Niềm tin Việt Nam bứt phá 'hóa rồng'

Việt Nam bước vào năm 2023 với một niềm tin mãnh liệt vào một nền kinh tế đã 'hửng nắng' sau 'cơn mưa', bởi vừa mới bước ra khỏi đại dịch Covid-19, kinh tế đã tăng trưởng 8,02% trong năm 2022 - mức cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2022. Tuy nhiên, niềm hứng khởi ban đầu nhanh chóng trôi qua, nhường lại cho nỗi lo về một nền kinh tế chưa lớn mạnh đã phải đương đầu với sóng dữ dồn dập từ tình hình thế giới. Nhưng trong hoàn cảnh khó khăn có phần 'ngột ngạt ấy', Chính phủ lại một lần nữa thể hiện bản lĩnh bằng những quyết sách linh hoạt, kịp thời, hiệu quả. Nền kinh tế Việt Nam từng bước tìm lại được động lực tăng trưởng của mình.

Cảng hàng không Long Thành - động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố phía Nam

Thành quả từ một năm vượt khó

Thành quả của những nỗ lực ấy đã đến vào những ngày cuối năm khi tổng kết lại một năm 2023 đầy sóng gió! Những những cụm từ “kinh tế Việt Nam một năm ngược gió”, “kinh tế Việt Nam một năm kiên cường” được nhiều tờ báo trong nước và quốc tế dành tặng cho Việt Nam. Với những thành quả và bài học có được từ một năm “ngược gió” đó, có thể cho chúng ta bước vào năm 2024 với sự “yên tâm” và tin tưởng về một năm thành công của Việt Nam.

Điểm lại kết quả đầu tiên đó là tăng trưởng kinh tế tuy chưa đạt mức kế hoạch đề ra, nhưng vẫn là một trong số ít các quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới. Ngày 10/11/2023, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, theo đó chỉ tiêu tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2023 là khoảng 6,5%. Ngày 5/1/2024, Tổng cục Thống kê Việt Nam báo cáo, tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam là khoảng 5,05%.

Điều đáng mừng là xu hướng lấy lại đà tăng trưởng trở nên rõ nét với quý sau tăng trưởng cao hơn quý trước. Nếu như trong quý I, GDP chỉ tăng 3,41% thì quý II tăng 4,25%; quý đã III tăng 5,47% và quý IV đã đạt mức cao hơn so với chỉ tiêu tăng trung bình của cả năm do Quốc hội thông qua khi tăng 6,72%. Trong khi, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo là khoảng 3% thì đây là thành tựu đáng ghi nhận. Thành tựu đó, dù chưa đạt được mức chỉ tiêu Quốc hội giao, nhưng vẫn có thể coi là thành công của Việt Nam trong bối cảnh một năm có quá nhiều khó khăn, với các trận “gió ngược” đến từ tình hình thế giới, suy thoái toàn cầu, sự đứt gãy chuỗi cung ứng thế giới sau đại dịch Covid-19 là cú sốc lớn đối với một nền kinh tế mở như Việt Nam.

Không phải ngẫu nhiên mà vị chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã sử dụng từ “kiên cường” để mô tả kinh tế Việt Nam năm 2023. Chính quyết tâm cao độ và các giải pháp hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ là những yếu tố chủ đạo, thúc đẩy con tàu kinh tế Việt Nam trong năm 2023, tạo đà cho chuyến tốc hành tăng trưởng các năm 2024, 2025, hoàn thành Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020 - 2025.

Hơn nữa, năm qua Việt Nam cũng xuất siêu xác lập kỷ lục mới. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2023 chỉ đạt khoảng 683 tỷ USD, giảm 48 tỷ USD so với mức 731,3 tỷ USD năm 2022, tương đương với mức giảm 6,5%. Trong đó, xuất khẩu đạt 355,5 tỷ USD, nhập khẩu đạt 327,5 tỷ USD. Tuy nhiên, so với năm 2022, nhập khẩu giảm 8,9% trong khi xuất khẩu chỉ giảm 4,4% nên mức xuất siêu của cả năm vẫn đạt mức cao kỷ lục là 28 tỷ USD, cao gấp hơn 2 lần so với mức thặng dư 12,1 tỷ USD của năm 2023.

Điều tiếp nữa, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp hơn so với mục tiêu đề ra và thấp hơn so với mức tăng trưởng kinh tế. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2023 của Việt Nam tăng 3,25% so với mục tiêu Quốc hội đề ra cho năm 2023 là 4,5%. Hơn nữa, lạm phát vẫn duy trì ở mức thấp hơn so với tốc độ tăng GDP là một kết quả quan trọng cho phép Ngân hàng Nhà nước có nhiều dư địa trong sử dụng chính sách tiền tệ thúc đẩy tăng trưởng trong năm tới.

Có được kết quả như vậy là do trong năm nhiều giải pháp được Chính phủ tích cực triển khai như: Giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; triển khai các gói tín dụng hỗ trợ các ngành, lĩnh vực; giảm thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ từ 10% xuống 8% từ ngày 1/7/2023… Năm 2023 có thể coi là một năm thành công trong kiểm soát lạm phát của Việt Nam.

“Nguội” đi những lo toan

Ngoài những thành quả trên, cần phải nhắc đến vốn đầu tư xã hội là một trong những yếu tố quan trọng bảo đảm cho tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm không chỉ trước mắt mà còn lâu dài trong những năm sau. Năm 2023, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành ước đạt 3.423,5 nghìn tỷ đồng, tăng 6,2% so với năm trước. Riêng khu vực đầu tư nước ngoài, tính theo đồng USD, đến ngày 20/12/2023 tổng vốn đăng ký bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm trước. Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện ước đạt 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022. Trong bối cảnh kinh tế thế giới rất khó khăn như vậy, nhưng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm 2023 vẫn đạt mức cao nhất trong 5 năm qua.

Đặc biệt, điểm nhấn đáng ghi nhận đó là thu nhập bình quân đầu người tiếp tục tăng. Chỉ số quan trọng nhất phản ánh tổng hợp kết quả tăng trưởng kinh tế mà người dân được hưởng đó là GDP bình quân đầu người. Trong năm 2023, với những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế như phân tích ở trên, quy mô nền kinh tế Việt Nam tính theo giá hiện hành năm 2023 ước đạt 10.221,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 430 tỷ USD.

Với kết quả đó, GDP bình quân đầu người ước đạt 101,9 triệu đồng/người, tương đương 4.284,5 USD, tăng 160 USD so với năm 2022. Và, với Nhà nước, bội chi ngân sách, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia và nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của chính phủ so với tổng thu ngân sách nhà nước thấp hơn nhiều giới hạn và ngưỡng cảnh báo làm một thành quả lớn, góp phần làm “nguội” đi những lo toan mà một thời đã là điểm “nóng” trong nghị trường Quốc hội.

Không chỉ là câu chuyện “con hát mẹ khen hay”

Thành quả phát triển kinh tế Việt Nam trong năm 2023 được phân tích không chỉ là câu chuyện “con hát mẹ khen hay”, mà ngay cả các tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao như Fitch Ratings đã nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn lên mức BB+ (từ mức BB), với triển vọng "Ổn định". Đáng tự hào là, ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương chỉ có 2 trong số 62 nước được nâng hạng. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD, tăng 1 bậc lên thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh và có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2020 - 2022.

Dẫu biết bối cảnh thế giới vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, năm 2024 chưa phải đã hết những “cơn gió ngược” nhưng với những gì Việt Nam đạt được và những kinh nghiệm tích lũy được trong điều hành năm 2023, hoàn toàn có thể tin tưởng vào một năm “Giáp Thìn”, kinh tế Việt Nam sẽ bứt phá ngoạn mục trên con đường “hóa rồng” của dân tộc!

PGS.TS Lê Văn Chiến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/niem-tin-viet-nam-but-pha-hoa-rong-144195.html