Những tỷ phú trẻ ở vùng đất khó

TP - Những người trẻ không ngại khó khăn, gian khổ, đi khai phá tiềm năng ít ai biết tới ở vùng đất xa xôi, nghèo khó bậc nhất của tỉnh Lâm Đồng. Họ trở thành những tỷ phú, nông dân Việt Nam xuất sắc, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, lan tỏa khát vọng vươn lên làm giàu cho nhiều người.

Phát hiện nguồn nước lạnh quý hiếm

Khi nói về tiềm năng phát triển kinh tế ở huyện Đam Rông, vùng đất khó khăn nhất của tỉnh Lâm Đồng, ông Liêng Hot Ha Hai, Phó chủ tịch UBND huyện rất tâm đắc với các mô hình nuôi cá tầm, nhất là trang trại cá tầm của anh Huỳnh Ngọc Thu. Đây là người tiên phong nuôi cá tầm, đạt sản lượng, doanh thu cao nhất ở Đam Rông. “Vì hứng thú với việc nuôi cá tầm nên vào năm 2012, tôi từ TP Vũng Tàu lên Lâm Đồng tìm nơi có nguồn nước phù hợp. Sau khi băng rừng, lội suối thăm thú nhiều khu vực, tôi thấy suối Nước Mát tại xã Rô Men, huyện Đam Rông là lý tưởng nhất”, anh Thu hồi tưởng.

Cảm nhận việc đầu tư nuôi cá tầm không hề dễ dàng nên anh học hỏi kinh nghiệm qua sách báo, mạng xã hội, nhất là cách làm của người Nga, sau đó, mua 10.000 m2 đất tại suối Nước Mát. Anh đầu tư theo hướng ứng dụng công nghệ cao: Xây 80 bể xi măng, làm hệ thống đường ống quy mô lớn để dẫn nước sạch từ trên núi cao vào các bể để lắng, lọc, khử trùng rồi mới đưa nước sạch vào khu vực nuôi cá tầm; dùng lưới phủ mặt bể cho cá mát mẻ…

Giám đốc Huỳnh Ngọc Thu (bên phải) với con cá "khủng"

“Phải kỳ công như thế vì cá tầm rất mẫn cảm với nguồn nước, chỉ sống được trong môi trường không bị ô nhiễm, nhiệt độ trung bình ổn định từ 22-25OC, thay nước định kỳ và phải đảm bảo đủ ô xy. Đáng lo nhất là vào mùa mưa, khi nước mưa cuốn theo phân bón, thuốc trừ sâu… từ các khu vườn xuống suối. Cần kiểm soát, thanh lọc nguồn nước trước khi dẫn vào bể, nếu không cá tầm sẽ chết hết. Có lần lũ đột ngột tràn về với làn nước đục ngầu khiến cá bị sốc chết hàng loạt. Trang trại của tôi và nhiều hộ khác gần như mất trắng”, anh Thu thổ lộ.

Mô hình nuôi cá tầm của anh Thu gần như khép kín, từ khâu nhập trứng về ấp nở thành cá bột; nuôi cá giống con, phát triển cá thịt và bảo tồn cá bố mẹ để thu hoạch trứng, kể cả việc sản xuất thức ăn cho cá. Hiện đàn cá bố mẹ có trọng lượng “khủng” từ 40-50kg. Anh phải nhờ người khác trợ giúp mới nâng được 1 con cá bố mẹ lên mặt nước. Tổng chi phí đầu tư trang trại của anh Thu lên đến hơn 40 tỷ đồng, mỗi năm cung ứng ra thị trường (chủ yếu là TPHCM) khoảng 500-600 tấn cá tầm với giá bán trên dưới 200 ngàn đồng/kg, thu về khoản lợi nhuận gần 5 tỷ đồng.

Mô hình nuôi cá tầm theo hướng ứng dụng công nghệ cao của anh Huỳnh Ngọc Thu đã lan tỏa sang hàng chục nông hộ và doanh nghiệp khác ở huyện Đam Rông với tổng diện tích mặt nước gần 10 ha, sản lượng từ 1.200-1.400 tấn, cao nhất tỉnh Lâm Đồng.

Anh Thu còn vận động thành lập hợp tác xã (HTX) thủy sản Huỳnh Ngọc Thu gồm 6 thành viên với tổng diện tích mặt nước 5.000m2. “Vì đã có thương hiệu và hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm nên đầu ra rất ổn định, mỗi năm cung ứng cho thị trường hàng ngàn tấn cá, sản xuất tới đâu tiêu thụ hết tới đó”, Giám đốc HTX khẳng định.

Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023

Cũng tại xã Rô Men, một phụ nữ trẻ là chị Nguyễn Phương Bắc (40 tuổi) vừa được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023 với mô hình trang trại tổng hợp nuôi cá tầm, trồng cà phê hữu cơ, kinh doanh phân bón... Chị Bắc kể, trước đây, do đời sống khó khăn, bố mẹ chị đưa gia đình từ vùng đất Tân Kỳ (Nghệ An) đi kinh tế mới tại Lâm Đồng. Sau khi tốt nghiệp THPT, chị vào TPHCM làm công nhân, nhưng vì lương quá thấp nên trở về xã Rô Men làm thuê kiếm sống.

Cá giống con của HTX thủy sản Huỳnh Ngọc Thu

Là nữ thanh niên năng động, năm 21 tuổi, sau khi tích cóp được hơn 1 triệu đồng, chị Bắc thu mua cà phê của nông dân rồi bán lại cho các cửa hàng, lãi từ 200-300 ngàn đồng/ngày. Tích tiểu thành đại, hàng chục năm sau, chị có vốn mở đại lý thu mua cà phê và bán phân bón. “Đối với những hộ thiếu vốn, tôi cho nợ tiền phân bón, vật tư nông nghiệp. Khi đến vụ thu hoạch, họ mang cà phê, sầu riêng… bán lại cho tôi để trừ nợ”, chị Bắc cho biết. Gia đình chị còn trồng 9 ha cà phê theo quy trình hữu cơ, cho năng suất hơn 20 tấn cà phê nhân/năm, 300 cây sầu riêng và trên 1.000 cây dứa Cayenne; kết hợp nuôi 8 con bò thịt. Đặc biệt, chị dành 2 ha đất xây dựng trang trại nuôi cá tầm, đạt sản lượng khoảng 25 tấn/năm. Mô hình kinh tế tổng hợp trên đã giúp gia đình chị thu lợi nhuận khoảng 7 tỷ đồng mỗi năm.

Ngoài ra, chị Bắc còn có khu vườn trồng cây thuốc Nam và xúc tiến làm khu du lịch canh nông, nghỉ dưỡng, chữa bệnh bằng thảo dược. Về duyên nợ của mình với các loại cây thuốc Nam, chị kể, trước đây, cơ thể có 1 khối u. Sau khi mổ, được người bạn mách nước, chị tiếp tục uống nước từ lá cây trinh nữ hoàng cung và đã dần khỏi bệnh. Chị quyết định theo học một lớp bào chế thuốc tại Hà Nội để có thể sơ chế hay kết hợp một số loại cây như quế, hồi, xạ đen, thủ phục linh, trinh nữ hoàng cung… để làm trà.

Theo Chủ tịch UBND xã Rô Men Nguyễn Văn Thành, chị Bắc là điển hình làm kinh tế giỏi, góp phần giải quyết việc làm cho hàng chục người dân địa phương, trong đó có 14 lao động thường xuyên với mức lương khoảng 8 triệu đồng/tháng.

“Rừng già và sông suối ở Đam Rông khá nhiều, thị trường cá tầm cũng ổn định với giá từ 180-250 ngàn đồng/kg, do đó, huyện đã đề ra Nghị quyết phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 50 ha diện tích mặt nước để nuôi loại cá này”.

ông Liêng Hot Ha Hai

Theo tienphong.vn

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/nhung-ty-phu-tre-o-vung-dat-kho-181926.html