Niềm vui của người mẹ Liệt sĩ

49 năm khóc ròng thương nhớ, 28 năm gõ cửa khắp nơi tìm công lý, nay ở tuổi 85, cụ Nguyễn Thị Siêng (ngụ ấp Bình Thới, xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) đã có thể yên lòng vì người con gái vừa được đề nghị công nhận Liệt sĩ. Báo CATP suốt thời gian đó cũng đã góp phần làm sáng tỏ vụ việc, mang lại sự thật thiêng liêng cho người mẹ cả đời đi tìm sự thật.

Cụ Siêng có người con gái là chị Lê Thị Chiến (SN 1961) tham gia cách mạng năm 1974, nhiệm vụ làm giao liên hoạt động vừa công khai vừa bí mật tại đơn vị An ninh vũ trang huyện Mỏ Cày. Ngày 21/12/1974, chị Chiến được lãnh đạo cơ quan phân công mang mật thư chỉ đạo nhiệm vụ cho phân đội trinh sát vũ trang ở Chợ Thơm, xã An Thạnh. Khi đi, lãnh đạo còn dặn hoàn thành nhiệm vụ thì ghé qua vàm đáy kiếm mớ cá tép về cải thiện cho đơn vị.

Khoảng 9 giờ đêm, giao thư cho ông Út Đấu xong, chị Chiến ghé sào đáy của gia đình đổ đục lấy cá tép. Chẳng may sào đáy sập đè chìm xuồng, tóc vướng vào đục đáy và dây chì gai khiến chị tử vong. Vì nhà gần đồn bót địch nên khi làm tang lễ, gia đình không dám nói chị Chiến làm giao liên. Đơn vị có phân công người đến chia buồn, nhưng để giữ bí mật công tác và bảo vệ người thân của chị, tổ chức chỉ đạo đưa tin chị Chiến đi đóng đáy bị chìm xuồng thiệt mạng.

Năm 1995, cụ Siêng yêu cầu giải quyết chính sách Liệt sĩ cho con. Qua nhiều lần xem xét từ nhiều cấp, năm 2018, UBND tỉnh Bến Tre ban hành công văn số 2803/UBND-NC từ chối với lý do chị Chiến chết do tự ý gây ra, không đủ điều kiện công nhận Liệt sĩ. Hồ sơ xác minh của tỉnh Bến Tre cho rằng chị Chiến chết không phải trên đường đi công tác, cũng không phải trên đường đi lấy cá tép về cho đơn vị, đồng thời cũng không tìm thấy giấy báo tử. Tuy nhiên, văn bản kiến nghị của UBND xã Đa Phước Hội (huyện Mỏ Cày Nam) lại nói rằng, sau khi Hội đồng chính sách xã xét hồ sơ, gia đình chị Chiến có trình giấy báo tử nhưng Hội đồng không chấp nhận nên đã trả lại cho gia đình, hồ sơ của chị Chiến cũng không còn lưu trữ tại xã.

Cụ Siêng khởi kiện, tòa án hai cấp tuyên hủy công văn 2803 vì UBND tỉnh Bến Tre chưa làm rõ việc thất lạc giấy báo tử của chị Chiến cũng như lý do vì sao UBND xã xác định giấy báo tử không đúng sự thật mà từ chối công nhận Liệt sĩ cho chị Chiến là phiến diện, không bảo đảm cơ sở pháp lý. Công văn 2803 bị hủy, UBND tỉnh Bến Tre tiếp tục ban hành công văn số 5463 từ chối giải quyết chính sách Liệt sĩ cho chị Chiến. Cụ Siêng lại ôm đơn đi kiện, không cam lòng để con gái chịu thiệt thòi.

Phiên tòa phúc thẩm kéo dài 2 ngày, Hội đồng xét xử gồm 3 thẩm phán cao cấp: Lê Hoàng Tấn, Trần Thị Hòa Hiệp, Trần Thị Thúy Hồng (TAND cấp cao tại TPHCM) đã xem xét toàn diện các chứng cứ cho thấy việc Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre ban hành công văn 5463 là chưa đúng với Luật Khiếu nại và Thông tư hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ.

Cụ Siêng cùng di ảnh con gái

Xét trường hợp hy sinh của chị Chiến, ông Nguyễn Văn Tùng (bí danh Minh Hùng, cấp bậc đại tá, nguyên Trưởng công an (CA) huyện Mỏ Cày, nguyên Trưởng phòng bảo vệ chính trị CA tỉnh Bến Tre) có 5 bản xác nhận ghi rõ: "Vào ngày 21/12/1974, đ/c Chiến được lãnh đạo cơ quan an ninh huyện phân công mang mật thư chỉ đạo nhiệm vụ cho phân đội trinh sát vũ trang ở Chợ Thơm, tôi là người viết nội dung thư giao cho đ/c Chiến, tôi có căn dặn khi địch phát hiện thì phải thủ tiêu bức thư không để địch lấy được, tôi dặn khi hoàn thành nhiệm vụ ghé qua vàm đáy, nhà của đ/c Chiến kiếm mớ cá tép về cải thiện cho đơn vị, sau đó nghe tin đ/c bị đổ đục đáy chìm xuồng mà chết". Tại bản xác nhận ngày 16/9/2020, ông Tùng bổ sung thêm: "Trong thời kỳ chiến tranh ác liệt, thường khi Chiến về cơ quan nhận nhiệm vụ đều mang cá tép cho đơn vị, bảo đảm vỏ bọc người đóng đáy để hoạt động. Ai đã từng sống trong chiến khu đều biết người dân nơi đóng quân cũng như gia đình cán bộ chiến sĩ là kho hậu cần không nhỏ giúp cho kháng chiến...".

Ông Lê Minh Trung, nguyên Phó Giám đốc CA tỉnh Bến Tre cũng có 3 bản xác nhận chị Chiến là giao liên của Phòng An ninh huyện Mỏ Cày: "Tôi là người trong cuộc từng sống và sinh hoạt cùng cơ quan. Đ/c Chiến chết là do đi lấy cá tép về cho đơn vị cải thiện thời sống. Tôi đã từng ăn những con tôm, cá, tép đó. Khi đ/c Chiến hy sinh, vì bảo đảm bí mật mà ngành an ninh và gia đình phải thông tin là đ/c chìm xuồng chết chứ không công khai được". Ông Đoàn Thanh Gắng, nguyên UVTV huyện ủy, Trưởng ban An ninh huyện Mỏ Cày; ông Trần Tiến Công, nguyên huyện ủy viên, Phó ban An ninh huyện Mỏ Cày, Phó chánh thanh tra CA tỉnh Bến Tre cũng có nhiều bản xác nhận tương tự.

Đối với giấy báo tử của chị Chiến, căn cứ văn bản của UBND xã Đa Phước Hội, trình bày của ông Nguyễn Văn Nhân (Chủ tịch UBND xã) cho biết khi làm hồ sơ công nhận Liệt sĩ, ông có thấy giấy báo tử cấp cho chị Chiến do ông Phan Song Thanh, nguyên Phó Giám đốc CA tỉnh ký. Ông Phạm Văn Mộng, nguyên cán bộ công tác chính sách của Phòng Tổ chức cán bộ CA tỉnh Bến Tre cam đoan ông có ghi thông tin vào giấy báo tử trình lãnh đạo ký. Những xác nhận trên thể hiện giấy báo tử của chị Chiến là có thật và yêu cầu của cụ Siêng phải được xem xét theo quy định.

Áp dụng Điều 3 Nghị định số 54/2006 và Điều 17 Nghị định 31/2013, Thông tư liên tịch số 16/1998 quy định Liệt sĩ là người đã hy sinh khi trực tiếp phục vụ chiến đấu như tải đạn, cứu thương, bảo đảm giao thông liên lạc, tiếp tế lương thực, thực phẩm... và các trường hợp bảo đảm chiến đấu, HĐXX quyết định hủy công văn số 5463, buộc Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre thực hiện các trình tự, thủ tục xem xét, đề nghị công nhận Liệt sĩ cho chị Chiến.

Thu Hiền

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/niem-vui-cua-nguoi-me-liet-si_148696.html