Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi (Kỳ 44)

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách 'Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi' của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành.

Kỳ 44.

MA LI-NHỮNG TRANG LỊCH SỬ

1.Tổng quan về Mali

Cộng hòa Mali là một quốc gia lớn nhất miền Tây châu Phi, có diện tích thứ 24 thế giới và thứ 8 châu Phi, rộng 1.240.000 km2. Phía Bắc giáp Algerie, phía Đông giáp Niger, phía Nam giáp Burkina Faso, Cootedtvoire, phía Tây Nam giáp Guinee, phía Tây giáp Senegal và Mauritania. Dân số Mali khoảng hơn 14 triệu người. Thủ đô Bamako khoảng gần 1 triệu dân. Hơn 10% cư dân Mali sống du mục, dân cư đô thị khoảng 25,5%, dân cư nông thôn khoảng 74,5%. Hơn 90% cư dân sống ở miền Nam vì điều kiện thiên nhiên thuận lợi. Tỉ lệ dân số tăng hàng năm khoảng 2,7%.

Dân tộc quốc gia Mali bao gồm nhiều dân tộc tộc người thuộc đại chủng Negroit (Đại chủng da đen). Vì thế nên các tộc người ở Mali có những nét tương đồng về văn hóa, ngôn ngữ và lịch sử.

Tộc người Bambara chiếm tỉ lệ đông đúc trong cư dân, khoảng 36,5% dân số Mali. Các tộc người Soninke, Khassonke và Mande chiếm 13,5%. Các tộc người quan trọng khác là peul (17%), Voltaic (12%), Songhai (6%), người Touareg, người Moor (10%)[1]. Các tộc người trong quốc gia sống thân thiện hòa hợp với nhau. Chỉ có quan hệ giữa hai tộc người là Songhai và Touareg là căng thẳng. Trong gần 5 thập kỷ qua do hạn hán, đất nhiều vùng không mọc cỏ, nhiều người trong tộc người Touareg đã từ bỏ lối sống du mục của mình.

Quốc gia Mali thuộc dân số trẻ. Khoảng 48 % dân số dưới tuổi 15, từ 15 đến 64 tuổi chiếm 49%, 65 tuổi hay già hơn nữa chiếm 3%. Tuổi thọ trung bình khoảng 15,9 năm. Mali là một trong những quốc gia có trẻ sơ sinh chết cao nhất thế giới với 106 trẻ tử vong trên 1.000 trẻ sơ sinh trong năm 2007 [2].

Ngôn ngữ chính của cư dân Mali là tiếng Pháp và tiếng Bambara. 80% cư dân giao tiếp bằng tiếng Bambara. Ngoài ra còn 40 ngôn ngữ được các tộc người khác nhau sử dụng.

Khoảng 90% cư dân Mali theo Hồi giáo khi thế kỷ VII tôn giáo này du nhập từ Trung Đông vào Bắc Phi rồi từ Bắc Phi du nhập vào Tây Phi, phần lớn theo dòng Sunni. Khoảng 5% cư dân theo Kitô giáo, trong đó 2/3 là giáo hội công giáo Roma, 1/3 theo đạo Tin lành, 5% còn lại theo tôn giáo tín ngưỡng dân gian bản địa xuất hiện từ thời nguyên thủy. Một số người Mali theo thuyết vô thần không tôn giáo. Hồi giáo khi vào Mali đã thay đổi ít nhiều cho phù hợp với truyền thống địa phương. Giữa Hồi giáo và các tôn giáo khác có mối quan hệ tương đối thân thiện. Dù là nhà nước thế tục nhưng hiến pháp Mali ngày nay bảo đảm quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng cho nhân dân.

Phần lớn lãnh thổ Mali nằm trong khu vực sa mạc Sahara, phía Bắc được bao phủ chủ yếu là cát, khí hậu khô nóng. Cho nên cư dân Mali chủ yếu sống ở miền Nam với khí hậu nhiệt đới nằm trong lưu vực của hai con sông Niger và sông Senegal, tạo nên đồng bằng Niger và thường gây lũ lụt vào tháng 6 đến tháng 12 là mùa mưa. Mali có nhiều nguồn tài nguyên khoáng sản quí như vàng, urani, phosphate, kaolinit, muối và đá vôi. Những tài nguyên này đang được khai thác phục vụ cho phát triển nền kinh tế. Quốc gia Mali phải đối mặt với nhiều thử thách như đất đai bị sa mạc hóa, môi trường bị tàn phá, nạn phá rừng, nạn xối mòn đất, thiếu nguồn nước trong sạch; đói nghèo, suy dinh dưỡng và bệnh tật hoành hành.

Ngành kinh tế chủ yếu của Mali là nông nghiệp và đánh bắt cá. Mali là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Trước đó, tổng sản phẩm quốc dân GDP là 2.345 triệu USD, thu nhập bình quân đầu người 219 USD. Lương trung bình của công nhân hàng năm chỉ khoảng 1.500 USD. Từ năm 1992 đến năm 1995 chính phủ Mali đã thực hiện một chương trình điều chỉnh nền kinh tế. 31-5 1995 Mali gia nhập Tổ chức thương mại thế giới. Nhờ đó đã nâng cao sự tăng trưởng kinh tế. Tổng sản phẩm quốc dân GDP năm 2002 lên 3,4 tỉ USD và tăng lên 5, 8 tỉ USD vào năm 2005. Mức tăng trưởng kinh tế đạt 17,6%.

Ngành kinh tế chủ chốt trong xuất khẩu là bông. Năm 2002 sản lượng bông đạt 620.000 tấn. Ngoài bông Mali còn xuất khẩu gạo, kê, bắp, rau, quả, thuốc lá. Chăn nuôi và nông nghiệp chiếm 80% lượng hàng xuất khẩu của Mali. 80% công nhân Mali làm trong ngành nông nghiệp, 15% làm trong khu vực dịch vụ. Các động vật được chăn nuôi ở quốc gia này gồm cừu, dê và các gia súc khác bao gồm hàng triệu con. Nhưng ngành chăn nuôi cũng nhiều rủi ro do dịch bệnh, hạn hán. Năm 1972 40% đàn gia súc của Mali đã mất do hạn hán.

Từ năm 1999 vàng được coi là một trong các hàng hóa xuất khẩu chính. Vàng được khai thác ở miền Nam Mali, nơi có trữ lượng vàng lớn thứ ba châu Phi, sau Nam Phi và Ghana.

Mali là một trong những quốc gia sử dụng năng lượng thủy điện có hiệu quả. Thủy điện chiếm hơn một nửa sản lượng điện của quốc gia này. Năm 2002 thủy điện đã tạo được 700GWh [3].

Trước kia doanh nghiêp nhà nước đóng vai trò chủ đạo nhưng thua lỗ. Từ năm 1988 đến năm 1996, được sự hỗ trợ của Ngân hàng thế giới và Quĩ tiền tệ Quốc tế, Mali đã cải cách doanh nghiệp nhà nước. 16 doanh nghiệp đã được tư nhân hóa, 12 doanh nghiệp được tư nhân hóa một phần và 12 doanh nghiệp giải thể. Kết quả đã đưa doanh nghiệp làm ăn có lãi, vực dậy nền kinh tế quốc dân. Để tư nhân hóa triệt để hơn, năm 2005 chính phủ nhượng lại công ty đường sắt cho tập đoàn Savage, năm 2008 cũng đã tư nhân hóa hai công ty lớn Societe de telecommuni Cations du Mali (Sotelma) và Cotton Ginning Company (CMDT).

(Còn nữa)

CVL

-------------

[1] .Lịch sử Mali.Wkipedia.tiếng Việt.Tr 38.

[2] Lịch sử Mali. Wkipedia.Tiếng việt. Tr.36.

[3] .Lịch sử Mali. Wkipedia.Tiếng Việt. Tr.37

PGS TS Cao Văn Liên

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/nhung-van-de-lich-su-trung-dong-va-chau-phi-ky-44-a23667.html