Những xét nghiệm phát hiện sớm tổn thương tim mạch hậu Covid-19

Các tổn thương tim mạch không chỉ xuất hiện ở giai đoạn đang nhiễm Covid-19, chúng còn có thể tồn tại dai dẳng trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm sau khi khỏi bệnh.

Vì sao nhiễm Covid-19 lại gây tổn thương lên hệ thống tim mạch?

Sở dĩ Covid-19 có thể gây tổn thương tim mạch là vì vi rút SARS-CoV-2 có khả năng xâm nhập trực tiếp vào các tế bào của hệ thống tim mạch thông qua một loại thụ thể có tên là ACE2. Tại đây, chúng lợi dụng tế bào để nhân lên gây rối loạn chức năng, thoái hóa và thậm chí gây chết tế bào, biểu hiện thành các tình trạng bệnh lý như viêm cơ tim, nhồi máu cơ tim, suy tim, loạn nhịp tim và thậm chí là tử vong.

Ngoài khả năng xâm nhập vào các tế bào tim mạch, việc nhiễm vi rút SARS-CoV-2 có thể khiến hệ thống miễn dịch của cơ thể bị rối loạn, làm các bạch cầu giải phóng ồ ạt các chất gây viêm (cytokine) vào máu, được gắn với hình ảnh cơn bão, nên được gọi là “cơn bão cytokine”. “Cơn bão cytokine” này có thể gây ra tình trạng rối loạn đông máu, tắc mạch, tăng huyết áp, tăng nhịp tim, nhồi máu cơ tim…

Những xét nghiệm nào giúp phát hiện sớm tổn thương tim mạch hậu Covid-19?

Bộ xét nghiệm này bao gồm: Troponin T, NT-proBNP, CK, CK-MB, LDH.

Troponin T

Là một protein tham gia cấu tạo cơ tim, nên rất đặc hiệu cho cơ tim. Xét nghiệm định lượng nồng độ troponin T trong máu giúp chẩn đoán nhanh chóng, kịp thời tình trạng nhồi máu cơ tim cấp tính.

Khi có cơn đau tim xảy ra, nồng độ troponin T trong máu bắt đầu tăng trong vòng 2 đến 4 giờ sau khi khởi phát tổn thương tim, và tiếp tục tăng trong khoảng 2 tuần sau đó.

Troponin T cũng được chỉ định cho phân tầng nguy cơ ở những bệnh nhân có biểu hiện hội chứng mạch vành cấp và nguy cơ tim mạch ở những bệnh nhân bị suy thận mạn tính.

Ngoài ra, nồng độ troponin T có thể tăng trong một số trường hợp:

- Suy tim.

- Viêm cơ tim.

- Chấn thương ngực kín.

- Suy thận hoặc bệnh thận mạn tính…

Giá trị tham chiếu ở người khỏe mạnh của troponin T là < 14 ng/L và phụ thuộc vào độ tuổi.

NT-proBNP

Là sản phẩm thủy phân trong máu của BNP – một protein có trong các tế bào cơ tim của tâm nhĩ và tâm thất sản xuất khi có tình trạng tăng gánh áp lực hay thể tích gây giãn buồng tim. Do đó, nó được sử dụng để chẩn đoán, phân tầng mức độ nghiêm trọng và theo dõi diễn biến của bệnh suy tim.

Ngoài tăng trong bệnh lý suy tim, NT-proBNP còn tăng trong một số bệnh lý:

- Bệnh cơ tim.

- Bệnh van tim.

- Rối loạn nhịp nhĩ.

- Suy thận hoặc bệnh thận mạn tính.

Giá trị tham chiếu ở người bình thường của NT-proBNP thay đổi theo độ tuổi:

Dưới 50 tuổi là 50 pg/mL.

Từ 50-75 tuổi là 75-100 pg/mL

Trên > 75 tuổi là 250-300 pg/mL

Điểm cắt chung cho cả hai giới là 125 pg/mL.

- Điểm cắt tối ưu để loại trừ suy tim mạn là NT-proBNP < 125 pg/mL.

- Điểm cắt tối ưu loại trừ suy tim cấp khi khó thở, NT-proBNP < 300 pg/mL.

CK và CK-MB

CK (Creatine kinase) là một enzyme xúc tác cho phản ứng chuyển creatine thành phosphocreatine với sự tham gia của một phân tử ATP. Enzym này được tạo thành từ 2 chuỗi polypeptide M và B có nguồn gốc khác nhau, chuỗi M có nguồn gốc từ cơ (muscle) và chuỗi B có nguồn gốc từ não (brain). Sự tổ hợp của hai chuỗi M và B tạo thành 3 dạng đồng phân (isoenzym) là CK-MM, CK-MB và CK-BB.

Ở cơ xương, CK-MB chiếm tỷ lệ rất thấp chỉ khoảng 2%, trong khi ở cơ tim, CK-MB chiếm tới 25-30%. Trong máu người khỏe mạnh, CK chủ yếu tồn tại ở dạng CK-MM và chỉ khoảng 2-3% ở dạng CK-MB. Khi có tình trạng hủy hoại tế bào cơ tim, CK-MB sẽ được giải phóng nhanh chóng vào máu. Vì vậy, định lượng CK và CK-MB trong máu sẽ giúp phát hiện sớm nhồi máu cơ tim và phân tầng nguy cơ ở bệnh nhân đau thắt ngực.

Ngoài ra, CK và CK-MB còn tăng trong một số trường hợp như:

- Viêm cơ tim.

- Chấn thương ngực kín.

- Tiêu cơ vân.

- Suy thận.

Giá trị tham chiếu cho người khỏe mạnh: Hoạt độ CK toàn phần là 38-174 U/L (nam giới) và 26-140 U/L (nữ giới); nồng độ CK-MB là 0-5,2 ng/ml (nam giới) và 0-3,4 ng/ml (nữ giới).

LDH

LDH (Lactate Dehydrogenase) là một enzym tồn tại trong nhiều mô - cơ quan trong cơ thể, tham gia vào phản ứng chuyển đổi hai chiều của phân tử pyruvate thành lactate hoặc ngược lại. Loại enzym này có 5 dạng đồng phân (isoenzym):

LDH-1: Cơ tim và hồng cầu.

LDH-2: Hệ thống lưới nội mô.

LDH-3: Phổi.

LDH-4: Thận, tụy và rau thai.

LDH-5: Gan và cơ vân.

Khi có sự tổn thương của các mô cơ quan trên, sẽ xảy ra hiện tượng giải phóng LDH vào hệ tuần hoàn, gây tăng nồng độ của enzym này trong máu. Định lượng nồng độ LDH sẽ giúp chẩn đoán các bệnh lý của những mô - cơ quan đó.

Những nguyên nhân thường gặp gây tăng LDH trong máu:

- Tổn thương tim: Nhồi máu cơ tim, viêm cơ tim…

- Tổn thương gan: Viêm gan vi rút, viêm gan do rượu, ngộ độc gan, ung thư gan …

- Tổn thương thận: Suy thận cấp, ngộ độc thận, nhồi máu thận…

- Các bệnh lý khác: Viêm tụy cấp, tiêu cơ vân, tắc mạch phổi…

Do LDH có thể tăng trong nhiều bệnh lý nên việc sử dụng xét nghiệm này phụ thuộc rất nhiều vào trình độ của bác sĩ trong quá trình thăm khám và điều trị. Trong bệnh lý COVID-19 và tình trạng hậu COVID, khi thăm khám phát hiện các dấu hiệu như đau ngực, khó thở, rối loạn nhịp tim… cần chỉ định các xét nghiệm phù hợp, nếu kết quả có tăng các dấu ấn sinh học như troponin T, NT-proBNP, CK, CK-MB, LDH, cần nghĩ ngay đến nguy cơ bệnh nhân đang có các tổn thương của hệ thống tim mạch.

Giá trị tham chiếu của LDH cho người bình thường là 135 - 225 U/L.

Lưu ý, các giá trị tham chiếu của các xét nghiệm nêu trên có thể thay đổi ở các phòng xét nghiệm khác nhau do một số nơi sử dụng các phương pháp đo khác nhau, trên các loại ống nghiệm khác nhau.

Bác sĩ chuyên khoa I Vũ Bá Quang

(Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt Phúc Yên)

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/suc-khoe-doi-song/81786/nhung-xet-nghiem-phat-hien-som-ton-thuong-tim-mach-hau-covid-19.html