Niềm vui ở Đồng Hỷ khi có thêm nhiều 'tỷ phú nông dân'

Quá trình xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên những năm qua liên tục có những kết quả tích cực. Một trong những nhân tố tạo nên kỳ tích là hiệu quả của các chuỗi liên kết giữa nông dân, HTX và doanh nghiệp.

Nằm khuất trong một vùng đất ven xã Văn Hán, nhiều năm qua, trang trại VACR (vườn - ao - chuồng - rừng) của anh Đoàn Văn Bằng trở thành mô hình điểm cho nhiều hộ dân trong và ngoài địa bàn học hỏi, cùng vươn lên làm giàu, nhờ lợi ích kép cả về kinh tế và môi trường.

Những "tỷ phú, triệu phú chân đất"

Khu trang trại của anh Bằng có tổng diện tích hơn 32.000m2, được chia thành các khu vực sản xuất riêng biệt, tổ chức vô cùng khoa học, ứng dụng hiệu quả các loại máy móc, kỹ thuật tiên tiến.

Đơn cử, khu vực chăn nuôi với quy mô hàng trăm con lợn thương phẩm mỗi năm đang được lắp đặt hệ thống camera giám sát nhằm nắm bắt quá trình sinh trưởng, theo dõi sức khỏe đàn lợn 24/7. Chuồng trại, hệ thống ánh sáng, thiết bị vệ sinh, cung cấp thức ăn, nước uống... cho vật nuôi cũng được hiện đại hóa.

Chuyển đổi sản xuất theo hướng an toàn, hiện đại là chìa khóa để nông dân Đồng Hỷ làm giàu (Ảnh: BTN).

“Ứng dụng khoa học kỹ thuật giúp quá trình chăn nuôi giảm bớt công lao động, tiết kiệm chi phí, hạn chế ô nhiễm môi trường, đồng thời tăng giá trị sản xuất 25-50%. Năng suất, chất lượng sản phẩm tốt cũng giúp chúng tôi giải được bài toán tiêu thụ”, anh Bằng chia sẻ.

Ở mảng trồng trọt, bên cạnh trồng rừng, anh Bằng đang triển khai nhiều loại cây ăn quả với bưởi là chủ lực, cùng với diện tích chè chất lượng cao đang trong thời kỳ thu hoạch. Mô hình nuôi cá cũng đang mang lại hiệu quả cao nhờ kết hợp tốt với khu vực chăn nuôi và trồng trọt.

Nhờ kết hợp hiệu quả giữa trồng trọt và chăn nuôi, với khả năng sáng tạo tuyệt vời, mô hình VACR của anh Bằng nhiều năm qua cho thu nhập bình quân 2 - 3 tỷ đồng/năm, lợi nhuận đạt trên dưới 1 tỷ đồng. Đáng chú ý, mô hình tạo việc làm cho hơn 10 lao động địa phương.

Tương tự, những năm qua, nhờ ham học hỏi cùng tư duy mới, anh Lê Văn Dương ở xóm Mỹ Hòa, xã Cây Thị đã giàu lên nhờ mô hình trang trại chăn nuôi hữu cơ. Hiện, anh phát triển 3 khu chuồng trại, trong đó có 2 khu chăn nuôi gà thương phẩm và 1 khu chăn nuôi lợn siêu thịt.

“Bình quân mỗi năm, trang trại của tôi đưa ra thị trường 20-25 nghìn con gà, lợn chất lượng cao. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận bình quân đạt trên 200 triệu đồng. Trang trại cũng đang tạo việc làm cho 4 lao động thường xuyên và 3 lao động thời vụ”, anh Dương hồ hởi nói.

Bắt tay cùng làm giàu

Đáng chú ý, không chỉ là những cá nhân đơn lẻ, phong trào phát triển sản xuất, quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương đang ngày càng được lan tỏa mạnh mẽ hơn trên địa bàn huyện Đồng Hỷ, trong đó hàng loạt mô hình HTX điểm đã ra đời, trở thành điểm tựa cho hàng trăm hộ dân địa phương.

Điển hình như HTX Nông sản Vạn Lộc, xã Cây Thị thành lập năm 2022, hiện đang là điểm tựa làm giàu cho 12 thành viên, chuyên trồng tre lục trúc trên diện tích 6ha. Hiện, 1 ha tre lục trúc trồng từ 3 năm trở lên của HTX cho thu hoạch 15-17 tấn măng/năm, giá bán trung bình tại chỗ 25 nghìn đồng/kg, mang lại doanh thu trên 500 triệu đồng/năm.

Ngoài ra, mỗi năm HTX Vạn Lộc còn cung cấp ra thị trường từ 10-15 nghìn cây giống. Tháng 4/2023, HTX đã được Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên giải ngân số tiền 1 tỷ đồng từ quỹ hỗ trợ nông dân cho 12 hộ vay để mở rộng sản xuất. Đến nay, toàn bộ diện tích trồng tre lục trúc của HTX đều được chăm sóc theo hướng hữu cơ, sản phẩm măng tre lục trúc đã được chứng nhận VietGAP gắn mã số vùng trồng.

Đồng Hỷ sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng (Ảnh: BTN).

Nhắc đến các HTX góp phần “đuổi nghèo” cho người dân Đồng Hỷ thì không thể không nói tới cái tên HTX chè Tuyết Hương, xã Hóa Trung, đang là đơn vị điển hình trong việc cải tiến quy trình sản xuất, đa dạng mẫu mã, bao bì sản phẩm độc đáo.

HTX được thành lập năm 2012, hiện có 13 hộ thành viên với 15ha chè nguyên liệu được chứng nhận sản xuất chè sạch, theo tiêu chuẩn VietGAP. Sản lượng chè búp tươi hàng năm đạt trên 150 tấn.

Việc coi trọng chất lượng sản phẩm, tích cực cải tiến mẫu mã bao bì và chỉ bán ra thị trường những sản phẩm chè sạch, an toàn cho người tiêu dùng đang giúp các sản phẩm chè của HTX Tuyết Hương ngày càng vươn xa. Đến nay, HTX có 5/8 dòng sản phẩm được chứng nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao.

Bà Trần Thị Tuyết, Giám đốc HTX chè Tuyết Hương cho biết: “Bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm, chúng tôi cũng chú ý đến việc sáng tạo những mẫu bao bì thân thiện với môi trường có tính tái sử dụng cao. Đây không chỉ là một trong những tiêu chí xếp hạng OCOP mà cũng là xu hướng được nhiều người tiêu dùng quan tâm về vấn đề bảo vệ môi trường”.

Đẩy nhanh giảm nghèo bền vững

Thực tế cho thấy, hoạt động hiệu quả của các HTX, tổ hợp tác đang góp phần giúp huyện Đồng Hỷ hình thành nhiều mặt hàng nông sản chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao, làm giàu bền vững cho nông dân.

Cụ thể, huyện Đồng Hỷ đang là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh với 31 sản phẩm được công nhận đạt OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 1 sản phẩm (miến Việt Cường) được xếp hạng 5 sao cấp quốc gia. Các sản phẩm OCOP đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm trên đất nông nghiệp trồng trọt của huyện từ 110 triệu đồng/ha năm 2020 lên hơn 120 triệu đồng/ha năm 2022.

Kinh tế phát triển, đời sống ấm no, từ đó người dân có điều kiện đóng góp tiền, ngày công lao động tham gia xây dựng các công trình công cộng, thực hiện các tiêu chí về hạ tầng giao thông, văn hóa, thủy lợi… trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

Xác định giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm cả trong giai đoạn trước mắt và lâu dài, huyện Đồng Hỷ đặt mục tiêu phấn đấu hằng năm giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn huyện từ 3% trở lên. Đối với xã đặc biệt khó khăn giảm từ 5,5% trở lên, phấn đấu 80% lượt hộ nghèo và hộ cận nghèo trở lên có nhu cầu được vay vốn để phát triển sản xuất, ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở xã nghèo, xóm, bản đặc biệt khó khăn theo tiêu chí nông thôn mới.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện Đồng Hỷ tập trung hướng dẫn nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên của từng địa phương để đưa cây, con có giá trị kinh tế cao vào sản xuất thông qua việc hỗ trợ giá giống, phân bón, tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật,...

Công tác giới thiệu việc làm cũng được huyện Đồng Hỷ đặc biệt chú trọng. Bên cạnh đó, trong những năm qua, huyện đã tranh thủ nguồn vốn của tỉnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh như đường giao thông, trạm y tế, các công trình thủy lợi, trạm biến áp, nhà văn hóa,... tạo cơ sở vững chắc để phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.

Lệ Thu

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/niem-vui-o-dong-hy-khi-co-them-nhieu-apos-ty-phu-nong-dan-apos-1095018.html