Những yếu tố khiến Việt Nam thu hút FDI

Theo trang cbgabd.org của Trung tâm KRF (chuyên nghiên cứu các vấn đề toàn cầu, trụ sở tại Bangladesh), dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mạnh có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Bài viết đăng tải trên trang mạng https://www.cbgabd.org ngày 4/4. Ảnh: TTXVN phát

Trong giai đoạn 2002 - 2023, Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế cao, qua đó chứng tỏ các chính sách đầu tư chiến lược đem lại hiệu quả.

Bài viết đăng trên cbgabd.org nêu rõ Việt Nam ghi nhận mức FDI đăng ký tăng mạnh từ 2 triệu USD năm 1988 lên mức 550 tỷ USD tính đến cuối năm 2023. Mức FDI tại Việt Nam hiện nay trị giá hàng tỷ USD, giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chiến lược quốc gia là tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao, gồm nông nghiệp, sản xuất, dịch vụ và du lịch… tăng cường hơn nữa sự hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư quốc tế. Ngoài ra, Việt Nam có 36.000 dự án FDI đang hoạt động với tổng vốn 441 tỷ USD. Đáng chú ý, 57% số vốn FDI này đã được giải ngân, phản ánh dòng vốn FDI mạnh mẽ đổ vào Việt Nam.

Trong 30 năm qua, Hàn Quốc, Singapore và Nhật Bản là những nước dẫn đầu về FDI vào Việt Nam. Làn sóng FDI thứ tư sắp tới từ Mỹ dự kiến đổ vào Việt Nam sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9/2023.

Theo bài viết, Việt Nam có vị trí địa lý chiến lược với tư cách là trung tâm sản xuất cũng như có tầm quan trọng đối với kinh tế Đông Á. Việt Nam cung cấp môi trường đầu tư thuận lợi nhờ sự ổn định của chính phủ, tầm nhìn kinh tế được hoạch định rõ ràng, thực thi chính sách công bằng, không có nhiều rào cản đầu tư và cơ chế ưu đãi hấp dẫn.

Bài viết nhận định Việt Nam nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, bằng chứng là Việt Nam được thăng hạng về mức độ dễ dàng kinh doanh nhờ có khung pháp lý hiệu quả và minh bạch. Với trên 95 triệu dân, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng và lĩnh vực dịch vụ đóng góp hơn 40% Tổng sản phẩm quốc nội, Việt Nam là một thị trường đầy hứa hẹn cho các doanh nghiệp. Chi tiêu tiêu dùng trong nước ngày càng tăng, qua đó cho thấy Việt Nam có mức tăng trưởng kinh tế mạnh và nhiều tiềm năng đầu tư hiệu quả ở cả cấp độ khu vực và toàn cầu.

Bên cạnh đó, Việt Nam tích cực tham gia các hiệp định thương mại toàn cầu, giúp củng cố vị thế của Việt Nam là điểm đến yêu thích của thương mại quốc tế. Việt Nam ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (DTAA) với trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là yếu tố quan trọng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam còn được đánh giá là có lựa chọn tuyệt vời đối với các nhà sản xuất muốn mở rộng hoạt động và giảm thiểu rủi ro bằng cách đa dạng hóa sản xuất.

Dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử, thiết bị thắp sáng trong xe ô tô, xe máy tại Công ty TNHH Điện Việt Nam Stanley (vốn đầu tư của Nhật Bản) tại Hà Nội. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Cũng theo bài viết, Việt Nam chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng như được nêu trong quy hoạch tổng thể hạ tầng giao thông vận tải, qua đó thể hiện cách tiếp cận chủ động trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Việt Nam có một thị trường lao động vừa lớn vừa có tính cạnh tranh cao, với khoảng 60 triệu lao động. Chính phủ Việt Nam còn nỗ lực thu hút các nhà đầu tư nước ngoài thông qua một loạt các cơ chế ưu đãi, đặc biệt là ưu đãi thuế.

Bài viết nhận định sự thu hút FDI của Việt Nam thể hiện bối cảnh kinh tế thích ứng và sôi động. Với một chính phủ ổn định và tầm nhìn kinh tế rõ ràng, môi trường đầu tư thuận lợi nhờ chính sách công bằng, ít rào cản đầu tư và cơ chế ưu đãi, FDI của Việt Nam hứa hẹn sẽ tăng mạnh mẽ.

TTXVN/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/nhung-yeu-to-khien-viet-nam-thu-hut-fdi-20240405163512679.htm