Những tượng đài bất tử trên biên giới (bài 21)

Vừa tự lực xây dựng doanh trại, vừa tham gia chiến đấu với kẻ thù đông hơn về lực lượng, mạnh hơn về vũ khí, nhưng với lòng dũng cảm, sự gan dạ, mưu trí, Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) Sông Bé đã đánh bại các cuộc tấn công của bọn Pol Pot, tiêu diệt hàng trăm tên, giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Chiến công đó đã góp phần tô thắm thêm truyền thống 'Sông Bé oai hùng' của tỉnh...

Bài 21: Sông Bé oai hùng

Vừa xây dựng đơn vị, vừa dũng cảm đánh địch

CANDVT Sông Bé - BĐBP Bình Phước ngày nay (tiền thân là lực lượng An ninh vũ trang Sông Bé) ra đời sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (tháng 6/1975). Nhiệm vụ của đơn vị lúc đó là giữ gìn an ninh chính trị, quản lý, bảo vệ đoạn biên giới dài trên 260km. Trong thời kỳ mới thành lập, CANDVT Sông Bé đã khắc phục mọi khó khăn, thử thách, vừa tự lực xây dựng doanh trại, tổ chức lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ, quản lý, giữ gìn an ninh, trật tự biên giới, vừa tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Cùng với đó là phối hợp với các lực lượng chức năng truy quét tàn quân địch, xử lý có hiệu quả hàng loạt vụ khiêu khích, xâm phạm an ninh lãnh thổ.

Lãnh đạo CANDVT Sông Bé họp bàn phương án chiến đấu bảo vệ biên giới. Ảnh: TL

Lãnh đạo CANDVT Sông Bé họp bàn phương án chiến đấu bảo vệ biên giới. Ảnh: TL

Theo Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đoàn Văn Thái, nguyên Chỉ huy trưởng BĐBP Sông Bé: Từ 5 đồn lúc mới thành lập, đến năm 1977, trên địa bàn tỉnh Sông Bé đã có 7 đồn CANDVT là: Đồn 705 (Bù Gia Mập), Đồn 709 (Hoàng Diệu), Đồn 713 (Cầu Trắng), Đồn 717 (Hoa Lư), Đồn 721 (Tà Nốt), Đồn 725 (Tà Vát) và Đồn 707 (Đa Quýt). Đa phần các đồn, trạm đều được làm rất đơn sơ, chủ yếu nền đất, vách thưng bằng tre, nứa, mái thì được lợp bằng tranh, lá buông, hay lá trung quân. Giường ngủ thì lấy tre, mai, lồ ô làm dát. Khi căng thẳng ở biên giới nổ ra, gần như 100% cán bộ, chiến sĩ (CB, CS) ngủ ở công sự để dễ sơ tán trong tình huống địch tập kích bất ngờ.

Trong giai đoạn đầu này, CANDVT Sông Bé phải đương đầu với nhiều khó khăn, gian khổ và hy sinh. Vừa triển khai xây dựng lực lượng, đồn, trạm, hầm hào công sự, vừa tăng cường nắm tình hình trên tuyến biên giới và đối phó với những âm mưu, thủ đoạn hoạt động phá hoại của bọn Pol Pot. Khi chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, trên dọc biên giới Sông Bé, bọn Pol Pot tăng cường các hoạt động xâm lấn biên giới và khiêu khích vũ trang từ cấp phân đội đến đại đội. Cuối tháng 12/1977, chúng mở cuộc tấn công vào Đồn CANDVT Cầu Trắng.

Dù chênh lệch lực lượng, nhưng CB, CS của đơn vị đã chiến đấu anh dũng, đẩy lùi các cuộc tấn công của quân địch. Trước khi tháo chạy khỏi Đồn Cầu Trắng, quân Pol Pot đã cay cú phóng hỏa, thiêu rụi toàn bộ doanh trại cùng cơ sở vật chất. Sau Cầu Trắng, địch tiếp tục tập kích vào Đồn CANDVT Hoàng Diệu. Lực lượng ta bắn trả quyết liệt, làm bị thương và tiêu hao nhiều sinh lực địch.

Đầu năm 1978, quân Pol Pot liên tiếp gia tăng các hoạt động lấn chiếm biên giới Việt Nam. Thời gian này, tình hình biên giới thuộc khu vực tỉnh Sông Bé luôn ở trong tình trạng căng thẳng. Sự kiện gây xúc động sâu sắc đối với lực lượng CANDVT Sông Bé cũng như đồng bào cả nước, đó là cuộc chiến đấu anh dũng, hy sinh của 33 CB, CS Đồn CANDVT Hoa Lư chống địch tập kích bất ngờ.

Theo đó, đêm ngày 27 và ngày 28/2/1978, quân Pol Pot sử dụng một trung đoàn tăng cường (khoảng 1.000 tên), chia làm 3 mũi, có hỏa lực yểm trợ, đánh vào Đồn CANDVT Hoa Lư. Dù chênh lệch về lực lượng, vũ khí, nhưng 68 CB, CS của đơn vị đã chiến đấu anh dũng, đánh bại hơn 20 đợt tấn công của địch, bắn chết hơn 100 tên. Nhiều đồng chí bị thương nhưng vẫn không dời chiến hào, quyết chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.

Dũng cảm, mưu trí, linh hoạt trong đánh địch

Trong khi ta đang tăng cường củng cố công sự, thì bọn Pol Pot vẫn liên tục tấn công vào các đồn, trạm CANDVT và khu vực dân cư thuộc địa bàn Sông Bé. Ngày 13/3/1978, Pol Pot tổ chức lực lượng tấn công vào Đồn CANDVT Hoàng Diệu. Mục đích của chúng là nghi binh, nhằm thu hút lực lượng chủ lực của ta rồi bí mật đưa quân thọc sâu vào nội địa, đốt phá, bắn giết dân lành.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Bình Phước tuần tra, bảo vệ biên giới. Ảnh: Đăng Bảy

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Bình Phước tuần tra, bảo vệ biên giới. Ảnh: Đăng Bảy

Đúng như nhận định, khoảng 4 giờ sáng ngày 16/3/1978, Pol Pot sử dụng khoảng 2 tiểu đoàn bộ binh, chia làm 3 mũi, tấn công vào địa bàn xã Hưng Phước và xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp (đây là những nơi ta chưa kịp bố trí đơn vị chủ lực). Đi đến đâu, chúng đều thực hiện chính sách “ba sạch”: Giết sạch, đốt sạch, phá sạch, gây tội ác tày trời với đồng bào ta. Chúng đã sát hại 189 người dân, làm bị thương 41 người, 16 người bị mất tích, thiêu rụi 291 nóc nhà.

Dù lực lượng ít (chỉ 32 người), lại mới được chuyển đến vị trí đóng quân 3 ngày trước đó, nhưng khi sự việc xảy ra, Đồn CANDVT Đa Quýt, dưới sự chỉ huy của Đồn trưởng Đỗ Hồng Hận và Chính trị viên Phạm Văn Khiển đã cơ động chiến đấu chặn đánh địch. Tuy ta ít, địch nhiều, nhưng với tinh thần chiến đấu dũng cảm, sự mưu trí, linh hoạt và có sự chi viện kịp thời của Đại đội cơ động CANDVT Sông Bé, đến 18 giờ cùng ngày, ta đã làm chủ được tình hình. Đồn CANDVT Đa Quýt đã bắn chết 68 tên địch, thu 12 khẩu súng, buộc địch phải rút lui về bên kia biên giới, góp phần bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân. Với chiến công này, ngày 16/12/1978, CB, CS Đồn CANDVT Đa Quýt được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Hai. Đội trưởng Vũ Thế Công (một mình chiến đấu kìm chân địch, tiêu diệt được 4 tên) được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.

Hệ thống lại các sự kiện cho thấy, Pol Pot liên tục gia tăng các hoạt động đánh phá trên biên giới ta. Trong năm 1978, với nhiều hình thức như xâm lấn bằng bộ binh, tập kích vũ trang, pháo kích, chúng đã gây ra gần 300 vụ xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam trên tuyến biên giới Sông Bé. Nhưng với truyền thống “kiên quyết, triệt để, nhạy bén, chính xác, cảnh giác cao, đánh đúng đối tượng, ra sức nâng cao trình độ nghiệp vụ; đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và dựa vào dân” của An ninh vũ trang miền Nam và kinh nghiệm rút ra từ hoạt động thực tiễn, CANDVT Sông Bé đã góp phần xứng đáng cùng các lực lượng vũ trang, chính quyền và nhân dân địa phương đánh bại quân Pol Pot.

Dù trong hoàn cảnh nào, CB, CS thuộc CANDVT Sông Bé cũng luôn tỏ rõ lòng kiên trung, không sợ khó khăn, gian khổ, hy sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, 75 CB, CS của đơn vị đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới của Tổ quốc. Sự hy sinh của các anh góp phần tô thắm thêm ngọn cờ cách mạng, viết nên những trang sử hào hùng của CANDVT toàn quốc nói chung và của CANDVT Sông Bé nói riêng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, trong chiến đấu bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân khu vực biên giới.

Bài 22: Bất khuất Hoa Lư

Đăng Bảy

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhung-tuong-dai-bat-tu-tren-bien-gioi-bai-21-post463747.html