Những việc làm thiết thực của bộ đội Lâm trường 155

Đi cùng cán bộ, nhân viên Lâm trường 155 (Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 327, Quân khu 3), chúng tôi đến tham quan mô hình trồng cam của gia đình bà Nông Thị Chương, người dân tộc Tày, trú tại bản Đồng Thắng, xã Đồng Văn (Bình Liêu, Quảng Ninh).

Dẫn chúng tôi ra vườn cam có hơn 300 gốc, cây nào cũng xanh tốt, trĩu quả, xen giữa niềm vui, ký ức về một thời nghèo khó, vất vả trong bà Chương lại ùa về. Gia đình bà Chương có 4 người, chồng thường xuyên đau yếu và mất năm 2020, một mình bà Chương xoay xở đi rừng, trồng ngô, trồng sắn để kiếm sống.

Cán bộ và trí thức trẻ tình nguyện Lâm trường 155 giúp người dân bản Đồng Thắng, xã Đồng Văn chăm sóc vườn cam thương phẩm.

Bệnh tật cùng với nghèo đói cứ bủa vây từ năm này sang năm khác mà bà không có cách nào thoát ra. Trước hoàn cảnh khó khăn của bà Chương, năm 2017, địa phương đã hỗ trợ bà cây cam giống để phát triển kinh tế, nhưng bà không đủ sức và cũng không biết kỹ thuật trồng, chăm sóc cam ra sao. Biết chuyện, Lâm trường 155 cử cán bộ, nhân viên thường xuyên đến chia sẻ kỹ thuật trồng trọt, hỗ trợ phân bón, giúp đỡ việc chăm sóc, thu hoạch cam. Sau 5 năm, gia đình bà Chương đã có vườn cam phát triển tốt, mỗi năm cho lãi hàng chục triệu đồng. Mời khách thưởng thức những trái cam chín vàng, ngọt đậm hái ở vườn nhà, bà Chương chia sẻ: “Nhờ các chú bộ đội Lâm trường 155 hướng dẫn, giúp đỡ gia đình trồng cây cam canh, thu hoạch được nhiều quả nên tôi xây được nhà mới rồi đấy. Ngày xưa nhà sàn dột nát, cơm chẳng đủ ăn, tôi phải đi vay gạo, vay ngô quanh năm, giờ đỡ khổ rồi”.

Ngoài gia đình bà Nông Thị Chương, thực hiện Chương trình “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, thời gian qua, Lâm trường 155 đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương đóng góp hơn 2.000 ngày công và hỗ trợ hơn 300 triệu đồng xây dựng hàng trăm nhà vệ sinh tự hoại, chuồng trâu kiên cố; giúp hai gia đình thực hiện mô hình kinh tế điểm, củng cố chuồng trại chăn nuôi, chăm sóc vườn cây ăn quả cùng nhiều việc làm ý nghĩa khác. Thời gian tới, đơn vị tiếp tục khảo sát, phối hợp với địa phương xây dựng kế hoạch phấn đấu giúp các xã trên địa bàn đóng quân sớm đạt các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, bản làng văn hóa. Đồng chí Tằng Vằn Dào, Phó chủ tịch UBND xã Đồng Văn cho biết: “Lâm trường 155 giúp người dân trong xã nâng cao nhận thức, từ bỏ nhiều hủ tục, vươn lên phát triển kinh tế. Đây là những việc làm thiết thực giúp đời sống người dân ngày một nâng cao, góp phần để tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của xã luôn ổn định”.

Bài và ảnh: PHẠM QUYẾT

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/nhung-viec-lam-thiet-thuc-cua-bo-doi-lam-truong-155-768737