Những ưu thế vượt trội giúp tiêm kích thế hệ 6 NGAD Mỹ thống trị bầu trời

Tiêm kích thế hệ 6 NGAD được khẳng định sẽ giúp Không quân Mỹ duy trì ưu thế tuyệt đối trong những năm kế tiếp.

"Các kỹ sư cùng với những nhà thiết kế của nhiều công ty có liên quan đang tập trung phát triển tiêm kích thế hệ 6 NGAD, đây là ưu tiên hàng đầu của Bộ Quốc phòng Mỹ vào thời điểm hiện nay".

Tuyên bố trên được đưa ra bởi Bộ trưởng Không quân Frank Kendall - một chức danh phụ tá cho người đứng đầu Lầu Năm Góc, và chịu trách nhiệm về công việc hàng ngày của lực lượng không quân, bao gồm mua sắm tài sản, kiểm toán tài chính và quan hệ công chúng.

Bộ trưởng Kendall cho biết thêm, một nguyên mẫu tiêm kích tàng hình thế hệ mới đầy hứa hẹn đang được tạo ra để giúp Không quân Mỹ chiếm ưu thế tuyệt đối trên bầu trời.

Phương tiện tác chiến này dự kiến sẽ thay thế chiến đấu cơ thế hệ 5 F-22 Raptor (lần đầu tiên cất cánh vào tháng 9/1994 và tới tháng 12/2011, chiếc máy bay số 195 cuối cùng rời dây chuyền lắp ráp) trong tương lai.

Tiêm kích thế hệ 6 NGAD sẽ có khả năng mang tải trọng vũ khí cao hơn F-22, nhưng khả năng cơ động của nó lại không bị ảnh hưởng. Ngoài ra chiếc chiến đấu cơ sẽ có khả năng tiếp nhiên liệu trên không với sự hỗ trợ của một máy bay tiếp dầu đặc biệt.

Hiện tại, Tập đoàn Lockheed Martin chịu trách nhiệm trước mọi thứ liên quan đến các đặc điểm của khái niệm máy bay tiếp dầu tương lai LMXT, cũng như tiêm kích NGAD đầy triển vọng với sự tự tin cao độ.

Đối với dự án tiêm kích NGAD, các chuyên gia sẽ nghiên cứu 5 công nghệ thiết kế thân máy bay, không chỉ cho phép duy trì khả năng tàng hình mà còn cải thiện tốc độ, đồng thời giảm bộc lộ hồng ngoại.

Ngoài ra Không quân Mỹ còn dự định sử dụng UAV thế hệ mới để hộ tống tiêm kích có người lái theo khái niệm "Máy bay chiến đấu hợp tác", đây là một phi đội liên hợp dựa trên trí tuệ nhân tạo (do Tập đoàn Lockheed Martin tham gia phát triển chính).

Chưa dừng lại đây, Tập đoàn Lockheed Martin còn đang nói về những cuộc thử nghiệm đối với máy bay không người lái Speed Racer (chương trình Carrera).

Đây là một UAV đa năng dạng module dùng một lần, sẽ bay song song với tiêm kích tàng hình F-35 và được thiết kế để phối hợp cùng những phương tiện tác chiến khác nhằm chọc thủng hệ thống phòng không đối phương.

Hiện tại Mỹ đang dẫn đầu thế giới về việc nghiên cứu chế tạo tiêm kích thế hệ 6, đối thủ lớn nhất của chiếc NGAD không đến từ Nga hay Trung Quốc mà lại là hai dự án do châu Âu tiến hành.

Đầu tiên là chương trình với tên gọi Hệ thống Không quân Chiến đấu Tương lai (FCAS) do Đức - Pháp - Tây Ban Nha hợp tác tiến hành nhằm tạo ra chiến đấu cơ tương lai sẽ thay thế chiếc Rafale và Eurofighter Typhoon.

Bên cạnh đó là Chương trình Không quân Chiến đấu Toàn cầu (GCAP) do Anh - Ý - Nhật Bản hợp tác tiến hành, dự án này có sự hợp nhất với tiêm kích tàng hình FX do Tokyo tự nghiên cứu phát triển trước đó.

Tuy vậy hai chương trình chế tạo tiêm kích thế hệ 6 của châu Âu mới chỉ dừng lại ở dạng mô hình và thiết kế trên máy tính, trong khi chiếc NGAD của Mỹ được cho là đã tiến hành những bài thử nghiệm đầu tiên, khẳng định ưu thế vượt trội của Washington.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nhung-uu-the-vuot-troi-giup-tiem-kich-the-he-6-ngad-my-thong-tri-bau-troi-post533416.antd