Những tượng đài bất tử trên biên giới (bài 9)

Cùng với Xa Mát, Lò Gò, Phước Tân, trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, nhiều đơn vị khác của Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) tỉnh Tây Ninh cũng đã lập phòng tuyến, anh dũng chiến đấu bảo vệ đồn, bảo vệ nhân dân, góp phần giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Tiêu biểu là các Đồn CANDVT: Chàng Riệc, Tân Phú, Mộc Bài, Long Phước… và các đơn vị cơ động như Đại đội 1 cơ động, Đại đội 3 cơ động hỏa lực.

Bài 9: Lập phòng tuyến chiến đấu bảo vệ biên giới

Dũng cảm, kiên trung giữ địa bàn, giữ biên giới

Trước diễn biến phức tạp trên biên giới, tháng 8/1977, Bộ Tư lệnh CANDVT đã tăng cường thêm lực lượng và quyết định thành lập thêm 4 đồn thuộc CANDVT Tây Ninh, trong đó có Đồn CANDVT Chàng Riệc. “Biên chế ban đầu là 36 đồng chí, được lấy từ quân số được tăng cường của CANDVT Thanh Hóa chi viện cho Tây Ninh. Phần lớn cán bộ, chiến sĩ đã được trui rèn, thử thách, trong đó có Đại úy, Đồn trưởng Lê Văn Nông từng trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở giới tuyến quân sự tạm thời Vĩnh Linh. Do vậy, chỉ sau một tháng được thành lập, đơn vị đã vững vàng chống trả các cuộc tấn công điên cuồng của quân Pol Pot” - Đại tá Nguyễn Hoàng Sa, nguyên Chính ủy CANDVT tỉnh Tây Ninh cho biết.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tân Phú dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ. Ảnh: Đăng Bảy

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tân Phú dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ. Ảnh: Đăng Bảy

Ông Nguyễn Văn Mạnh, nguyên là nhân viên vận động quần chúng, Đồn CANDVT Chàng Riệc nhớ lại: “Lúc mới thành lập, cơ sở vật chất của đơn vị gặp rất nhiều khó khăn, cuộc sống của bộ đội gặp nhiều vất vả. Cả đồn chỉ có 2 căn nhà tranh tạm bợ, trong đó, 1 căn dùng để chứa vũ khí, lương thực, căn còn lại dùng làm nhà ở của Đội Vũ trang. Ban chỉ huy đồn và phần lớn cán bộ, chiến sĩ phải ở tạm trong nhà dân”.

Đúng 1 tháng sau ngày thành lập, ngày 20/9/1977, đội tuần tra do Đồn trưởng Lê Văn Nông phụ trách bị rơi vào ổ phục kích của bọn Pol Pot. Nhưng nhờ mưu trí và có kinh nghiệm trong chiến đấu nên đội tuần tra đã nhanh chóng lấy lại thế chủ động, tấn công địch, buộc chúng phải rút về bên kia biên giới. Trong trận này, đồng chí Lê Bá Hải (quê Thọ Nguyên, Thọ Xuân, Thanh Hóa) đã anh dũng hy sinh.

Ông Lê Văn Nghĩa, nguyên Đội phó Đội Vũ trang, Đồn CANDVT Chàng Riệc kể: “Lúc 0 giờ 5 phút, ngày 25/9/1977, bọn Khmer đỏ dưới sự yểm trợ của pháo binh đã tấn công vào Đồn CANDVT Chàng Riệc. Liên tục trong 3 ngày đêm, ỷ thế đông, bọn Pol Pot liên tiếp tổ chức các đợt tấn công vào các trận địa của ta. Tuy quân số, trang bị ít, nhưng cán bộ, chiến sĩ Đồn CANDVT Chàng Riệc đã chiến đấu rất dũng cảm, nhiều lần đánh bật quân địch, không cho chúng chiếm trận địa, bảo vệ đồn, chốt, tài sản, tính mạng người dân an toàn.

Nhiều gương chiến đấu dũng cảm như đồng chí Nguyễn Tài Kiêu, là y tá của đơn vị, bị địch bắn vào bụng, bị thương rất nặng, nhưng vẫn dũng cảm chiến đấu. Đồn trưởng Lê Văn Nông bị sức ép của súng ĐKZ, chảy máu tai, máu mũi, nhưng vẫn cầm súng chiến đấu và chỉ huy đơn vị. Đồng chí Nông quán triệt: “Mỗi đồng chí giữ lấy 1 quả lựu đạn. Nếu địch chiếm được đơn vị thì kiên quyết tử thủ, không để chúng bắt”...

Là 1 trong 4 đồn được thành lập cùng đợt tháng 8/1977, đêm ngày 25/9/1977, Đồn CANDVT Tân Phú (nay là Đồn Biên phòng Tân Phú) cũng bị bọn Pol Pot điên cuồng tấn công. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thiếu thốn cả về quân số, vũ khí, trang bị, nhưng cán bộ, chiến sĩ Đồn CANDVT Tân Phú đã 11 ngày đêm kiên cường đánh bại các đợt tấn công của kẻ thù…

Nhờ mưu trí, dũng cảm nên các Đồn CANDVT như Chàng Riệc, Tân Phú đã cùng với các lực lượng phối thuộc đánh bại các cuộc tấn công của địch, giữ vững từng tấc đất biên cương của Tổ quốc. Trong các cuộc chiến đấu anh dũng đó, Đồn CANDVT Chàng Riệc đã có 8 đồng chí hy sinh và 9 đồng chí bị thương; Đồn CANDVT Tân Phú có 12 chiến sĩ vĩnh viễn ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ.

Có lệnh là lên đường

Không chỉ các đồn, trạm mà trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, các đơn vị cơ động của CANDVT tỉnh Tây Ninh cũng lập nên nhiều chiến công hiển hách. Trong danh sách 39 liệt sĩ khắc trang trọng trên tấm bia tưởng niệm liệt sĩ các đơn vị cơ động CANDVT - BĐBP Tây Ninh cho thấy, chỉ trong vòng 2 tháng, từ ngày 25/9 đến ngày 25/11/1977 đã có 17 chiến sĩ hy sinh.

Bia tưởng niệm liệt sĩ các đơn vị cơ động CANDVT - BĐBP Tây Ninh. Ảnh: Đăng Bảy

Bia tưởng niệm liệt sĩ các đơn vị cơ động CANDVT - BĐBP Tây Ninh. Ảnh: Đăng Bảy

Trẻ nhất trong số các liệt sĩ hy sinh là Binh nhất Vi Văn Đường, chiến sĩ Đại đội 1 cơ động. Anh Đường quê Kiến Thọ, Ngọc Lặc, Thanh Hóa, sinh năm 1960, nhập ngũ tháng 5/1977 và hy sinh ngày 21/11/1977, lúc mới 17 tuổi. Điều đó đã nói lên phần nào sự khốc liệt của cuộc chiến đấu bảo vệ đơn vị, bảo vệ Tổ quốc của CANDVT tỉnh Tây Ninh và sự dũng cảm, gan dạ của cán bộ, chiến sĩ các đại đội cơ động thuộc CANDVT tỉnh Tây Ninh.

Đại tá Nguyễn Hoàng Sa, Chính ủy đầu tiên của CANDVT tỉnh Tây Ninh nhớ lại: “Với khẩu hiệu “Có lệnh là lên đường”, Đại đội 1 cơ động và Đại đội 3 cơ động hỏa lực luôn luôn sẵn sàng chiến đấu, nhanh chóng chi viện cho các đơn vị tuyến trước, thường xuyên có mặt trên biên giới, đánh nhiều trận bất ngờ, góp phần chia lửa và tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị bạn tiêu diệt địch. Chỉ 50 ngày sau khi thành lập, Đại đội 3 cơ động hỏa lực đã tham gia chi viện 3 lần cho 3 đồn là Kà Tum, Phước Tân, Vàm Trảng Trâu đánh bại các trận tấn công liều chết của Pol Pot.

Ngoài ra, Đại đội 1 cơ động, Đại đội 3 cơ động hỏa lực còn đoàn kết, hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ với các đơn vị chủ lực như Sư 10, Sư 320, Trung đoàn 2 Công an vũ trang, Trung đoàn 48, Trung đoàn 201, Tiểu đoàn 14 bộ đội địa phương cùng các lực lượng du kích và nhân dân địa phương”.

Theo lịch sử BĐBP Tây Ninh: Ngày 25/12/1978, Đảng ủy, Ban chỉ huy CANDVT tỉnh Tây Ninh đã thành lập Ban chỉ huy tiền phương do đồng chí Đinh Văn Đanh, Chỉ huy trưởng trực tiếp phụ trách. Các đơn vị như Đại đội 1 cơ động, Đại đội 3 cơ động hỏa lực đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng phối hợp mở chiến dịch truy quét địch từ rừng Hòa Hội đến cua Hòa Bình.

“Đại đội 6, Trung đoàn 2 cơ động do Bộ Tư lệnh CANDVT chi viện cho Tây Ninh, chỉ với 46 đồng chí, đã mưu trí cùng Đồn CANDVT Xa Mát đánh bại sự tấn công của địch. Từ ngày 25/9/1977 đến ngày 9/10/1977, khi được phân công phối hợp bảo vệ cánh trái của Đồn CANDVT Xa Mát, Đại đội 6 đã kiên cường đánh lui 106 đợt tấn công của Tiểu đoàn 304 Pol Pot. Qua đó, tiêu diệt 211 tên địch, giữ vững trận địa, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho 200 đồng bào ta bị kẹt lại trong trận chiến” - Đại tá Nguyễn Hoàng Sa nhớ lại.

Đến ngày 8/1/1979, lực lượng địch ở đây hoàn toàn bị tiêu diệt và tan rã, ta tiêu diệt 82 tên, bắn bị thương 110 tên, thu 13 súng các loại, 95 thùng đạn 12 ly 8, 28 quả đạn cối, 78 quả ĐKZ 82, 55 mìn và lựu đạn, làm thất bại âm mưu và chiến lược của địch.

Theo Đại tá Nguyễn Hoàng Sa, cùng với lực lượng CANDVT Tây Ninh, các đơn vị do Bộ Tư lệnh CANDVT tăng cường cũng đã chiến đấu rất anh dũng, quyết sống mái với quân thù để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, trong 3 năm, từ 1977-1979, CANDVT tỉnh Tây Ninh đã đánh bại nhiều cuộc tấn công của địch, lập nên những trang sử chói lòa trong cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia…

Bài 10: Long An trung dũng, kiên cường

Đăng Bảy

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhung-tuong-dai-bat-tu-tren-bien-gioi-bai-9-post460681.html