Niềm vui trên những làng nghề truyền thống

Hiện có 345 lao động tham gia làm nghề mộc ở thôn Vĩnh Phú (xã Hòa An, huyện Phú Hòa) với mức thu nhập bình quân từ khoảng 65 triệu đồng/người/năm, trong đó thu nhập từ nghề là 43 triệu đồng. Ảnh: VÕ PHÊ

Tết năm nay, người dân các làng nghề tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống của Phú Yên phấn khởi khi trong năm qua, một số làng nghề của địa phương vinh dự được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Người dân như được tiếp lửa để bảo tồn và phát triển làng nghề.

Giữ nét văn hóa làng nghề

Là loại bánh được làm từ gạo, phơi khô nhờ nắng trời, người dân Phú Yên xem bánh tráng như một loại lương khô sử dụng hàng ngày, có thể thay cơm. Bà Lê Thị Chủng (thôn Giai Sơn, xã An Mỹ, huyện Tuy An) thổ lộ: Bánh tráng thường được làm từ gạo, nhưng khi có nhu cầu, chúng tôi pha trộn thêm mè, dừa… để bánh thơm ngon hơn. Tôi và nhiều cơ sở khác cũng đầu tư máy tráng, lò sấy hơi để làm khô bánh, phòng khi trời không có nắng, như vậy mới có bánh thường xuyên để bán cho khách.

Sự tỉ mỉ trong sử dụng nguyên liệu đến cách làm thuần thục đã nâng bánh tráng Phú Yên thành một thương hiệu nổi tiếng. Trải qua thời gian, từ món bánh dân dã, bánh tráng đã được cấp giấy chứng nhận Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Bản thân những người làm bánh cũng có nhiều tâm huyết trong việc giữ gìn nét truyền thống của nghề làm bánh tráng. Đó là niềm tự hào và một phần văn hóa không thể thiếu với mỗi người con đất Phú.

Ngoài bánh tráng thì nghề làm nước mắm truyền thống cũng được lưu giữ từ bao đời tại các làng biển. Tưởng chừng đơn giản nhưng nghề làm nước mắm rất nhọc công, đòi hỏi nhiều kỹ năng và cả sự khéo léo, cẩn thận từ khâu chọn cá tươi đến cách trộn, xử lý độ mặn, cách ủ, bảo quản mắm… Mong muốn duy trì làng nghề, xây dựng thương hiệu nước mắm Phú Yên, nhiều hộ sản xuất đã đầu tư, hoàn thiện cách làm để sản phẩm được chứng nhận sản phẩm đặc trưng, OCOP cấp tỉnh, trong đó có nước mắm Mỹ Quang, Mỹ Á, Gành Đỏ... Bà Lê Thị Lành (xã An Phú, TP Tuy Hòa) chia sẻ: Người dân làm nước mắm theo kiểu cha truyền con nối; hầu hết sản phẩm được chế biến theo phương pháp truyền thống, có hương vị thơm ngon đặc trưng. Hiện nay, nước mắm không chỉ để sử dụng trong gia đình mà còn là đặc sản địa phương, có thể làm quà gửi tặng người thân, bạn bè.

Trong số làng nghề truyền thống hiện hữu tại Phú Yên, làm bánh tráng và nước mắm là hai nghề truyền thống nổi tiếng. Tại ngày hội Văn hóa - Thể thao - Du lịch các dân tộc tỉnh Phú Yên lần thứ XI năm 2022, UBND tỉnh đã công bố quyết định của Bộ VH-TT-DL về việc chứng nhận nghề làm nước mắm và nghề làm bánh tráng tỉnh Phú Yên đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây không chỉ là niềm vui của người dân Phú Yên mà còn là niềm vui của nhiều làng nghề Nam Trung Bộ, tiếp thêm động lực cho những người đã gắn bó với nghề từ bao đời nay trên vùng đất này.

Người dân làng nghề bánh tráng Hòa Đa làm bánh bán tết Quý Mão 2023. Ảnh: VÕ PHÊ

Trải nghiệm làng nghề mới

Đến Phú Yên hôm nay, du khách, bạn hữu gần xa có thể tìm hiểu quy trình chế biến nước mắm tại các làng nghề Gành Đỏ, Mỹ Quang, Mỹ Á, hay làng bánh tráng Hòa Đa, Đông Bình… Du khách cũng có cơ hội trải nghiệm tại các làng nghề mới được xét công nhận như làng nghề mộc Vĩnh Phú (huyện Phú Hòa), làng nghề sản xuất muối Tuyết Diêm (TX Sông Cầu), làng nghề hoa, cây cảnh khu phố Liên Trì 1 (TP Tuy Hòa).

Vừa chăm chậu cây cảnh, ông Lê Văn Suyền, một người dân trồng hoa, cây cảnh lâu năm ở khu phố Liên Trì 1, chia sẻ: Phát triển từ thập niên 90, đến nay, nghề hoa, cây cảnh ở khu phố Liên Trì 1 có 120 hộ tham gia. Người dân làng nghề trồng chủ yếu là các loại mai, quất, cúc, hoa thân thảo, cây cảnh…, cung cấp cho thị trường trong, ngoài tỉnh; tạo thu nhập ổn định với mức bình quân khoảng 87,5 triệu đồng/ hộ/năm, đặc biệt có hộ trên 1 tỉ đồng/năm.

Đến làng nghề mộc Vĩnh Phú vào những ngày cuối năm, ai nấy đều tất bật. Đang làm dở một sản phẩm trên tay, ông Châu Thế Hùng, Trưởng thôn Vĩnh Phú cho biết: “Hiện sản phẩm làng nghề được tiêu thụ trong, ngoài tỉnh và xuất khẩu. Hầu hết đều thành thạo các công đoạn thủ công, nhưng để tiết kiệm thời gian, tăng năng suất, các cơ sở đã trang bị máy móc, công nghệ hiện đại. Tính ra, công đoạn làm thủ công hiện chiếm khoảng 40%, còn lại 50% đã được cơ giới hóa và 10% là tự động hóa. Các sản phẩm cũng được nâng cao hơn về thẩm mỹ và chất lượng”.

Tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có khoảng 20 làng nghề đã được công nhận. Ông Nguyễn Đức Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN-PTNT) cho biết: Vốn dĩ các làng nghề truyền thống của tỉnh đã có từ lâu đời. Một số địa phương quan tâm hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị, cải tiến mẫu mã bao bì sản phẩm, xúc tiến thương mại... nên sản phẩm làng nghề ngày càng đồng nhất, chất lượng được nâng lên và đa dạng mẫu mã theo thị hiếu của người tiêu dùng. Hoạt động của các làng nghề đã góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn, giải quyết việc làm, tạo thêm thu nhập cho hàng ngàn lao động.

Trong hướng đi mới, các làng nghề truyền thống của tỉnh sẽ tiếp tục được đầu tư, khôi phục và phát triển gắn với việc du nhập nghề mới với phát triển du lịch.

Ông Nguyễn Đức Thắng,

Chi cục trưởng Chi cục PTNT

VÕ PHÊ

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/292299/niem-vui-tren-nhung-lang-nghe-truyen-thong.html