Những tượng đài bất tử trên biên giới (bài 44)

Trú đóng nơi vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, gian khổ, nhưng suốt chiều dài lịch sử 58 năm qua (thành lập tháng 10/1965), nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ (CB, CS) Đồn Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) Bạch Đích (nay là Đồn Biên phòng Bạch Đích, BĐBP Hà Giang) không quản ngại khó khăn, gian khổ, luôn dũng cảm trong chiến đấu, lập nên những chiến công hiển hách, sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ biên giới, bảo vệ tài sản, tính mạng của nhân dân. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, bảo vệ và xây dựng biên cương Tổ quốc, đơn vị vinh dự được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Bài 44: Vững vàng Bạch Đích

Dựng thế trận liên hoàn để chiến đấu

Ngay cổng Đồn Biên phòng Bạch Đích, phía bên trái (từ ngoài nhìn vào) là Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ của đơn vị được xây dựng khang trang, rộng rãi. Trung tá Nguyễn Công Nguyên, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Bạch Đích chia sẻ: "Mỗi lần ra vào, đi qua cổng đơn vị, ai cũng nhìn thấy Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ. Những lúc như thế, anh em chúng tôi lại nhắc nhau phấn đấu công tác tốt để không phụ lòng trước sự cống hiến, hy sinh của các thế hệ cha anh đi trước trong công cuộc xây dựng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia...".

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bạch Đích tri ân các anh hùng liệt sĩ của đơn vị. Ảnh: Phương Vy

Trước khi chiến tranh phía Bắc xảy ra, trên địa bàn 4 xã biên giới do Đồn CANDVT Bạch Đích (sau đây tạm gọi là Đồn Bạch Đích) phụ trách, ngoài lực lượng của đồn và dân quân xã, còn có Tiểu đoàn 3 của Huyện đội Yên Minh. Theo Đại tá Trịnh Xuân Chúc, nguyên Chính trị viên phó Đồn Bạch Đích, nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP Hà Giang: "Trên dọc tuyến biên giới dài 36km, ta bố trí 4 chốt, gồm Chốt 1.101 (điểm cao 1.101), Chốt A (giáp mốc số 8), Chốt B (giáp mốc số 9) và Chốt Xín Chải (giáp điểm cao 1.250 và mốc số 10), tạo thành thế trận phòng thủ vững chắc. Cùng với đó, ta còn bố trí lực lượng tại thôn Đoàn Kết, xã Bạch Đích và tại điểm cao 1.356 xã Phú Lũng. Tại Đồn Bạch Đích, hệ thống công sự hầm hào đã được gia cố chắc chắn, liên hoàn. Đơn vị cũng đã chọn hang đá gần vị trí đóng quân làm nơi ẩn nấp và là nơi tiếp tế đạn dược, cứu chữa thương binh, đảm bảo hậu cần".

“Trước đó, tháng 8/1978, Bộ Tư lệnh CANDVT cũng đã tăng cường cho đơn vị một số CB, CS từ các tỉnh thuộc tuyến biên giới Tây Nam và miền Trung. Khi chiến sự xảy ra, do có nhiều kinh nghiệm chiến đấu nên CB, CS Đồn Bạch Đích đã chiến đấu rất gan dạ và dũng cảm” - Đại tá Trịnh Xuân Chúc cho biết.

Sáng ngày 17/2/1979, từ lúc 3 giờ sáng, địch đã cho pháo bắn cấp tập, sau đó tấn công cao điểm 1.101. Tại khu vực chốt A, chốt B và điểm cao 1.250, lợi dụng đêm tối và sương mù dày đặc, địch bất ngờ tràn vào đánh chiếm trận địa của ta. Tuy đã đánh trả quyết liệt, nhưng do địch quá mạnh nên ở các điểm chốt này, ta phải tạm thời lui quân để bảo toàn lực lượng. Qua ngày 19/2/1979, Tiểu đoàn 3, Huyện đội Yên Minh và Đồn Bạch Đích đã tấn công, giành lại các điểm cao mà địch đã chiếm giữ.

Mặc dù đã rút quân, nhưng dọc trên tuyến biên giới Yên Minh, rất nhiều năm sau đó, chúng vẫn chống phá ta theo kiểu chiến tranh nhiều mặt như thường xuyên tiến hành các hoạt động vũ trang, bắt cóc cán bộ, lấn chiếm nhiều điểm trên khu vực biên giới do Đồn Bạch Đích phụ trách. Suốt cả tháng 4/1984, chúng liên tục cho quân tấn công Đồn Bạch Đích và trận địa của ta ở các điểm cao, các chốt. Một số bản như Na Sàng, Đồng Tâm, Đồng Sao, xã Bạch Đích cũng bị chúng bắn phá.

Vượt qua khó khăn, mưu trí, dũng cảm chiến đấu

Trực tiếp tham gia trận chiến đấu ngày 30/4/1985, Đại tá Trịnh Xuân Chúc nhớ lại, hôm đó, sương mù dày đặc, bao phủ cả vùng rừng núi. Đang chuẩn bị ăn sáng thì chiến sĩ ta phát hiện quân địch đang lố nhố trước trận địa của đồn. Ngay sau đó, Đồn trưởng Mùng A Hùng đã lệnh cho toàn đơn vị vào vị trí chiến đấu. Chờ cho quân địch vào gần chiến hào, ta mới nổ súng, tiêu diệt hàng chục tên. Khẩu đại liên do Binh nhất Lương Văn Bằng phụ trách đã góp phần lớn trong việc kìm chân địch và hất ngược chúng về phía sau. Ở cánh bên phải, đồng chí Hoàng Văn Mỵ, Đồn phó quân sự đã cùng CB, CS đơn vị bình tĩnh, dũng cảm chiến đấu, đánh bại nhiều đợt tấn công của chúng. Ở hướng còn lại, với lối đánh bắn ngắm, bắn gần kết hợp lựu đạn, đơn vị đã ngăn được bước tiến của địch.

Tuổi trẻ Đồn Biên phòng Bạch Đích tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: Phương Vy

Đúng như nhận định của ta, vừa qua 12 giờ trưa, được hỏa lực yểm trợ, hàng trăm tên địch từ các hướng lại ồ ạt tấn công Đồn Bạch Đích. Mưu trí, dũng cảm, CB, CS đơn vị đã quyết liệt đánh trả, buộc địch phải chuyển hướng chiến thuật từ đánh nhanh, thắng nhanh sang đánh thăm dò, cầm chừng. Chúng không dám dùng chiến thuật “biển người” xông vào như trước mà nấp sau các mô đất, bờ ruộng, khe suối... bắn như vãi đạn vào trận địa của ta. Giằng co đến gần tối, bị tổn thất quá lớn, địch phải một lần nữa kéo xác đồng bọn, rút chạy...

Sau một ngày chiến đấu mưu trí, dũng cảm, CB, CS Đồn Bạch Đích đã bẻ gãy nhiều đợt tấn công của địch, diệt 225 tên, thu nhiều súng, đạn của chúng. Tiêu biểu cho tinh thần gan dạ, dũng cảm là Đồn trưởng Mùng A Hùng, Đồn phó Hoàng Văn Mỵ và các đồng chí như Lại Hợp Đình, Trần Xuân Sách, Nguyễn Huy Thường, Nguyên Văn Cương, Trần Huy Hoàng, Hoàng Văn Việt...

Dự đoán trước âm mưu đánh đòn phục thù của địch, khoảng 21 giờ 30 phút, ngày 30/4/1984, Đồn Bạch Đích tổ chức hành quân về hậu cứ đặt tại khu vực Bản Muồng, xã Bạch Đích để bảo toàn lực lượng và tiếp tục chờ đợi nhiệm vụ của trên giao. “Sau khi ta vừa rút đi được khoảng 1 giờ, địch dùng pháo cối và nhiều loại hỏa lực bắn cấp tập vào đồn rồi cho bộ binh ồ ạt tấn công. Khi chiếm được đồn, phát hiện trận địa đã bị bỏ trống, chúng cay cú gài bộc phá, phá hủy toàn bộ doanh trại và hầm hào công sự của Đồn Bạch Đích rồi rút về” - Đại tá Trịnh Xuân Chúc nói.

Chỉ trong 6 năm, từ 1984 đến 1990, Đồn Bạch Đích đã phải 5 lần di chuyển vị trí để cơ động chiến đấu bảo vệ biên giới, bảo vệ địa bàn, bảo vệ nhân dân. Nhưng dù trong hoàn cảnh khó khăn, phức tạp nào, đơn vị vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới. Lập nhiều thành tích xuất sắc trong chiến đấu, trong bảo vệ tài sản và tính mạng của nhân dân, ngày 3/7/1984, đơn vị đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất. Tiếp đến, ngày 29/8/1985, Đồn Bạch Đích vinh dự được tặng danh hiệu "Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân".

Bài 45: Nghĩa Thuận: Quân dân đoàn kết, dũng cảm chiến đấu bảo vệ biên giới

Đăng Bảy

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhung-tuong-dai-bat-tu-tren-bien-gioi-bai-44-post470716.html