Niềm tự hào của làng Hồi Cù

Nằm ở phía Nam dãy Hoàng Sơn (cùng với dãy Nghiêu Sơn hình thành hệ thống núi Hoàng Nghiêu - căn cứ địa khi anh hùng Nguyễn Chích dựng cờ khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược thế kỷ XV), làng Hồi Cù (xã Hoàng Sơn, Nông Cống) vẫn còn lưu giữ được nhiều nét đẹp của cảnh sắc, lối sống nông thôn Việt. Trong những nỗ lực, phấn đấu XDNTM kiểu mẫu, các thế hệ cháu con làng Hồi Cù không thôi trăn trở hướng về nguồn cội, đồng lòng, chung sức gìn giữ và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống...

Phiến đá còn lưu giữ được tại đền ghi dòng chữ “Hồi Cù mai - 1938”.

Hồi Cù là làng đầu tiên xã Hoàng Sơn được công nhận làng văn hóa (năm 2001). Tiếp nối truyền thống tốt đẹp ấy, song hành cùng sự phát triển của địa phương, các thế hệ cháu con của làng Hồi Cù luôn cần cù, hăng hái lao động sản xuất, nêu cao tinh thần, ý chí phấn đấu, đóng góp sức mình xây dựng quê hương. Trong đó, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống vừa là tình cảm vừa là trách nhiệm của người dân nơi đây với các bậc tiền nhân.

Những ngày này, khu vực nhà văn hóa làng Hồi Cù lúc nào cũng rộn ràng tiếng nói, cười. Từ sáng sớm, lãnh đạo thôn cùng các cụ cao niên, một số người dân trong làng đã ngồi lại với nhau, sôi nổi bàn bạc các nội dung liên quan đến việc hoàn thiện xây dựng ngôi đền làng, sắp xếp, bày trí bên trong và chuẩn bị cho buổi lễ khánh thành đền sắp sửa diễn ra. Chừng đó thôi cũng đủ cho thấy tấm lòng, tinh thần trách nhiệm, sự trân trọng của người làng Hồi Cù đối với những giá trị lịch sử - văn hóa của cha ông để lại.

Mặc dù đã ở độ tuổi xưa nay hiếm, cụ Lữ Văn Minh vẫn luôn đau đáu với công việc chung. Đặc biệt, gia đình cụ Minh đã có 3 đời gắn bó, trông coi việc hương khói của làng. Cụ Minh thủ thỉ: Trước đây, làng Hồi Cù có một ngôi đình tọa lạc ngay tại vị trí xây dựng nhà văn hóa làng bây giờ. Đình có kết cấu 5 gian, làm bằng gỗ lim, mái lợp ngói mũi hài, nền lát gạch bát, phía ngoài là khu vực để bà con hội họp, sinh hoạt cộng đồng, phía trong có chánh tẩm thờ thành hoàng làng. Kiến trúc tuy đơn giản nhưng thẩm mỹ, trang trọng bởi có các hoành phi, câu đối, hoa văn chạm khắc tứ linh (long, ly, quy, phượng). “Tuy nhiên, vào khoảng đầu những năm 80 của thế kỷ trước, do biến động thời cuộc lúc bấy giờ, đình đã bị tháo dỡ để lấy gỗ xây dựng trường học” - gương mặt hiền lành, chất phác của cụ Minh thoáng chút ngậm ngùi.

Diện mạo ngôi đền mới được xây dựng của làng Hồi Cù (xã Hoàng Sơn, Nông Cống).

Giữa thời điểm còn biết bao bộn bề, khó khăn ấy, dân làng Hồi Cù vẫn bảo ban, động viên nhau giữ lấy hồn xưa nếp cũ. Do đó, dân làng đã dựng lên một gian thờ nhỏ để tiếp tục duy trì việc hương khói của làng. Cuộc sống giờ đây đã nhiều đổi thay, làng văn hóa đầu tiên ở xã Hoàng Sơn lại “bắt tay” vào thực hiện nhiệm vụ mới, góp phần vào sự phát triển chung của địa phương. Cùng với mục tiêu thúc đẩy kinh tế, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập, chỉnh trang diện mạo nông thôn, bảo vệ môi trường..., người dân làng Hồi Cù càng nhận thức sâu sắc hơn vai trò, trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng nếp sống văn hóa ở cộng đồng dân cư... Từ những trăn trở ấy, một lần nữa, người dân làng Hồi Cù lại nêu cao tinh thần đoàn kết, đồng lòng, biến nhận thức thành hành động, chung tay xây dựng ngôi đền mới khang trang hơn, đẹp hơn.

Ngôi đền mới được xây dựng ngay tại vị trí trước đây người dân làng Hồi Cù dựng gian thờ nhỏ với tổng diện tích là 120m2. Nét đẹp truyền thống trong kiến trúc đền được thể hiện ở kết cấu 3 gian; mái dốc thẳng lợp ngói, phần diềm mái được cách điệu tạo cảm giác mềm mại, thanh thoát; phía trước đền có hai cột trụ; khuôn viên xung quanh đền rợp bóng cây xanh mướt mát... Các họa tiết chạm khắc công phu ở phía nóc, đầu mái, trên đỉnh cột trụ chủ yếu là hình tượng con rồng vừa làm tăng tính thẩm mỹ vừa diễn đạt ý nghĩa biểu trưng, uy linh cho ngôi đền. Bậc 7 cấp lên xuống trước đền toàn bộ được làm bằng đá nguyên khối... Hiện đền còn lưu giữ được một số hiện vật cổ: bệ đá, chân cột cờ, bát hương bằng đá, khối đá có khắc chữ “Hồi Cù mai - 1938”...

Không cầu kỳ, kiểu cách trong kiến trúc, lấy truyền thống làm chuẩn mực, ngôi đền mang bao tâm huyết, tình cảm, sức và lực của người làng Hồi Cù. Ông Lê Văn Diễn, trưởng làng Hồi Cù hào hứng cho biết: “Trong 3 năm qua, Nhân dân làng Hồi Cù đóng góp được khoảng 1 tỷ đồng để xây dựng khuôn viên, nhà văn hóa. Riêng toàn bộ kinh phí xây dựng, hoàn thiện ngôi đền là từ tấm lòng tự nguyện, phát tâm của gia đình anh Nguyễn Dư Mạnh - con cháu trong làng đầu tư, chi phí khoảng hơn 1 tỷ đồng”. Nói rồi, ông Diễn đưa chúng tôi đến gặp người đàn ông với vóc người cao, gầy đang tất bật ở phía trong đền. Anh Mạnh bộc bạch: “Mình sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này nên cũng chỉ mong có thể đóng góp thiết thực vào công việc chung của làng, xã như một cách bày tỏ lòng tri ân”.

Giữa vị trí trung tâm của làng, bên hồ sen đang bung nở những cánh hoa muộn, ngôi đền mới được xây dựng như điểm nhấn cho bức tranh làng Hồi Cù thêm sinh động, sức sống. Sức sống ấy là “điểm tựa”, nguồn “sức mạnh nội sinh”; sự hiện diện của ngôi đền trong không khí hăng hái xây dựng thôn NTM kiểu mẫu, trước nhịp sống hiện đại đang dấy lên những lo ngại về việc mai một giá trị văn hóa truyền thống... Đó là niềm tự hào của cháu con nơi đây. Người dân làng Hồi Cù đang rộn ràng, háo hức chờ đợi ngày khánh thành ngôi đền. “Niềm mong mỏi lớn nhất là trong tương lai gần, ngôi đền sẽ được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa để người dân làng Hồi Cù làm tốt hơn nữa việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống địa phương”, anh Lê Văn Diễn, trưởng làng Hồi Cù bày tỏ.

Bài và ảnh: Thảo Linh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/diem-den/niem-tu-hao-cua-lang-nbsp-hoi-cu/195079.htm