiện, hồ CK7 và Ông Kinh đã hết nước; các hồ Sông Biêu, Suối Lớn, Tân Giang và Bầu Ngứ đã xuống mực nước chết; dự báo hồ Lanh Ra và Bầu Zôn sẽ hạ thấp đến mực nước chết trong tuần tới.

Hồ Ông Kinh, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận đã cạn hết nước.

Huyện Ninh Hải có 3 hồ thủy lợi chính, là: hồ Thành Sơn, Ông Kinh và hồ Nước Ngọt. Hiện, hồ Ông Kinh đã hết nước; lượng nước trong hai hồ còn lại chiếm khoảng 50% tổng dung tích thiết kế. Một số ao, giếng đào tại các xã Thanh Hải, Nhơn Hải, Vĩnh Hải đứng trước nguy cơ cạn nước và nhiễm mặn, do đó, nhiều vùng có thể không tổ chức sản xuất vụ hè thu năm 2024. Nước sinh hoạt có nguy cơ thiếu hụt.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ninh Hải Nguyễn Khắc Hòa cho biết, địa phương đã vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chủ yếu là những loại cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao, chịu hạn tốt nhưng cần ít nước tưới, như: măng tây, mè đen, ngô,… và chú trọng ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, vì các loại cây lâu năm như: nho, dừa nếu bị chết thì việc trồng lại mất rất nhiều chi phí và thời gian chăm sóc.

Huyện cũng đã khuyến cáo nông dân vừa thu hoạch nho đợt sau Tết Giáp Thìn dừng cắt cành thời điểm hạn, vì không đủ nước tưới sẽ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng quả nho.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận Trịnh Minh Hoàng khuyến cáo nông dân vừa thu hoạch nho đợt sau Tết Giáp Thìn dừng cắt cành thời điểm hạn, vì không đủ nước tưới sẽ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng quả nho mùa vụ tới.

Trong vụ hè thu năm 2024, nếu thời tiết tiếp tục khô hạn, Ninh Hải chỉ tổ chức gieo trồng 2.158ha cây lúa; 282ha cây màu, 67ha cỏ chăn nuôi và 384ha cây ăn quả tại các vùng chủ động nguồn nước tưới. Nếu có mưa trên diện rộng, dung tích các hồ chứa trên địa bàn đạt hơn 70% dung tích thiết kế thì huyện sẽ gieo trồng hơn 2.572ha cây lúa và 414ha cây màu; sẽ chuyển đổi 14ha đất lúa, hoa màu kém hiệu quả sang trồng các loại cây ngắn ngày và dài ngày khác.

Huyện cũng đã chỉ đạo các xã tuyên truyền đến các hộ dân trước đây được hỗ trợ dụng cụ chứa nước chủ động dự trữ nước sinh hoạt, đồng thời hướng dẫn nông dân tập trung thu hoạch nhanh gọn các loại cây trồng, kết hợp thu gom, chế biến và dự trữ phụ phẩm nông nghiệp để làm thức ăn cho gia súc.

Tại huyện Thuận Bắc, lượng nước tại các hồ đập: Sông Trâu (14,503 triệu m3/31,53 triệu m3), Bà Râu (1,585 triệu m3/4,67 triệu m3), Lợi Hải (1,85/3,26 triệu m3, Ba Chi (0,266 triệu m3/0,48 triệu m3), Ma Trai (0,457 triệu m3/0,482 triệu m3). Do đó, huyện ưu tiên nước cho sinh hoạt, chăn nuôi, sau đó mới tính đến nước phục vụ cho công nghiệp, sản xuất.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thuận Bắc Trần Ngọc Bình cho biết, toàn huyện có 9 hệ thống cấp nước sinh hoạt và đã được đấu nối liên thông nên bảo đảm việc cung ứng nước sinh hoạt cho nhân dân và nước uống cho tổng đàn trâu, bò, dê, cừu hơn 40.455 con.

Để chủ động nguồn thức ăn cho gia súc, Thuận Bắc đã chỉ đạo các địa phương tổ chức 12 lớp tập huấn cho các hộ dân tại 6 xã cách tận dụng phụ phẩm nông nghiệp sau khi thu hoạch vụ đông xuân để dự trữ và chế biến thức ăn cho đàn gia súc trong mùa khô hạn, nên bảo đảm nguồn thức ăn cho vật nuôi.

Trong vụ hè thu này, toàn huyện sẽ gieo trồng 3.133ha; chuyển đổi 57ha cây trồng cạn có hiệu quả kinh tế cao nhưng sử dụng ít nước trên vùng đất trồng lúa, hoa màu kém hiệu quả; sẽ dừng sản xuất 832ha tại các vùng cuối kênh.

Nông dân huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng cạn là cây nha đam có giá trị kinh tế cao nhưng cần ít nước tưới, cây sinh trưởng tốt trong mùa khô và cho năng suất cao.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận Trịnh Minh Hoàng, tỉnh đã đề ra hai phương án để ứng phó. Cụ thể: Nếu từ nay đến hết tháng 5 không có mưa, các hồ chứa không có lượng nước bổ sung và hồ Đơn Dương dung tích dưới 100 triệu m3 thì sẽ điều tiết nước phục vụ sản xuất tại khu tưới của 20/23 hồ chứa (trừ hồ Tà Ranh, Bầu Zôn và Ông Kinh đã hết nước) cùng toàn bộ khu tưới của hệ thống Sông Pha, Nha Trinh-Lâm Cấm và một số vùng thuộc khu tưới hồ, đập nhỏ do các huyện quản lý để phục vụ sản xuất hơn 23.400ha.

Còn trong tháng 5 này, trên địa bàn tỉnh có mưa, dung tích các hồ chứa đạt hơn 50% tổng dung tích thiết kế thì sẽ điều tiết nước phục vụ sản xuất tại khu tưới của 23 hồ chứa cùng toàn bộ khu tưới của hệ thống Sông Pha, Nha Trinh-Lâm Cấm và một số vùng thuộc khu hồ, đập nhỏ do các huyện quản lý để tưới khi nâng diện tích sản xuất lên hơn 29.265ha.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận Trịnh Minh Hoàng, nói: “Ngoài việc đầu nối các hệ thống cấp nước, điều tiết bổ sung các nguồn nước sinh hoạt phục vụ người dân, tỉnh đã đầu tư 3 chiếc xe bồn, bảo đảm nhiệm vụ chở và cấp nước sinh hoạt sạch cho người dân trên địa bàn toàn tỉnh trong mùa khô”.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ninh-thuan-dieu-chinh-san-xuat-vu-he-thu-nam-2024-post808531.html