Niềm tin 'xanh' trên đồng lúa vàng

Ngay khi Bộ NN-PTNT triển khai Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 (viết tắt là Đề án), nhiều tin vui dồn dập đến với vựa lúa miền Tây. Tại Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB), Liên minh châu Âu cũng đã cam kết tài trợ cho Đề án.

Nền tảng từ chuyển đổi nông nghiệp bền vững

Ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã (HTX) Thuận Lợi ở huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang chia sẻ: Xã viên rất vui mừng khi được ngành nông nghiệp chọn làm nơi sản xuất trong Đề án của Bộ NN-PTNT. Hơn 100 xã viên ở đây sản xuất trên diện tích gần 500ha.

Huyện Long Mỹ là địa phương giáp với Bạc Liêu và Kiên Giang, chịu tác động nặng của hạn mặn. Thế nhưng, những năm qua, nông dân ở đây đã tiếp cận với những quy trình sản xuất “3 giảm, 3 tăng; 1 phải, 5 giảm” (3G3T và 1P5G), nên năng suất và chất lượng lúa luôn đạt mức cao. Gần 5.000 nông hộ ở Long Mỹ đã tham gia vào chương trình phát triển lúa gạo bền vững liên vùng trên địa bàn với hơn 1.000ha. Đây là điểm nhấn cho thành công của tỉnh Hậu Giang trong thực hiện Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT). Một dự án mà WB đã đồng hành, hỗ trợ nông dân.

Chỉ riêng tại Hậu Giang, trên 50.000 nông dân thuần thạo quy trình sản xuất tiên tiến trên diện tích khoảng 25.000ha lúa. Nông dân sản xuất trong vùng dự án ngoài áp dụng các máy móc thiết bị như máy cấy, phun sạ, các drone bay phun phân bón, còn thành thạo “3G3T và 1P5G” nên đã tiết kiệm chi phí, giảm phát thải, tăng lợi nhuận 30% so với sản xuất truyền thống. “Điều quan trọng là nông dân đã chí thú ứng dụng công nghệ tiến bộ trong sản xuất”, bà Nguyễn Thị Giang, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, phấn khởi.

Ông Cao Thăng Bình, chuyên gia nông nghiệp cao cấp của WB, chỉ ra những dữ liệu quan trọng để ĐBSCL thực hiện Đề án. Nổi bật là trong 7 năm qua, Dự án VnSAT áp dụng đồng bộ tại 8 tỉnh thành ĐBSCL (Long An, Tiền Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng và Hậu Giang).

Theo đó, 156.000 hộ nông dân trồng lúa ở đây đã áp dụng thực hành canh tác lúa gạo bền vững “3G3T và 1P5G”, trên tổng số 184.000ha đất trồng lúa của dự án, lợi nhuận sản xuất lúa tăng 30%. “Dự án VnSAT đã giúp giảm phát thải: 1,5 triệu tấn CO2 tương đương (CO2tđ)/năm. Nếu kết quả này được triển khai nhân rộng trên 1 triệu ha đất trồng lúa ở vùng ĐBSCL, sẽ mang lại tiềm năng giảm lượng phát thải khí nhà kính lên tới 8 triệu tấn CO2tđ hàng năm”, ông Cao Thăng Bình nêu rõ.

Bắt đúng “mạch thị trường”

Năm 2023 khép lại với nhiều dấu ấn của gạo Việt - tiếp tục được vinh danh ngon nhất thế giới. Song, cần nhận định đúng hướng để sản xuất theo nhu cầu của thị trường. Các chuyên gia nhận định: Thị trường quốc tế đang chuyển sang các sản phẩm xanh và bền vững. Cả người bán lẻ và người tiêu dùng ở các nước nhập khẩu thực phẩm chính đang đòi hỏi tiêu chuẩn bền vững cao đối với nông sản nhập khẩu.

Triển khai Đề án là một cách tiếp cận kịp thời, đúng xu hướng để nâng cao vị thế của hạt gạo Việt Nam. Chia sẻ với các vị khách nước ngoài tại Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gửi thông điệp “xanh” đến nhiều vị khách nước ngoài: Việt Nam là nước đầu tiên xây dựng và phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp. Đây là nhiệm vụ mang tính toàn dân, toàn cầu; thể hiện Việt Nam có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong chống biến đổi khí hậu khi xây dựng một nền nông nghiệp phát thải thấp.

Nói như Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, Đề án hướng tới mục tiêu quan trọng nhất là tạo ra sinh kế và định hướng phát triển bền vững cho nông dân trồng lúa. Người đứng đầu ngành nông nghiệp chỉ ra cách tiếp cận sản xuất xanh: “Chúng ta sẽ thực hiện thí điểm các chính sách mới như: chi trả tín chỉ carbon dựa trên kết quả; tập trung vào sản xuất phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh; phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng tuần hoàn.

Các thí điểm thành công tại ĐBSCL sẽ mở rộng ra toàn quốc, hướng tới mục tiêu đưa “Phát triển xanh, giảm phát thải, chất lượng cao” trở thành thương hiệu của lúa gạo Việt Nam. Sự thay đổi nhận thức của người sản xuất và kinh doanh lúa gạo; hợp tác công - tư hiệu quả; và sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế như WB, ADB, IRRI… sẽ là chìa khóa thành công cho Đề án”.

Máy cuộn rơm trên cánh đồng lúa sau thu hoạch tại Hậu Giang

Bà Carolyn Turk, Giám đốc WB tại Việt Nam, đã cam kết đồng hành hỗ trợ Việt Nam thực hiện Đề án. Liên minh châu Âu (EU) cũng tài trợ Dự án “Chuyển đổi các hệ thống nông nghiệp sinh thái thông minh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu tại ĐBSCL”, với kinh phí hơn 4,1 triệu EUR.

“Viện sẽ huy động tối đa lực lượng khoa học với các kỹ năng mới nhất để tham gia thực hiện dự án. Trước hết, bằng việc cung cấp và phối hợp chọn tạo các giống lúa phù hợp, chất lượng cao; tiếp tục hoàn thiện các quy trình canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính; kỹ thuật giám sát và đo lường phát thải khí nhà kính; đề xuất hoàn thiện chính sách có liên quan cũng như đào tạo cán bộ và nông dân”, ông Cao Đức Phát, Chủ tịch HĐQT Viện Lúa quốc tế, chia sẻ.

Hậu Giang quyết liệt thực hiện Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao

Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang đã có chuyến thăm đồng đầu năm Giáp Thìn 2024 tại cánh đồng lúa ở xã Vị Bình, huyện Vị Thủy. Đây là đồng lúa được người dân áp dụng quy trình sản xuất theo Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”.

Phát biểu tại buổi thăm đồng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành biểu dương nông dân áp dụng tốt các biện pháp canh tác và đánh giá cao tính hiệu quả mà mô hình mang lại, nhất là thực hiện đúng mục tiêu trọng tâm của đề án. Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang đề nghị tới đây ngành nông nghiệp và các địa phương tiếp tục nhân rộng mô hình để góp phần nâng cao giá trị và nguồn thu nhập cho người trồng lúa; đồng thời bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính…

Hiện, nông dân tại xã Vị Bình, huyện Vị Thủy đã áp dụng phương pháp sạ cụm, với lượng lúa giống gieo sạ 60kg/ha, sử dụng phân bón 300-450kg/ha, không phun thuốc trừ sâu, dịch bệnh trong 40 ngày sau sạ và áp dụng quản lý nước tưới theo kỹ thuật “ướt khô xen kẽ”. Các trà lúa hiện đang trong giai đoạn chuẩn bị thu hoạch, cây lúa đồng đều, bông vàng trĩu hạt. Vụ lúa đông xuân 2023-2024, toàn tỉnh Hậu Giang có 15.600ha được nông dân sản xuất theo mục tiêu của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Theo đó, 100% diện tích trong đề án áp dụng quy trình canh tác bền vững và có liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm.

Hậu Giang là tỉnh tiên phong tại ĐBSCL khi tới đây, 100% rơm rạ được thu gom khỏi đồng ruộng để sử dụng. Từ đó giúp giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác truyền thống, giá trị gia tăng chuỗi lúa gạo tăng 40%, trong đó tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa đạt trên 50%.

CAO PHONG

VĨNH TƯỜNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/niem-tin-xanh-tren-dong-lua-vang-post727220.html