Những vấn đề đặt ra trong việc sắp xếp, sáp nhập thôn, bản, khu phố

QT) - Để thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của BCH Trung ương Đảng khóa XII 'Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả' và Kế hoạch số 86-KH/TU ngày 7/5/2018, của Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy Quảng Trị, UBND tỉnh đã ban hành Đề án sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp xã; thôn, bản, khu phố; cơ quan hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện nảy sinh nhiều vấn đề cần phải được quan tâm giải quyết.

(

 Việc sáp nhập thôn, bản ở địa bàn miền núi cần phải tính đến điều kiện địa hình gắn với quy mô dân số

Việc sáp nhập thôn, bản ở địa bàn miền núi cần phải tính đến điều kiện địa hình gắn với quy mô dân số

Cần lưu ý đến các yếu tố đặc thù

Sau khi Đề án sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp xã; thôn, bản, khu phố; cơ quan hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập của UBND tỉnh ban hành, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã chỉ đạo, hướng dẫn UBND các xã, phường, thị trấn bám sát các tiêu chí và nguyên tắc đã được xác định, tiến hành xây dựng phương án sắp xếp, sáp nhập, lấy ý kiến nhân dân. Theo số liệu thống kê, trước khi sắp xếp, sáp nhập toàn tỉnh Quảng Trị có 1.082 thôn, khu phố; sau khi sắp xếp, sáp nhập còn 716 thôn, khu phố (552 thôn, 164 khu phố), giảm 366 thôn, khu phố. Như vậy, so với mục tiêu của đề án giảm từ 300- 400 thôn, khu phố là đảm bảo yêu cầu chỉ tiêu đặt ra.

Vậy nhưng tại Thông tư 14/2018/TTBNV của Bộ Nội vụ ban hành ngày 3/12/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31/8/2012 hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố có nhiều điểm mới. Ngoài quy định cụ thể về quy mô số hộ thì các yếu tố đặc thù là một điểm mới cần phải quan tâm. Vậy thì yếu tố đặc thù được hiểu là những khó khăn về địa hình chia cắt, là sự khác biệt về phong tục tập quán…Đối với tỉnh Quảng Trị có 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông là nơi có phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Riêng ở huyện Hướng Hóa hiện có 192 thôn, khu phố, theo quy định của Thông tư 09 thực hiện sáp nhập thì toàn huyện còn lại 144 thôn, khu phố (giảm 47 thôn, 1 khu phố). Tuy nhiên, đối chiếu với quy định tại điểm 5 về bổ sung điều 7a của Thông tư 14 nêu rõ: “Trong quá trình thực hiện sáp nhập thôn, tổ dân phố cần xem xét các yếu tố đặc thù về địa lí, địa hình và phong tục tập quán của cộng đồng dân cư tại địa phương” nên việc sáp nhập cần phải tính toán lại bởi Hướng Hóa có địa hình rộng, giao thông đi lại khó khăn. Đặc biệt huyện Hướng Hóa một số thôn của người đồng bào dân tộc thiểu số sống độc lập từ lâu, có những đặc thù riêng từ sinh hoạt, phong tục tập quán nên khi sáp nhập với người Kinh tiên lượng sẽ gặp những khó khăn trong quản lí điều hành các khu dân cư, nhất là trong các sinh hoạt hằng ngày như ma chay, hiếu hỉ, hội họp.. Đơn cử như việc dự kiến sáp nhập thôn Làng Vây (31 hộ là người dân tộc thiểu số) với thôn Long Phụng 137 hộ là người Kinh; sáp nhập thôn Tà Đủ (38 hộ đồng bào dân tộc thiểu số) với thôn Lương Lễ (328 hộ là người Kinh)… Ngoài ra còn phải tính đến một thực tế là hầu hết các thôn, bản ở Hướng Hóa đều bầu ra một già làng, trưởng bản là người uy tín để đứng ra giải quyết, hòa giải mọi công việc trong thôn, bản, khi sáp nhập vẫn có 2 già làng nên khi giải quyết công việc của thôn, bản sẽ gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, qua khảo sát một số địa phương còn có những yếu tố khác phải cân nhắc như việc sáp nhập thôn Kim Đâu (490 hộ) và Phi Thừa (80 hộ) xã Cam An, huyện Cam Lộ có lịch sử lâu đời và dân cư có khả năng phát triển thêm. Hay như một số xã ở huyện Hải Lăng, Vĩnh Linh khi nhập vào quy mô hộ gia đình lên đến 500- 600 hộ, địa bàn rộng, rất khó khăn trong công tác quản lí, điều hành.

Phải có sự đồng thuận của người dân

Rõ ràng việc sắp xếp lại các thôn nhằm khắc phục tình trạng thôn có quy mô dân số nhỏ, không đồng đều, phân tán, ảnh hưởng đến huy động sức dân đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đồng thời giảm gánh nặng ngân sách chi trả phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách và kinh phí hoạt động cho các tổ chức chính trị-xã hội ở thôn. Tuy nhiên, sau khi sắp xếp thì việc đặt tên cho thôn mới đang là vấn đề phải đặc biệt quan tâm. Hiện nay, đối với các khu phố mới sau khi sáp nhập thì hầu hết đặt tên theo số nên không có trở ngại nhưng đối với các thôn thì gặp một số vướng mắc. Chẳng hạn, việc đặt tên thôn mới phổ biến là ghép từ tên của các thôn sáp nhập nhưng phải đảm bảo có ý nghĩa với thôn cũ nhưng trên thực tế khi sáp nhập có một số trường hợp tên thôn mới rất dài nên bất tiện khi gọi và viết, như: thôn Pa Ka Ta Roa Cu Dừn (xã Hướng Lộc, huyện Hướng Hóa); thôn A Xói Ra Hang (xã A Túc, huyện Hướng Hóa); thôn Kim Đâu- Phi Thừa (xã Cam An, huyện Cam Lộ); thôn Thiết HàThượng Đại (xã Cam Chính, huyện Cam Lộ). Ngoài ra, việc ghép tên thôn nào trước, thôn nào sau cũng gây ra những tranh luận trong cộng đồng dân cư. Do đó, việc ưu tiên chọn theo tiêu chí nào trong các tiêu chí: Quy mô dân số; nguồn gốc lâu đời; có địa danh lịch sử, truyền thống cách mạng; có danh lam thắng cảnh; có nhiều người thành danh, học hành đỗ đạt... nên rất khó thống nhất và thường xảy ra tranh cãi. Vậy nhưng có một số nơi đặt tên thôn mới theo cách bỏ hẳn tên thôn cũ mà lấy một phần tên của xã ghép theo vị trí địa lí của thôn, như: Xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng sáp nhập các thôn Hà Lộc, Lương Điền, Lương Hải, Như Sơn lấy tên là thôn Đông Sơn; ở xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, các thôn Bích Khê, Tân Định, An Mô sáp nhập lấy tên thôn Nam Long...Nếu theo cách này thì không giữ lại được những nét riêng biệt của thôn cũ, bởi tên thôn thường mang ý nghĩa về cội nguồn lịch sử, đặc trưng, truyền thống văn hóa, tinh thần của một cộng đồng... Vì vậy, việc lựa chọn đặt tên thôn cần cân nhắc kĩ, để tạo sự đồng thuận, đoàn kết trong nhân dân sau khi sáp nhập.

Việc sáp nhập cần phải có lộ trình

Tại Thông tư 14 nêu rõ: “Không chia tách các thôn, tổ dân phố đang hoạt động ổn định, thực hiện sáp nhập các thôn, tổ dân phố phù hợp với điều kiện, đặc điểm của từng địa phương”. Như vậy, việc sáp nhập thôn là một chủ trương đúng đắn nhưng không phải thực hiện bằng mọi giá. Mặt khác, theo Nghị quyết số 18 của BCH Trung ương Đảng cũng chỉ rõ: “Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, từng bước hoàn thiện, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội”.

Rõ ràng việc sáp nhập dân cư phải xem xét đến yếu tố lịch sử, văn hóa, tập quán của từng địa phương, do đó trong công tác chỉ đạo sáp nhập cần có lộ trình phù hợp. Đối với những địa bàn mà thực hiện sáp nhập có sự đồng thuận cao của nhân dân, hiển thị rõ lợi ích trong quản lí nhà nước và phát triển kinh tế-xã hội thì tiến hành sáp nhập; những địa phương mà nhân dân chưa đồng thuận thì hết sức thận trọng tổ chức họp dân, vận động, thuyết phục và làm từng bước. Trước lúc tiến hành sáp nhập cần nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân, nhất là ý kiến của nhân dân về những vấn đề còn bàn cãi, tranh luận chưa thống nhất. Đặc biệt là nắm rõ về những đặc thù phong tục tập quán, lối sống của từng vùng, trong đó phải chú ý đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có đạo. Riêng đối với các địa bàn miền núi, vùng biên giới phải cân nhắc về quy mô số hộ theo quy định gắn với các yếu tố địa hình gắn với quy mô dân cư đang sinh sống, từ đó đặt ra một lộ trình sáp nhập hết sức khoa học và phù hợp. Nơi nào dễ làm trước, nơi nào khó làm sau. Những nơi khó cần điều tra rà soát lại các yếu tố đặc thù, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của dân, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để vận động tuyên truyền cho người dân hiểu về một chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước đồng thời mạnh dạn đề xuất những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở, tìm hướng giải quyết phù hợp, thỏa đáng. Điều quan trọng phải đạt được mục tiêu sau sáp nhập là ổn định dân cư, thúc đẩy kinh tế phát triển và đảm bảo trật tự trị an thôn xóm văn minh, hiện đại.

Hồ Nguyên Kha

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=142124