NI: Ukraine trở thành 'nghĩa địa' cho xe tăng Abrams của Mỹ

Tổn thất ngày càng tăng của xe tăng M1 Abrams ở Ukraine cho thấy chúng không hề ưu việt hơn các phương tiện chiến đấu khác. Điều này đã được nhà báo Peter Suchiu của Tạp chí National Interest đưa tin hôm 6/3.

Theo Nhà báo Peter Suchiu, trong vòng chưa đầy một tuần, Ukraine đã mất 3 xe tăng chiến đấu chủ lực Abrams trên chiến trường. Ông Suciu nói: “Ukraine đã trở thành một nghĩa địa xe tăng và 3 chiếc M1 Abrams chỉ là những xác chết trên đó, bất kể Quân đội Mỹ có nói gì về chúng”.

Theo ý kiến của ông Suciu, xe tăng M1 Abrams đã không đáp ứng được kỳ vọng cao trên chiến trường. Ông cho rằng nguyên nhân là do binh lính Ukraine đã quá quen với công nghệ của Liên Xô, thiếu kinh nghiệm thực tế trong việc xử lý các phương tiện của Mỹ, do đó không thể nhanh chóng làm chủ được xe tăng phương Tây. Tổn thất nặng nề của xe tăng M1 Abrams Mỹ cung cấp cho Lực lượng Vũ trang Ukraine (AFU) chứng tỏ tính không độc quyền của thiết bị quân sự này.

Trong khi đó, cũng trong ngày 6/3, Bộ Quốc phòng Nga đưa tin, tổ lái xe tăng T-72B3 của Nga đã tiêu diệt một xe chiến đấu Abrams khác do Mỹ sản xuất ở hướng Avdiivka ngay phát súng đầu tiên. Đây là chiếc xe tăng thứ tư của Ukraine bị Quân đội Nga tiêu diệt.

Ngày 26/2, cố vấn của người đứng đầu nước Cộng hòa nhân dân Donetsk (DPR) Yan Gagin tuyên bố, lực lượng Nga đã phá hủy xe tăng Abrams đầu tiên của Lực lượng Vũ trang Ukraine. Ông nhấn mạnh rằng bất kỳ thiết bị mới nào do phương Tây cung cấp cho Ukraine đều dễ bị tấn công. Và ngay ngày hôm sau, Bộ Quốc phòng Nga xác nhận thông tin về việc Quân đội Nga phá hủy xe tăng Abrams đầu tiên của Mỹ trên chiến trường Ukraine.

Bộ Quốc phòng Nga ngày 4/3 nói rằng, chiếc xe tăng M1 Abrams thứ hai của Ukraine đã bị phá hủy trong cuộc giao tranh với lực lượng Nga. Đoạn video đăng tải trên mạng xã hội cho thấy, một chiếc M1 Abrams bốc cháy bên cạnh xe rà phá bom mìn M1150 ở khu vực vùng ngoại ô Avdiivka của Donetsk.

Cả hai chiếc xe tăng Abrams đều bị phá hủy bởi máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV) của Nga. Theo hãng tin TASS, UAV giúp lực lượng Quân đội Nga hạ gục chiếc xe tăng M1 Abrams đầu tiên trên chiến trường Ukraine là máy bay không người lái tự sát góc nhìn thứ nhất có tên Piranha. Chiếc M1 Abrams thứ hai bị UAV Upyr phá hủy.

Bình luận về việc xe tăng M1 Abrams bị phá hủy trên chiến trường Ukraine, nhà quan sát quân sự Alexei Leonkov cho rằng, có thể do Ukraine nhận được những chiếc xe không được lắp đặt thiết bị bảo vệ bổ sung. Trong khi đó, theo ông Leonkov, các thiết bị bảo vệ bổ sung được lắp đặt trên xe tăng do binh sĩ Mỹ vận hành. “Đây là lớp giáp uranium nghèo, giúp tăng độ bền cho xe tăng”.

Theo nhà phân tích Leonkov, xe tăng Abrams có một số điểm yếu. Cụ thể, ông Leonkov đánh giá, Abrams là một loại xe tăng rất thất thường, với động cơ tua-bin khí hiệu suất cao sử dụng nhiên liệu máy bay và lớp giáp thường bị ảnh hưởng bởi các vấn đề kỹ thuật đặc biệt.

“Điểm yếu thứ hai của Abrams là đỉnh tháp pháo và phần nhô ra bên hông. Cho dù được bảo vệ tốt đến đâu, chiếc xe tăng này vẫn dễ bị tổn thương. Tuy nhiên, thực tế là việc sửa đổi xe tăng Abrams để gửi tới Ukraine liên quan đến việc đặt đạn pháo không chỉ ở thân xe mà còn một phần ở phía sau tháp pháo. Điều này nghĩa là nếu xe tăng bị bắn trúng trực tiếp hoặc trong một số trường hợp khác, nó có thể phát nổ”, ông Leonkov cho hay.

Vấn đề thứ ba của xe tăng Abrams là hệ thống truyền động, ông Leonkov giải thích, đồng thời chỉ ra rằng hệ thống truyền động của xe tăng chủ lực Mỹ là một điểm yếu, có thể biến xe tăng trở thành mục tiêu dễ bị tổn thương khi hoạt động ở địa hình hiểm trở.

“Quân đội Nga biết hết những vấn đề này của xe tăng Abrams, vì vậy, họ chờ đợi lực lượng Ukraine triển khai xe tăng ra mặt trận ở Avdiivka và sau đó nhắm mục tiêu”, nhà quan sát Leonkov cho biết.

Đánh giá dựa trên thông tin có sẵn về việc chiếc Abrams thứ hai bị phá hủy, ông Leonkov cho rằng hệ thống truyền động của chiếc xe này có thể đã bị hư hỏng, sau đó UAV của Nga đã lao tới và nhắm mục tiêu.

Tạp chí The National Interest từng thừa nhận, tại chiến trường Ukraine, xe tăng do Mỹ, Anh hay Đức sản xuất không có khả năng trở thành vũ khí “bất khả chiến bại” (Nguồn ảnh: Is.ru, Topwar, Gazeta.ru).

Lý Thùy (Theo Iz.ru, National Interest)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/ni-ukraine-tro-thanh-nghia-dia-cho-xe-tang-abrams-cua-my-1964967.html