Ninh Bình: Chuyển biến mạnh mẽ trong việc thanh toán không dùng tiền mặt

Với quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ, việc thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch, mua sắm thông qua các phương tiện thanh toán điện tử đang ngày càng trở nên phổ biến, mang lại nhiều lợi ích thiết thực, được đông đảo người dân Ninh Bình ưu tiên lựa chọn.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, chi nhánh tỉnh Ninh Bình - đơn vị đi đầu trong chuyển đổi số của ngành ngân hàng. Ảnh: Anh Tuấn

Tăng cường phát triển hạ tầng cung ứng

Tại cửa hàng thực phẩm Thảo Nguyên Xanh trên đường Trần Hưng Đạo (huyện Hoa Lư) vào giờ cao điểm có hàng chục khách hàng chờ đợi để thanh toán. Chị Yến, chủ cửa hàng chia sẻ: "Hai năm gần đây, khách thường yêu cầu chuyển khoản để thanh toán tiền hàng, vì vậy tôi đã tìm hiểu, cập nhật công nghệ số thanh toán không dùng tiền mặt. Từ ngày tạo mã QR, tôi thấy rất tiện lợi cho khách và cho mình. Khách hàng chỉ cần quét mã QR là có thể chuyển tiền vào tài khoản mà chủ quán không phải vất vả tìm tiền lẻ trả lại".

Trên thực tế, thanh toán qua mã QR, ví điện tử, Internet Banking, Mobile Banking… đã trở thành thói quen của nhiều người dân từ thành thị đến nông thôn, đặc biệt là khách hàng trẻ. Nếu như trước đây, mọi người luôn phải mang theo tiền mặt khi đi mua sắm thì hiện nay chỉ với một tấm thẻ ATM hay điện thoại di động sẽ thanh toán được mọi dịch vụ, các khoản sinh hoạt chi tiêu trong gia đình như: Tiền điện, tiền nước, tiền mạng Internet, tiền học phí của con… Điều này giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho cả người bán và người mua.

Là một trong những ngân hàng tiên phong của tỉnh ứng dụng công nghệ thông tin, Vietcombank Ninh Bình đã được UBND tỉnh giao nhiệm vụ là ngân hàng duy nhất trên địa bàn triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt đối với các khoản thu phí, lệ phí dịch vụ hành chính công tới 100% các sở, ngành và nhiều xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Ông Đinh Mạnh Tuân, Giám đốc Vietcombank Ninh Bình cho biết: Bước đầu dịch vụ của Vietcombank đã kết nối trực tuyến với Cổng dịch vụ hành chính công của tỉnh, cho phép người dân thực hiện thanh toán phí, lệ phí thông qua kênh thanh toán trực tuyến. Sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cùng với quyết tâm của tập thể cán bộ, đảng viên, nhân viên, Vietcombank Ninh Bình tự tin sẽ sớm hoàn thành nhiệm vụ mà UBND tỉnh giao đó là thay đổi thói quen dùng tiền mặt dần dịch chuyển sang các phương thức thanh toán hiện đại. Đồng thời, đây cũng là những yếu tố nền tảng quan trọng để Vietcombank sớm thành công xây dựng ngân hàng số.

Thực hiện Kế hoạch số 187/KH-UBND ngày 23/11/2021 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh và các ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn phối hợp với các sở, ban, ngành, cơ quan truyền thông trên địa bàn tuyên truyền, vận động, khuyến khích triển khai các biện pháp áp dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo đó, NHNN tỉnh chỉ đạo các tổ chức tín dụng, NHTM trên địa bàn tỉnh tiếp tục xây dựng, thúc đẩy phát triển mạng lưới đa dạng các tổ chức cung ứng. Đến nay, toàn tỉnh có 20 chi nhánh ngân hàng cấp I; 11 chi nhánh trực thuộc chi nhánh ngân hàng cấp I; 38 Quỹ tín dụng nhân dân; 72 phòng giao dịch, 50 điểm cung ứng dịch vụ thuộc các chi nhánh ngân hàng và các quỹ tín dụng nhân dân; 9 công ty tài chính với 592 điểm giới thiệu dịch vụ; BHXH các cấp; một số công ty, chi nhánh công ty bảo hiểm… Các kênh phân phối dịch vụ được áp dụng đa dạng trên địa bàn tỉnh bao gồm: sản phẩm, dịch vụ tài chính cung cấp cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, Internet banking, Mobile banking, SMS banking, Ví điện tử, ATM, POS, mPOS, tài khoản cá nhân, QR Code…

Thanh toán không dùng tiền mặt tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả xã Khánh Thịnh (Yên Mô). Ảnh Hồng Vân

Cùng với đó, các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố, các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng các dịch vụ tài chính mới thông qua các kênh như ngân hàng điện tử, các dịch vụ tiết kiệm, chuyển-nhận tiền, vay hưu trí… tại các điểm giao dịch của bưu điện, các giao dịch tài chính tại điểm giao dịch của Viettel, tuyên truyền về triển khai nộp thuế qua Cổng thanh toán điện tử và thông quan 24/7, tuyên truyền, vận động, khuyến khích doanh nghiệp tham gia Chương trình nộp thuế điện tử doanh nghiệp nhờ thu. Các đơn vị cũng đã niêm yết điều kiện và quy trình thực hiện giao dịch tại nơi thực hiện thủ tục hành chính, thông báo danh sách các ngân hàng triển khai thực hiện của từng chương trình để mọi người dân, doanh nghiệp biết, thực hiện.

Triển khai đồng bộ, tích cực

Nhằm thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt, năm 2023, BHXH tỉnh đã phối hợp với Bưu điện tỉnh Ninh Bình, các NHTM tích cực tuyên truyền, động viên, khuyến khích những người đang hưởng lương hưu qua tiền mặt chuyển sang hình thức nhận tiền chi trả qua tài khoản ngân hàng.

Theo đó, các NHTM tư vấn mở thẻ miễn phí cho người hưởng và tuyên truyền, hướng dẫn người hưởng về các tiện ích, thuận lợi khi lĩnh tiền qua ngân hàng; cán bộ cơ quan BHXH cùng với nhân viên Bưu điện, Ngân hàng tiếp xúc trực tiếp tại điểm chi trả trong kỳ chi trả...

Kết quả, năm 2023 toàn ngành đã trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng cho 5.935 người qua tài khoản cá nhân trên tổng số 29.948 người hưởng ở khu vực đô thị, đạt 20%; 100% người hưởng trợ cấp thất nghiệp nhận tiền qua tài khoản cá nhân, vượt 5% chỉ tiêu của BHXH Việt Nam giao.

Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh chỉ đạo toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh thanh toán học phí và các khoản dịch vụ giáo dục theo phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Tính đến 31/12/2023, toàn tỉnh có 316/320 cơ sở giáo dục triển khai thanh toán học phí không dùng tiền mặt, đạt 98,8%. Có 462/465 cơ sở giáo dục triển khai thanh toán các khoản dịch vụ giáo dục không dùng tiền mặt, đạt 99,4%.

Thực hiện mục tiêu Kho bạc số, thời gian qua, Kho bạc Nhà nước Ninh Bình đã triển khai cung cấp các dịch vụ công trực tuyến qua trang thông tin dịch vụ công của Kho bạc Nhà nước.

Ông Hoàng Thanh Phong, Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh cho biết: Đến nay, đã có 100% đơn vị sử dụng ngân sách tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến Kho bạc Nhà nước cấp độ 4 để giao dịch với Kho bạc Nhà nước Ninh Bình; tỷ lệ chứng từ giao dịch qua dịch vụ công trực tuyến toàn tỉnh đạt trên 99%. Kết quả, 100% đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh đã tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến để giao dịch với Kho bạc Nhà nước; thực hiện tốt công tác phối hợp thu giữa Kho bạc Nhà nước, cơ quan Thuế, Hải quan và 9 ngân hàng thương mại: VietinBank, BIDV, VietcomBank, MB, AgriBank, VPBank, SHB, LPBank và MSB. Từ đó góp phần mở rộng không gian và thời gian thu cho ngân sách Nhà nước, xử lý nhanh các giao dịch nộp ngân sách Nhà nước, tạo thuận lợi cho khách hàng giao dịch. 100% hoạt động thu, chi tiền mặt qua Kho bạc Nhà nước Ninh Bình được thực hiện tại các NHTM thông qua tài khoản thanh toán và tài khoản chuyên thu của Kho bạc Nhà nước Ninh Bình, bỏ hoàn toàn giao dịch tiền mặt trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước Ninh Bình.

Để thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh thực hiện thanh toán các khoản chi ngân sách Nhà nước và có nguồn gốc ngân sách Nhà nước bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt cho người hưởng lương, phụ cấp, trợ cấp và người cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Tiếp tục triển khai Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công.

Tiếp tục giao NHNN chi nhánh tỉnh, các NHTM tích cực triển khai, đầu tư mở rộng phát triển mạng lưới hoạt động (chi nhánh, phòng giao dịch, hệ thống máy ATM, POS...) và các dịch vụ ngân hàng số, thanh toán số trên địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các dịch vụ tài chính. Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, hiểu biết cho người dân về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.

Nguyễn Thơm

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/ninh-binh-chuyen-bien-manh-me-trong-viec-thanh-toan-khong/d20240226152116757.htm