Những vấn đề nan giải của EU năm 2024

Dưới đây là những yếu tố sẽ quyết định 'bộ mặt' của EU trong năm bầu cử 2024.

Câu hỏi hiện nay là liệu EU có tiếp tục sát cánh cùng Ukraine trong năm 2024 hay không. Ảnh: DW

Với cuộc xung đột Nga – Ukraine, khả năng trở lại Nhà Trắng của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump hay những thay đổi trong chính sách của chính khối, EU có rất nhiều việc phải làm trong năm 2024, theo Đài phát thanh và truyền hình quốc tế Deutsche Welle của Đức.

Cuộc xung đột ở Ukraine

Đa số các quốc gia thành viên của EU đã nhiều lần cam kết sẽ giúp đỡ Ukraine trong chừng mực có thể để nước này có khả năng tự vệ trước Nga. Các nhà lãnh đạo EU nhìn chung đồng ý rằng chiến thắng của Nga sẽ gây nguy hiểm cho an ninh của EU. Nhưng câu hỏi bây giờ là liệu họ có tiếp tục sát cánh cùng Ukraine trong năm 2024 hay không.

Những tuần gần đây đã chứng kiến nhiều cuộc thảo luận về tình trạng mệt mỏi vì xung đột và tình đoàn kết suy yếu ở Brussels. Các quốc gia thành viên EU đang gặp khó khăn trong việc nhất trí ký kết hỗ trợ tài chính mà EU đã tuyên bố. Cách tiếp cận hiện tại, tùy thuộc vào Ukraine trong việc quyết định có nên đàm phán với Moskva hay không, có thể bị đặt dấu hỏi trong năm 2024 này.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết vào tháng 11 năm ngoái: “Mục tiêu đầu tiên phải là tiếp tục nỗ lực vì một nền hòa bình công bằng và lâu dài chứ không phải một cuộc xung đột đóng băng khác. Cách tốt nhất để mang lại cho Ukraine sự ổn định và thịnh vượng trong trung và dài hạn tất nhiên là trở thành thành viên của EU ”.

Mở rộng EU

Hầu hết tất cả các quốc gia thành viên đều nói rằng họ muốn thấy Ukraine gia nhập khối, nhưng các nhà lãnh đạo riêng tư thừa nhận rằng bà Leyen có thể đã đi quá xa và quá nhanh. Ukraine và Moldova chuẩn bị bắt đầu các cuộc đàm phán gia nhập chính thức vào năm 2024. Nhưng việc Ukraine bị xung đột tàn phá hội nhập vào EU có thể gây ra tổn thất to lớn cho các quốc gia thành viên hiện tại.

Ngay cả những nước ủng hộ thân cận nhất của Ukraine, Ba Lan và các nước thành viên EU vùng Baltic, dường như cũng bắt đầu lạnh nhạt. Họ có thể chuyển từ người nhận ròng (ngân sách của EU) sang người trả ròng trong ngân sách của khối. Ở hậu trường, các quan chức EU đang cố gắng xoa dịu những lo ngại. Họ cho biết các cuộc đàm phán có thể bắt đầu nhưng việc gia nhập có thể mất nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ.

Các quốc gia phía Tây Balkan vẫn đang chờ trở thành thành viên EU. Ảnh: eunews.it

Tất cả 6 quốc gia phía Tây Balkan vẫn đang chờ trở thành thành viên EU đều muốn theo bước Croatia, quốc gia tiên phong trong khu vực và gia nhập khối. Một số nước đã chờ đợi suốt 20 năm và hiện đang nghi ngờ theo dõi tiến trình của Ukraine và Moldova.

Montenegro, Albania và Bắc Macedonia dự kiến sẽ nhận được ngày gia nhập tạm thời, một phần để giảm thiểu ảnh hưởng ngày càng tăng của Nga và Trung Quốc ở vùng Balkan. Đối với Serbia và Kosovo, triển vọng gia nhập có vẻ kém khả quan hơn do xung đột dai dẳng giữa hai bên đang cản trở tiến trình của họ.

Trong khi đó, Bosnia-Herzegovina đang nỗ lực thoát khỏi tình trạng một nhà nước hỗn loạn. Trở ngại lớn nhất ở đây là xung đột giữa người Serbia ở Bosnia và các nhóm dân tộc khác.

Các vấn đề nội bộ của EU

Trong khi chờ gia nhập, EU có công việc nội bộ cần thực hiện. Cần có những thay đổi trong quá trình ra quyết định và tài chính.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từ lâu đã lập luận rằng chỉ có một EU độc lập, mạnh về kinh tế mới có thể tiếp nhận các thành viên mới. Chính phủ Đức đã đề xuất đưa ra quyết định theo đa số, thay vì đồng thuận, một yêu cầu hiện nay thường là nguyên nhân gây ra sự trì hoãn tại các hội nghị thượng đỉnh EU.

Các nhà ngoại giao EU cho biết vẫn chưa rõ liệu có bất kỳ thay đổi nào được thực hiện vào năm 2024 hay không. Việc bãi bỏ sự đồng thuận sẽ đòi hỏi phải có quyết định nhất trí từ tất cả các quốc gia thành viên. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, EU đã không thể đảm bảo được sự đồng thuận của hai quốc gia thường phản đối nổ tiếng là Hungary và Ba Lan, những nước thường xuyên sử dụng quyền phủ quyết của mình.

Cựu Tổng thống Donald Trump tại phòng xử án của Tòa án tối cao bang New York. Ảnh: DW

Khả năng trở lại nắm quyền của Donald Trump

Tùy thuộc một phần vào kết quả của một loạt các cáo trạng đang diễn ra tại tòa án, khả năng trở lại Nhà Trắng của ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump sẽ là một vấn đề đau đầu đối với EU và nhiều thành viên NATO. EU có thể mất Mỹ với tư cách là đồng minh thân cận nhất trong thương mại, hỗ trợ Ukraine và răn đe Nga.

Phòng Thương mại Đức-Mỹ lo ngại rằng ông Trump tái đắc cử sẽ áp đặt thuế quan trừng phạt đối với thương mại với các thành viên EU. Đổi lại, EU sẽ phải tăng thuế hải quan và thuế. Khối lượng thương mại có thể sẽ giảm và tăng trưởng kinh tế sẽ bị hạn chế.

Bầu cử EU

Vào tháng 6 năm nay, cử tri trên toàn EU sẽ tham gia bỏ phiếu để bầu ra Nghị viện châu Âu. Lần trước, chỉ có khoảng một nửa số cử tri đủ điều kiện đi bầu. Đảng Nhân dân châu Âu trung hữu dự kiến sẽ một lần nữa trở thành nhóm lớn nhất trong Nghị viện châu Âu.

Theo cuộc thăm dò ý kiến của Eurobarometer, vấn đề lớn nhất đối với cử tri là tình hình kinh tế của từng nước thành viên và mức sống của họ. Xung đột ở Ukraine, tình trạng di cư và sự mở rộng của EU đều có ảnh hưởng khi cử tri đưa ra lựa chọn của mình.

Bà Leyen có thể tiếp tục nhiệm kỳ thứ hai với tư cách là chủ tịch Ủy ban châu Âu. Nhưng trước tiên, bà phải được chính phủ 27 nước thành viên đề cử và sau đó được Nghị viện châu Âu xác nhận.

Vũ Thanh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/nhung-van-de-nan-giai-cua-eu-nam-2024-20240104185229209.htm