NI: Mỹ sẽ không dám đụng độ với Nga tại Syria

Sau khi thỏa thuận ngừng bắn ở Syria giữa Nga và Mỹ bị phá vỡ, 1 số nhân vật “diều hâu” ở Mỹ đã lên tiếng đòi Mỹ áp dụng Kế hoạch B tại Syria (giải quyết vấn đề bằng quân sự)...

Dù Nhà Trắng có nhiều phương án khác nhau nhưng tất cả đều có các rủi ro khiến Mỹ buộc phải cân nhắc rất kỹ lưỡng.

Chiến đấu cơ Su-34 của Nga tham chiến chống IS ở Syria

Theo nhà phân tích nổi tiếng Dave Madjumdar của tạp chí The National Interest, Nhà Trắng hiện có không ít giải pháp cho vấn đề Syria sau khi thỏa thuận ngừng bắn bị phá vỡ. Các phương án này gồm: thiết lập vùng cấm bay; thiết lập khu vực an ninh; tiến hành không kích lực lượng quân Chính phủ Syria và tăng cường cung cấp vũ khí cho các lực lượng nổi dậy. Tuy nhiên, tất cả các phương án này đều có những rủi ro có thể dẫn đến những hành động đáp trả khó đoán của Nga.

Theo Dave Madjumdar, nếu muốn thiết lập vùng cấm bay, Mỹ và đồng minh phải có đủ khả năng để chế áp lực lượng không quân Syria và các hệ thống phòng không của Nga tại Syria (S-300 và S-400). Các yếu tố mang tính chất pháp luật và quân sự đang cản trở Mỹ thực hiện kế hoạch này.

Rào cản về mặt luật pháp để có thể tiến hành can thiệp quân sự là ở chỗ về mặt chính thức, Mỹ không sẵn sàng cho cuộc chiến ở Syria. Hơn nữa, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc không thông qua nghị quyết cho phép lực lượng quân sự Mỹ chính thức hành động ở Syria.

“Xét về mặt kỹ thuật, các chiến dịch quân sự Mỹ đang thực hiện ở Syria là các hành động trái pháp luật. Chính quyền Tổng thống Obama biết rõ điều này. Chính Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, trong cuộc gặp mặt với đại diện phe đối lập và phe nổi dậy Syria đã thừa nhận vấn đề này”- chuyên gia Dave Madjumdar phân tích.

Sau khi đoạn ghi âm ghi lại cuộc nói chuyện giữa Ngoại trưởng Mỹ với lực lượng đối lập, nổi dậy Syria được tạp chí The New York Times công bố, các luật sư của Nhà Trắng đã cảnh báo chính quyền Tổng thống Obama rằng Mỹ hoàn toàn không có đủ cơ sở để tiến hành can thiệp quân sự trực tiếp vào Syria nếu không có nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hoặc không nhận được lời đề nghị của các bên tham gia xung đột. Chính việc Chính phủ Syria lên tiếng mời Nga đã tạo cho Nga cơ sở pháp lý cần thiết để bắt đầu chiến dịch quân sự tại Syria.

Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Obama

Trong trường hợp muốn thiết lập khu vực cấm bay (an ninh), các lực lượng không quân tác chiến của Mỹ cần phải đánh chặn, tiêu diệt các máy bay quân sự của Nga và Syria khi các máy bay này bay vào khu vực cấm mà Washington vạch ra.

“Các chính trị gia Mỹ rất muong muốn và hy vọng rằng Moscow không thực sự muốn chiến tranh với Mỹ nên sẽ lùi bước và chấp nhận việc Mỹ thiết lập khu vực cấm bay. Tuy nhiên, bản thân Washington không hề muốn chiến tranh trực tiếp với Nga. Cho dù chỉ giữ được một phần nhỏ tiềm lực quân sự so với thời Liên Xô nhưng Nga vẫn là quốc gia duy nhất trên thế giới có khả năng biến Mỹ thành đống phóng xạ tro tàn"- chuyên gia Dave Madjumdar nhấn mạnh.

Một phương án khá rủi ro khác đối với Mỹ là tấn công quân sự trực tiếp vào lực lượng quân sự và các căn cứ của Quân đội Syria. Khi đó, đây sẽ bị coi là hành động xâm lược quân sự trực tiếp vào Syria, mức độ nghiêm trọng sẽ lớn hơn nhiều so với thiết lập vùng cấm bay.

Tuy nhiên, theo Dave Madjumdar, vấn đề là ở chỗ, Mỹ sẽ không thể nào coi thường các phản ứng từ phía Nga. Ngoài ra, phía Mỹ cũng không hề biết được hiện có bao nhiêu chuyên gia quân sự của Nga ở Syria và vị trí họ lưu trú nên nếu không kích vào các lực lượng này, hậu quả sẽ khôn lường.

“Việc bắt đầu cuộc xung đột trực tiếp với Nga và Syria là điều dễ dàng nhưng cuộc chiến công khai với việc bắn lẫn nhau và gây ra tổn thất cho nhau sẽ khiến tình hình hoàn toàn vượt quá tầm kiểm soát. Rõ ràng, sẽ là điều hợp lý nếu biết kiềm chế trước khi bắt đầu một cuộc chiến chống lại cường quốc hạt nhân”- Dave Madjumdar kết luận.

Đức Dũng (theo The National Interest)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/ni-my-se-khong-dam-dung-do-voi-nga-tai-syria-post211424.info