Những vấn đề ngành xuất bản phương Tây đang gặp phải

Những phàn nàn về khối lượng công việc quá tải, số lượng người bỏ việc, chuyển ngành tăng cao, làm dấy lên những câu hỏi về sự bất mãn trong ngành xuất bản phương Tây.

Theo nhiều tiếng nói trong ngành, nguyên do cho sự bất mãn diện rộng này không đơn giản. Sự phát triển của xã hội, sự chuyển mình trong mô hình ngành và văn hóa làm việc kẹt giữa nhiều xung đột quan điểm, những vấn đề đặt ra thách thức mới cho ngành xuất bản.

Tỉ lệ nhân lực bất mãn trong ngành xuất bản tăng cao thời gian gần đây. Ảnh: Jeff Drew.

Mâu thuẫn thế hệ

Nhiều giám đốc điều hành và quản lý không hài lòng trước những ý kiến cho rằng công việc trong ngành xuất bản đang căng thẳng và vất vả hơn. Cuộc tranh luận dường như xoay quanh những câu hỏi khó có lời giải: Các CEO đương nhiệm có đạt được vị trí hiện tại bằng cách sẵn sàng làm những công việc khó nhằn hơn không? Có phải các trợ lý biên tập chỉ đơn thuần được sinh ra trong một thời đại bình ổn hơn và không quen với áp lực?

Nhiều nguồn tin - đặc biệt là từ những bậc lão thành - cho rằng những gì đang xảy ra trong ngành xuất bản là một phần của một mâu thuẫn chung giữa thế hệ baby boomer và Gen X, giữa thế hệ millennial và Gen Z… Họ cho rằng đó là cuộc đụng độ muôn thuở giữa các cấp trên nghiêm nghị và một thế nhóm trẻ thẳng thắn, tin vào lý tưởng thiếu thực tế về bản chất công việc.

Ngoài cuộc khảo sát lương hàng năm của Publishers Weekly, có rất ít dữ liệu về mức lương trong ngành.

Năm 2013, tại Mỹ, mức lương trung bình của nam giới trong ngành xuất bản là 78.000 đôla, của nữ giới là 59.000 đôla. Những khảo sát năm 2021 cho thấy mức lương vẫn gần như không thay đổi: nam giới thu nhập 80.000 đôla một năm, nữ giới thu nhập 62.750 đôla một năm.

Năm nào cũng vậy, người ta phàn nàn về mức lương trong ngành tăng dưới 3% một năm, gần như không khỏa lấp được mức lạm phát nhẹ nhất trong năm 2022.

Ở Mỹ, nhiều người mới vào ngành trầy trật để sinh sống khi còn phải đối diện với giá nhà tăng cao cộng khoản nợ sinh viên. Khảo sát lương của Publishers Weekly trong năm 2021 cho thấy đến nay, vấn đề lương lậu là điều khiến nhiều người trăn trở hơn cả, sau đó mới đến con đường thăng tiến gập ghềnh và khối lượng công việc quá tải.

Theo một số nguồn tin, tình hình kinh tế khó khăn hiện nay quả có đặt áp lực lớn lên lớp nhân lực trẻ, nhưng con đường thăng tiến không thay đổi, vẫn có những người gắn bó, leo được lên vị trí tốt với mức lương cạnh tranh.

Một giám đốc điều hành của một công ty lớn bức xúc: “Thanh niên trong công ty tôi phàn nàn về mức lương bèo bọt và yêu cầu công việc cao cả thập kỷ nay. Chúng tôi có người vượt qua chương trình đào tạo đó, có người cáo lui. Nhưng những ai ở lại đều có được một vị trí với thu nhập tốt”.

Ngoài ra, vị giám đốc cũng nhận định rằng ngành công nghiệp nào liên quan đến văn hóa - nghệ thuật cũng đều trả lương rẻ mạt ở cấp thấp. Điện ảnh, nhạc kịch, bảo tàng, báo chí, không ngành nào là ngoại lệ.

Cách biệt sắc tộc

Một chủ đề mà thế hệ trẻ đặc biệt kiên quyết đẩy mạnh là sự đa dạng (về mặt chủng tộc, giới tính…). Mặc dù sự thiếu đa dạng trong ngành xuất bản đã thành đề tài bàn tán trong nhiều thập kỷ, nhưng phạm vi của sự chênh lệch này đáng chú ý hơn cả vào năm 2015. Theo một bản báo cáo của nhà xuất bản Lee & Low, 70% nhân lực trong nhà xuất bản năm 2015 là người da trắng. Và theo Publishers Weekly, 87% nhân lực trong ngành khi ấy là người da trắng.

Kể từ đó, các nhà xuất bản đã cố đa dạng hóa bằng các chính sách tuyển dụng. Các ủy ban và phòng ban hoạt động cho sự đa dạng, công bằng và hòa nhập đã được tạo ra. Nhiều học bổng dành cho người da màu được lập nên nhằm thu hút đa dạng các nhóm cộng đồng gia nhập ngành xuất bản. Thậm chí, người ta còn thành lập ra cả đầu mục sách do tác giả da màu viết. Về cơ bản, nhiều nhà xuất bản đã nhận thấy họ cần thay đổi.

Nhưng vấn đề sắc tộc thì liên quan gì đến các tranh luận hiện tại về sự bất mãn trong ngành?

Những người còn làm trong ngành cho biết các vấn đề đang chồng chéo lên nhau. Một biên tập viên da màu cho biết các chính sách đôi khi lại tách biệt nhóm da màu ra khỏi da trắng, người da màu thường xuyên phải đứng ra trả lời các câu hỏi về sắc tộc. Những nhân viên này thường xuyên phải làm thêm những công việc tuyên truyền mà không được trả thêm.

Mặc dù một số nhà xuất bản đã tăng mức lương đầu vào lên khoảng 45.000 đôla mỗi năm, nhiều người khẳng định mức lương khởi điểm kết hợp với khối lượng công việc nặng nề đang khiến người da màu rời bỏ ngành xuất bản. Nhiều người cho rằng, do khoảng cách giàu nghèo giữa các chủng tộc, người da màu thường không có khát vọng đạt được những vị trí lương thấp nhưng có những đặc quyền đáng nể.

Ngoài ra, không có dữ liệu liên quan đến tình trạng kiệt sức, hay phàn nàn gì từ nhân lực da màu. Điều này cũng gợi lên những tranh luận chung về vấn đề sắc tộc trong ngành.

Những người trẻ tập tành biên tập thường chỉ được làm trợ lý. Ảnh: Orbandomonkos.

Trở ngại trong chặng đường thăng tiến

Nhiều người mới vào ngành cho biết họ không chỉ băn khoăn về mức lương, mà còn là việc mất bao lâu họ mới có được một vị trí tốt hơn.

Theo một quản lý tác giả, gần như rất khó để người ta leo lên vị trí biên tập viên. Những người trẻ tập tành biên tập thường chỉ được làm trợ lý, đọc bông 2, bông 3 trong nhiều năm.

Ngoài ra, yêu cầu công việc cũng bị cho là không rõ ràng. “Không có tiêu chuẩn nào cho tôi biết tôi phải đáp ứng cái gì. Chỉ đơn giản là bạn làm ổn hoặc không”, một biên tập trẻ mới rời ngành cho biết.

Trong ngành xuất bản hay bất cứ ngành nào khác, cách dễ nhất để thăng chức là nhảy việc, đổi công ty. Giờ đây, số nhà xuất bản tồn tại để lựa chọn ít hơn xưa, người ta bị buộc phải ở lại chức vụ của mình lâu hơn, đẩy thế hệ trẻ vào trạng thái khó thăng tiến hơn nữa.

Năm 2013, Random House sáp nhập Penguin Group, năm nay, Penguin Random House muốn mua lại cả Simon & Schuster. Số nhà xuất bản lớn giảm từ 6 xuống 4. Trước lo ngại về sự độc quyền, nhiều người còn cho rằng giờ chỉ có một nhà xuất bản lớn thôi. Không những thế, các nhà xuất bản nhỏ hơn cũng đang thực hiện sáp nhập. Năm ngoái, HarperCollins mua lại Houghton Mifflin Harcourt.

Mặc dù các nhà xuất bản né những thảo luận liên quan đến số công việc bị cắt giảm trong quá trình sáp nhập, nhưng sự thật là mỗi lần sáp nhập lại có những vị trí bị sa thải.

Trong phiên tòa xét xử cấp cao gần đây về nỗ lực của chính phủ nhằm ngăn chặn việc Penguin Random House mua lại Simon & Schuster, ta được tiết lộ rằng Penguin Random House mong muốn đạt được mức tiết kiệm chi phí 81 triệu đôla vào năm 2025 bằng cách sáp nhập hai công ty.

Công ty không cần nói cụ thể là tiết kiệm bằng cách nào, mà chỉ mập mờ phân ra 25 triệu đôla tiết kiệm từ việc phân phối, 25 triệu đôla tiết kiệm từ việc giảm những chức năng trùng lặp trong khâu quản lý và hành chính, 31 triệu đôla còn lại từ việc loại bỏ các hợp đồng của bên thứ ba.

Robert Gottlieb, Chủ tịch Cơ quan Văn học Trident Media Group, cho biết sự hợp nhất ổn định trong ngành đã dẫn đến nhiều sự thay đổi trong vài thập kỷ qua. Khi xuất bản đã phát triển “từ một ngành công nghiệp tiểu thủ công nghiệp thành công ty đa quốc gia, kỳ vọng của các nhà xuất bản về lợi tức đầu tư của họ đã trở nên đáng kể hơn nhiều so với 30-40 năm trước”.

Chi phí chung đã tăng lên và các hoạt động văn phòng giảm dần. Gottlieb cho rằng một số vị trí trở nên khó thay thế. “Về mặt biên tập, sẽ ít khó khăn hơn nếu bạn có danh tiếng và đã xuất bản rất nhiều sách”, ông nói thêm.

Không phủ nhận rằng số lượng nhà xuất bản mới mọc lên cũng nhiều, nhưng vấn đề là mức lương ở các nhà xuất bản nhỏ thậm chí còn kém hơn khi so với các đối thủ khổng lồ.

Minh Hùng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-van-de-nganh-xuat-ban-phuong-tay-dang-gap-phai-post1354771.html