Những trường hợp nào không nên phẫu thuật thẩm mỹ?

ThS.bác sĩ nội trú Nguyễn Minh Nghĩa (Bộ môn Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, trường Đại học Y Hà Nội) cho biết, những bệnh nhân có bệnh lý mãn tính như thiếu máu, bệnh lý tim mạch, đái tháo đường… sẽ không đủ điều kiện phẫu thuật thẩm mỹ.

Bác sĩ thực hiện một ca phẫu thuật thẩm mỹ

Ở tuổi 68, bà Lê Thanh Hà (Hà Nội) vẫn có nhu cầu làm đẹp để "giữ thanh xuân". Vì thế, bà Hà đến một cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ với mong muốn nâng ngực, nâng mí mắt. Tuy nhiên, sau khi tầm soát bệnh nền, bệnh lý cho bà Hà, các bác sĩ đã từ chối làm vì bà Hà bị cao huyết áp, bệnh gút và có tiền sử tim mạch. Sau khi nghe bác sĩ phân tích, bà Hà từ bỏ ý định nâng ngực mà chỉ làm phẫu thuật nâng mí mắt.

Mới đây, sự cố y khoa sau phẫu thuật thẩm mỹ khiến một phụ nữ 70 tuổi tử vong khiến nhiều người lo ngại rằng, can thiệp "dao kéo" khi tuổi đã cao là việc làm nguy hiểm.

PGS.TS.BS. Lê Hành, Chủ tịch Hội Phẫu thuật thẩm mỹ TPHCM, cho biết, có 2 loại tuổi: tuổi sinh học và tuổi đồng hồ. Một người có thể có tuổi đồng hồ cao, 80-90 tuổi nhưng tuổi sinh học chỉ khoảng 50-60 tuổi. Phẫu thuật thẩm mỹ sẽ tính trên tuổi sinh học, có nghĩa là trên sức khỏe thực sự của người đó. Vì vậy, trước khi phẫu thuật, cần phải tầm soát để biết chính xác sức khỏe của người đó có tuổi sinh học là bao nhiêu. Các bộ phận trong cơ thể có tốt không, có những bệnh nền nào? "Mổ phẫu thuật thẩm mỹ trên người lớn tuổi thường có nhiều vấn đề cần giải quyết vì lão hóa xảy ra trên toàn thân. Nếu có những bệnh lý nền và suy yếu các cơ quan do lão hóa thì bệnh nhân thực sự phải đối diện với nhiều nguy cơ", bác sĩ Lê Hành cho biết. Trong hơn 40 năm làm nghề, bác sĩ Lê Hành đã từ chối nhiều ca muốn phẫu thuật thẩm mỹ vì sức khỏe không đảm bảo. Cũng theo bác sĩ Lê Hành, không phải biến chứng chỉ xảy ra trên những ca nặng, đại phẫu mà từng có trường hợp làm tiểu phẫu bị tử vong.

Ths.bác sĩ nội trú Nguyễn Minh Nghĩa (Bộ môn Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, trường Đại Học Y Hà Nội) cho biết, những bệnh nhân có bệnh lý mãn tính như thiếu máu, bệnh lý tim mạch, đái tháo đường… sẽ không đủ điều kiện phẫu thuật thẩm mỹ. "Trong trường hợp đó, tôi đều phải giải thích rõ lý do từ chối để bệnh nhân hiểu được nguy cơ và rủi ro. Tôi đã gặp một số trường hợp sau khi bị từ chối đã đến những cơ sở không uy tín. Tại đó, họ bất chấp để thực hiện cho bệnh nhân, dẫn đến những biến chứng", bác sĩ Minh Nghĩa cho hay.

Theo bác sĩ Minh Nghĩa, người cao tuổi phẫu thuật thẩm mỹ có thể xảy ra biến chứng giống như những lứa tuổi khác. Tuy nhiên, với bệnh lý toàn thân như suy giảm chức năng gan, thận, tăng huyết áp, tim mạch, hệ miễn dịch suy giảm… thì nhóm tuổi này có nguy cơ bị biến chứng cao hơn. Nếu sau khi các bác sĩ đã loại trừ và kiểm soát hết các bệnh lý toàn thân, các yếu tố bất lợi trên người lớn tuổi thì vẫn có thể thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ cho người đó một cách an toàn.

Với người trên 60 tuổi, việc lựa chọn cơ sở phẫu thuật uy tín, có kinh nghiệm là đặc biệt quan trọng. Vì chỉ ở cơ sở có kinh nghiệm các bác sĩ mới tầm soát hết các bệnh lý, kể cả trong giai đoạn sớm để cảnh báo cũng như có kế hoạch phẫu thuật an toàn, hợp lý cho người có nhu cầu. Ngoài ra, trong trường hợp biến chứng xảy ra, việc xử trí cũng đòi hỏi bác sĩ có kinh nghiệm vì diễn biến ở người lớn tuổi thường phức tạp, khả năng hồi phục chậm.

Bài, ảnh: An Khê

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nhung-truong-hop-nao-khong-nen-phau-thuat-tham-my-20240509145751231.htm