Những truyện kinh dị, trinh thám của Di Li

(NTĐ) - Tập truyện ngắn đầu tay “Tầng thứ nhất” đến “Điệu valse địa ngục” và tiểu thuyết “Trại Hoa Đỏ”, Di Li đã hình thành một say mê đến quyết liệt với thể loại truyện trinh thám và kinh dị. Với tập truyện ngắn thứ ba “7 ngày trên sa mạc”, nhà văn Di Li không có ý định viết tiếp một tập truyện thuần trinh thám và kinh dị. uy nhiên, hơi hướng trinh thám và kinh dị vốn đã tồn tại trong văn của chị lại là thế mạnh tạo nên sự hấp dẫn đặc biệt, cuốn hút người đọc.

Đọc tập truyện mới của Di Li, người đọc vẫn sẽ nhận ra giọng văn, cách dẫn dắt, cách tạo tình huống và xử lí tình huống của chị nhưng chúng ta sẽ thấy một Di Li chín chắn hơn, bình thản hơn và tự tin hơn vào lối viết của mình. Trong chín truyện ngắn trong tập truyện 7 ngày trên sa mạc”, có ba điểm đáng để người đọc cầm trên tay tập truyện ngắn thú vị này: Những lớp kiến thức phong phú về nhiều lĩnh vực được trình bày một cách công phu thể hiện sự am tường của tác giả; Chất trinh thám và kinh dị tạo được sự hấp dẫn đặc biệt với người đọc và giọng văn hài hước trong cách nhìn cuộc sống hiện đại. Song, với Di Li, chất trinh thám và kinh dị vẫn là dấu ấn đậm nhất của chị. Chất trinh thám trong lối văn của Di Li là một lợi thế khi xây dựng tình huống truyện. Có chất trinh thám nghĩa là nhà văn đặc biệt có khả năng dẫn dụ người đọc, gài và giấu chi tiết, khơi gợi trí tò mò và nhiều khi làm người đọc thót tim. Nhà văn sẽ phải kỳ công tính toán đường đi nước bước cho nhân vật và chi tiết. Cả chín truyện ngắn trong tập “7 ngày trên sa mạc” đều thấp thoáng có yếu tố trinh thám nhưng bốn truyện “7 ngày trên sa mạc”, “Viên kim cương đen”, “Hai người trên hoang đảo” và “ảo mộng” là đậm đặc hơn cả. Truyện ngắn đầu tiên “ 7 ngày trên sa mạc” là một trong những truyện ngắn hay và hấp dẫn nhất trong tập. Nhà văn dùng nghệ thuật xen kẽ liên tục hai câu chuyện quá khứ và hiện tại của Trác với mục đích làm câu chuyện rối rắm như chính hoàn cảnh hiện tại của nhân vật. Nhưng mục đích khác là nhà văn muốn đánh đố người đọc, thách thức người đọc và buộc người đọc phải đọc đến hết câu chuyện mới dừng lại được. Di Li tiết chế chi tiết một cách vừa đủ để người đọc khó đoán được ý định của tác giả. Nghệ thuật đặc trưng trong tất cả những tác phẩm của Di Li là nghệ thuật móc xích chi tiết. Trong mỗi một lời giải đáp cho chi tiết được dẫn dụ từ trước lại ẩn chứa những yếu tố manh nha bí ẩn của chi tiết thứ hai. Cứ như vậy cho đến hết truyện, người đọc luôn phải trong trạng thái đi tìm. Nghệ thuật như móc xích chi tiết một liều thuốc kích thích người đọc nhưng lại là một thử thách lớn với nhà văn. Điều đó, làm cho mỗi truyện ngắn của Di Li đặc biệt hấp dẫn những người ưa khám phá. Mỗi truyện là một cuộc khám phá, một chuyến phiêu lưu dấn sâu vào vùng bí ẩn mà ở đó con người trở nên quá nhỏ bé. Về tiểu thuyết và truyện ngắn của Di Li, chắc chắn rằng người đọc sẽ chỉ có thể đứng trước hai lựa chọn: Một là không đọc và hai là đã cầm cuốn sách lên thì không thể bỏ xuống được chừng nào chưa đến được trang cuối cùng của cuốn sách. “7 ngày trên sa mạc” do NXB Văn học phối hợp với công ty Phương Đông phát hành đầu tháng 7 vừa qua.

Nguồn ANTĐ: http://www.anninhthudo.vn/tianyon/index.aspx?articleid=54176&channelid=8