Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi (Kỳ 48)

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách 'Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi' của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành.

Kỳ 48.

XVI. CONGO-NHỮNG TRANG LỊCH SỬ

1. Cộng hòa dân chủ Congo.

Cộng hòa dân chủ Congo còn được gọi là nhà nước tự do Congo, Congo thuộc Bỉ, Congo –Leopoldville hay Congo Kinshasa vì thủ đô là Kinshasa, hay Zaire. Cộng hòa dân chủ Congo nằm ở miền Trung châu Phi, giáp Congo Brazavile (Cộng hòa Congo) ở phía Tây, Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan ở phía Bắc, Uganda, Rwanda, Burundi, Tanzania ở phía Đông, Zabia và Angola ở phía Nam và Đại Tây Dương. Cộng hòa dân chủ Congo là nước lớn thứ hai ở châu Phi với diện tích 2.345.000 km2, dân số 52.000.000 người, trong đó khoảng 14.000.000 người Bantu và tộc người Pygmy thuộc Đại chủng Negróit, còn có người Luba, Mongo, Congo, Hamitich, Sudan, và một số người châu Âu. Ngôn ngữ chính là tiếng Pháp, còn có 400 ngôn ngữ địa phương, 48% cư dân theo đạo Thiên Chúa, 30% theo đạo Tin Lành, còn lại theo tôn giáo dân gian vạn vật hữu linh, 55,8% cư dân sống ở nông thôn, 44,2 % cư dân đô thị. Thủ đô Kinshasa khoảng 5.000.000 người. Nông nghiệp là trụ cột của nền kinh tế Congo. Tổng sản phẩm quốc dân GDP 5584 triệu USD, Tổng sản phẩm quốc dân tính theo đầu người 300 USD (2011). Đồng Frăng CFA là đơn vị tiền tệ của nước Cộng Hòa.

Châu Phi nói chung và Cộng hòa dân chủ Congo là một trong những cái nôi của loài người, tức là nơi cách ngày nay hàng triệu năm có một loài vượn đặc biệt chuyển biến thành người. Cộng hòa dân chủ Congo trải qua quá trình lâu dài hình thái kinh tế xã hội nguyên thủy với những cộng đồng người thị tộc, bộ lạc và liên minh bộ lạc. Vào thế kỷ XIV-XV trên đất Congo Kinshasa xuất hiện hai vương quốc của người Bantu và Kuba, Đó là vương quốc Congo được thành lập trên phần lãnh thổ phía Bắc Angola hiện nay, bên vùng cửa sông Congo, vương quốc của người Luba được thành lập từ thế kỷ XVI-XVII trong vùng cao nguyên Katanga, bao gồm một phần của vùng Kasai. Các vương quốc này đã gây chiến tranh với nhau để tranh giành quyền lực, đất đai, góp phần làm cho Congo suy tàn kiệt quệ.

Trên con đường chủ nghĩa thực dân thăm dò và xâm lược châu Phi, thế kỷ XV người Bồ Đào Nha đã dặt chân tới châu lục này. Năm 1482 nhà hàng hải Bồ đào nha, Điôgô Camđe đã đến Congo. Tiếp theo các nhà thám hiểm là bọn con buôn Bồ Đào Nha đã lập thương điếm ở Congo để buôn bán, đặc biệt là việc săn bắt người da đen khỏe mạnh bán sang châu Mỹ làm nô lệ khai thác mỏ vàng, mỏ bạc, lao động ở các đồn điền. Suốt ba thế kỷ từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX, các cường quốc châu Ấu đã bắt tới 40 triệu người châu Phi đưa sang châu Mỹ, những người bị bắt đi là những thanh niên nam nữ, những tinh hoa của châu Phi. Nghề buôn bỉ ổi này đã làm châu Phi suy kiệt. Chiến tranh và nạn săn bắt người đã làm Congo xơ xác, điêu tàn.

Sau khi Bồ Đào Nha suy yếu, thực dân Bỉ nhòm ngó Congo. Năm 1885 Congo bị biến thành thuộc địa của vua Bỉ Lêôpôn II với tên gọi Nhà nước Congo tự do, là tài sản riêng của cá nhân vua Bỉ. Leopon đã thâu tóm một gia tài khổng lồ từ ngà voi và cao su do sự bóc lột nhân dân Congo. Năm 1908, Congo trở thành thuộc địa của Bỉ. Cũng như các thuộc địa của các nước khác, sự thống trị của Bỉ ở Congo cũng chẳng kém phần tàn khốc. Bỉ giữ độc quyền vơ vét sản xuất cao su ở đây. Hàng năm mỗi người dân Congo phải nộp một số lượng cao su nhất định, nếu không sẽ bị trừng phạt nặng. Những người Congo bị cấm bán cao su ra ngoài. Các làng không nộp cao su, Bỉ đưa quân đội tới càn quét đàn áp. Họ bị quân đội ăn thịt hoặc bị đưa ra hành hình. Congo có nguy cơ tuyệt chủng. Khi Bỉ mới xâm lược dân số Congo khoảng 20 triệu, đến đầu thế kỷ XX chỉ còn khoảng 10 triệu [1]. Bỉ đã xây dựng đường sắt để chuyên chở sản phẩm khai thác từ hầm mỏ và các đồn điền về chính quốc . Cư dân thành thị, công nhân ra đời và phát triển làm xuất hiện các phong trào dân tộc chủ nghĩa. Sự thống trị và bóc lột tàn bạo của Bỉ đã làm cho nhân dân Congo căm thù và liên tục đấu tranh chống lại, nhất là ở miền Nam, nhưng những cuộc đấu tranh đã bị Bỉ đàn áp. Pháp cũng đã chiếm được một phần lưu vực sông Congo, dọc hữu ngạn sông này và chi nhánh của nó là sông Ubangia.

Đại chiến thế giới thứ hai (1939-1945) kết thúc mở ra một giai đoạn mới cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc thuộc địa Á-Phi. Như một phản ứng dây chuyền, phong trào từ châu Á lan sang châu Phi thành một cơn bão táp. Ở Bắc Phi phong trào bùng nổ sớm nhất và mạnh mẽ. Những năm 50 thế kỷ XX Bắc Phi đã giành được độc lập. Ở Tây Phi phong trào lên mạnh từ những năm 70. Từ 1957 đến 1960 hầu hết các nước Tây Phi đã giành được độc lập. Tiếp đó trong thời gian này, châu Phi xích đạo và Đông phi cũng đã ra đời những quốc gia độc lập. Ở Trung Phi, cuộc đấu tranh diễn ra quyết liệt và phức tạp do vị trí quan trọng về kinh tế, chính trị, quân sự của vùng đất này và do bản chất xảo quyệt ngoan cố của các cường quốc thực dân. Ở Congo Kinshasa phong trào lên cao buộc Bỉ phải tiến hành đàm phán, cho tiến hành tuyển cử để nhân dân chọn ra chính phủ dân tộc. “Phong trào dân tộc Congo” do Lumumba lãnh đạo đã giành thắng lợi trong tuyển cử. Lumumba đã thành lập chính phủ độc lập đầu tiên của Congo. Nhưng vùng Katanga dưới sự lãnh đạo của Moise Tschombe tuyên bố li khai khỏi Congo. Chính quyền trung ương lại chia thành hai phái, một ủng hộ thể chế liên bang của Tổng thống Kasanubu, một phái ủng hộ chế độ hợp nhất của thủ tướng Lumumba. Congo lâm vào cuộc nội chiến phe phái. Tháng 7-1960 quân đội Bỉ trở lại xâm lược Congo. Thủ tướng Lumumba đã kêu gọi sự giúp đỡ của Liên hợp quốc. 1961 Liên hợp quốc gửi quân can thiệp vào Congo. Quân đội Mỹ đã tràn vào tước vũ khí của quân đội Bỉ. Nhưng Thủ tướng Lumumba bị ám sát 1961 . Caravuba lên làm Tổng thống. Năm 1965 lực lượng thân Mỹ đã làm đảo chính lật đổ tổng thống Caravuba, đưa Môbutu lên làm Tổng thống, đổi tên nước từ Cộng hòa Congo (1960) thành Cộng hòa Zaie từ ngày 1-10-1971 (dòng sông nuốt chửng các dòng sông-tiếng Bồ Đào Nha). Năm 1977, đất nước đứng trước phong trào đòi ly khai ngày càng mạnh mẽ. Mobutu buộc phải kêu gọi sự giúp đỡ của Pháp. Năm 1990 phong trào phản đối ngày càng mạnh mẽ buộc Tổng thống Mobutu từ chức . 1994 khoảng một triệu người Hutu và Rwanđa sang tị nạn ở miền Đông Congo, làm cho cuộc khủng hoảng chính trị càng thêm trầm trọng. Năm 1997 chế độ Mobutu sụp đổ do sự tấn công của phong trào “Liên minh các lực lượng phong trào giải phóng Zaire do Laurent Desire Kabila lãnh đạo. L. Cabila lên làm Tổng thống và đổi tên nước là Cộng hòa dân chủ Congo. Nhưng Liên minh các lực lượng phong trào giải phóng Zaire chia rẽ. Các lực lượng của chính liên minh này đã nhờ sự giúp đỡ của Rwanda và Uganda chống lại chính quyền trung ương của Tổng thống L. Kabila. Đất nước lại rơi vào cuộc chiến tranh mới. Tháng 1 năm 2001 Tổng thống L. Kabila bị ám sát. Con trai ông là Joseph Kabila lên lãnh đạo đất nước.

Tổng thống Joseph Kabila tiến hành các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt nội chiến. Tháng 4 năm 2002 chính phủ đồng ý chia sẻ quyền lực với quân nổi dậy do Rwanda và Uganda hậu thuẫn. Tháng 7 năm 2002 Cộng hòa dân chủ Congo và Tổng thống Rwanda ký một Hiệp ước. Theo đó Rwanda rút 35.000 quân khỏi biên giới phía Đông của Cộng hòa dân chủ Congo, phía Cộng hòa dân chủ Congo sẽ giải giáp vũ khí của hàng nghìn dân quân Hutu đóng trên lãnh thổ nước này, một lực lượng đang đe dọa đến an ninh của Rwanda (nhiều người trong số họ đã tham gia vào cuộc diệt chủng người Tutsi Rwanda năm 1994). Tháng 9 năm 2002 Uganda và Cộng hòa dân chủ Congo ký hiệp định hòa bình.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/nhung-van-de-lich-su-trung-dong-va-chau-phi-ky-48-a23740.html