NIM ngân hàng sẽ tiếp tục bị bó hẹp?

Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng có dấu hiệu sụt giảm và cắt giảm lãi suất vẫn là ưu tiên hàng đầu để thúc đẩy hoạt động kinh tế, một vấn đề đặt ra là biên lãi ròng (NIM) của các ngân hàng có tiếp tục bị thu hẹp trong thời gian tới hay không?

Thực tế cho thấy, diễn biến NIM trong 3 quý đầu năm nay có sự phân hóa rõ nét giữa các ngân hàng. Trong khi nhóm ngân hàng có lợi thế về tiền gửi không kỳ hạn (CASA), tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ… sẽ duy trì được mức NIM ổn định, thì nhóm các ngân hàng có quy mô vốn nhỏ, ngân hàng có tỷ trọng cho vay tiêu dùng và cho vay bất động sản cao lại ghi nhận NIM sụt giảm.

Nhà băng đau đầu với biên lợi nhuận

Ghi nhận của VnBusiness, đến thời điểm này, một loạt ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý III, trong đó có những nhà băng báo lãi nghìn tỷ đồng, có những ngân hàng sụt giảm lợi nhuận. Song bức tranh chung vẫn là sụt giảm so với cùng kỳ, phản ánh khó khăn chung của nền kinh tế, nhất là tín dụng toàn ngành tăng chậm hơn nhiều so với cùng kỳ các năm.

Hạn mức cho vay 2 tháng còn lại của năm 2023 lên tới gần 1 triệu tỷ đồng, các ngân hàng đang nỗ lực đẩy vốn ra nền kinh tế.

Ông Phạm Duy Hiếu, Quyền tổng giám đốc ABBank cho biết lợi nhuận giảm là tình hình chung trong hệ thống ngân hàng khi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng nhanh, cùng sự suy giảm ở một số mảng hoạt động và tổng cầu thị trường thấp, tình hình kinh tế xã hội có cải thiện nhưng còn khó khăn. Bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế tác động không nhỏ đến kết quả kinh doanh của các ngân hàng.

Một lãnh đạo cao cấp LPBank chia sẻ, lãi suất huy động cuối năm 2022, đầu năm 2023 tăng cao đã ảnh hưởng đến NIM, khiến lợi nhuận 9 tháng đầu năm nay của Ngân hàng chỉ đạt 3.687 tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Eximbank cũng vừa công bố báo cáo tài chính với lợi nhuận trước thuế trong quý III/2023 đạt 306,9 tỷ đồng, giảm 76% so với cùng kỳ, do nguồn thu từ từ lãi giảm và tăng dự phòng.

Còn theo BVBank, dù mặt bằng lãi suất huy động vốn đã giảm nhiều nhưng gánh nặng chi phí huy động vốn ở mức lãi suất cao từ cuối quý III/2022 vẫn còn lớn (chi phí huy động vốn tăng 54% so với cùng kỳ năm 2022). Trong khi đó, tín dụng tăng trưởng thấp ở mặt bằng lãi suất cho vay giảm mạnh 2 - 3 điểm %; chất lượng tín dụng suy giảm do khó khăn chung tác động lớn đến thu nhập và dự phòng rủi ro của BVBank.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tính đến ngày 24/10/2023, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 6,81% so với cuối năm 2022, trong đó từ tháng 5 trở lại đây, tín dụng đã tăng nhanh hơn. Tín dụng đối với doanh nghiệp đạt gần 6,5 triệu tỷ đồng, chiếm trên 50% dư nợ toàn nền kinh tế.

Trước đó, NHNN cho biết, tăng trưởng tín dụng tại thời điểm 29/9 là 6,92%. Như vậy, tăng trưởng tín dụng trong tháng 10/2023 (tính tới 24/10) đã quay đầu giảm 0,11%.

Theo Vụ Chính sách tiền tệ, thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng dư thừa và còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng tín dụng. Cụ thể, toàn hệ thống còn khoảng 8% để tăng trưởng tín dụng, tương đương cung ứng thêm 950.000 tỷ đồng tín dụng cho nền kinh tế.

Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ cho rằng: “Xét về cân đối cung - cầu tín dụng cho thấy hệ thống đang dư cung tín dụng rất lớn. Tăng trưởng tín dụng thời gian qua chưa cao không phải từ phía cung tín dụng của hệ thống tổ chức tín dụng, mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ phía cầu và khả năng hấp thụ tín dụng của nền kinh tế cũng như các yếu tố khách quan khác”.

Kỳ vọng từ tăng trưởng tín dụng

Ở thời điểm hiện tại, cả ngân hàng và doanh nghiệp đang nỗ lực "lên phác đồ trị bệnh thừa tiền, đói vốn" để cùng phục hồi.

Hạn mức cho vay trong 2 tháng còn lại của năm gần 1 triệu tỷ đồng là không phải nhỏ. Chưa năm nào "tiền tồn kho" trong ngân hàng lại cao như vậy. Trước tình trạng dư thừa tiền không cho vay được, các ngân hàng đồng loạt cắt giảm lãi suất cho vay nhiều đợt, thấp hơn đầu năm khoảng 3%. Chẳng hạn Vietcombank đã cắt giảm gần 10 đợt lãi suất huy động, 5 đợt giảm lãi suất cho vay cho tất cả phân khúc khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.

Trong bối cảnh cắt giảm lãi suất vẫn là ưu tiên hàng đầu để thúc đẩy hoạt động kinh tế, một số ý kiến bày tỏ không kỳ vọng sự cải thiện ở NIM ngay lập tức, ngoại trừ một số ngân hàng có tỷ lệ cho vay cá nhân cao, tỷ lệ LDR (dư tín dụng trên số vốn huy động) thấp và tỷ trọng vốn ngoại tệ trên tổng nguồn vốn thấp sẽ có nhiều cơ hội để cải thiện NIM tốt hơn so với toàn ngành trong quý IV.

Đại diện một số ngân hàng cho rằng kết quả kinh doanh chưa đạt kế hoạch như mong muốn do tình hình kinh tế khó khăn, tín dụng chững lại. Tuy nhiên, hiện nay, Chính phủ có nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nên kỳ vọng NIM quý cuối năm sẽ hồi phục, các ngân hàng có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng như kế hoạch đã được đại hội cổ đông thông qua.

Ông Nguyễn Anh Tùng, Trưởng nhóm phân tích Khối Ngân hàng, Bảo hiểm, Chứng khoán của Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận định, tăng trưởng tín dụng năm 2023 khó hoàn thành mục tiêu 14%, nhiều khả năng đạt mức tăng 10 - 12%, cải thiện đáng kể so với mức tăng 6,92% tính đến cuối tháng 9. Cơ sở để dự báo tín dụng tăng trưởng tích cực trong quý cuối năm 2023 là kỳ vọng tiêu dùng của phân khúc khách hàng cá nhân cuối năm hồi phục; nhu cầu tín dụng vào các ngành nghề gia tăng nhờ hoạt động xuất nhập khẩu; lĩnh vực bất động sản dần được tháo gỡ những vướng mắc pháp lý.

“Tín dụng hồi phục tốt sẽ là động lực để thúc đẩy thu nhập lãi thuần trong giai đoạn cuối năm”, ông Tùng nói.

Mới đây, tại Công điện số 990/CĐ-TTg ngày 21/10/2023, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong thời gian tới, NHNN tiếp tục tập trung quyết liệt triển khai một số giải pháp trọng tâm nhằm tăng cường hơn nữa khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho người dân và doanh nghiệp nhằm góp phần hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.

NHNN cho biết đang khẩn trương rà soát để có phương án điều hành tín dụng những tháng cuối năm 2023 hợp lý, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng có khả năng tăng trưởng tín dụng đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế.

Huyền Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/nim-ngan-hang-se-tiep-tuc-bi-bo-hep-1096249.html