Những triệu phú nông dân

Bằng sự năng động, dám nghĩ, dám làm, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chăn nuôi, phát triển dịch vụ du lịch... nhiều nông dân trong tỉnh đã gặt hái được thành quả, trở thành những triệu phú nông dân.

Anh Hà Văn Chiến (thứ 2 bên phải) trao đổi kinh nghiệm trồng cam với tổ khuyến nông cộng đồng.

Nhiều người gọi ông Hà Văn Chiến, Hợp tác xã đặc sản Tây Bắc, thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu là “Nhà khoa học nông dân”. Bởi kết quả nghiên cứu ghép mắt thành công từ cuống của quả cam nhập khẩu trong siêu thị, gia đình ông có vườn cam Navel rộng 4.000m2 cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Ông Chiến kể: Năm 2011, trong một lần đi siêu thị tại thủ đô Hà Nội để tìm hiểu thị trường, tôi thấy quả cam có cái tên khá lạ - Navel, nên đã mua về làm quà cho gia đình. Khi ăn, nhận thấy cam có mùi rất thơm, vị ngọt đậm, ưu điểm nữa là quả cam không có hạt. Với ý tưởng táo bạo, tôi lấy 2 đoạn cuống quả còn khá tươi rồi ghép mắt với cây cam trong vườn của gia đình.

Ông Chiến trầm ngâm: Việc chiết hay ghép cây, tôi đã thực hiện nhiều lần, nhưng lần này thì khác, bởi tôi chỉ có 2 đoạn cuống nên rất cẩn thận. Để tăng khả năng thành công, tôi đã chia 2 đoạn cuống thành 4 đoạn để ghép vào 4 cây trong vườn, hằng ngày theo dõi để đánh giá mức độ phát triển của mắt ghép. Thật may mắn, lần thử nghiệm đầu tiên đã thành công.

Do hợp với điều kiện tự nhiên ở Mộc Châu nên việc chiết ghép giống cam Navel khá thuận lợi, phát triển nhanh. Đến năm 2013, bốn cây giống cam Neval cho lứa quả đầu tiên, chất lượng quả rất tốt. Đến nay, gia đình ông có khoảng 350 cây, mỗi năm thu được 15 tấn quả, trừ chi phí thu khoảng 600 triệu đồng. Từ thành công đó, ông Chiến đã liên kết với một số hộ dân tại tiểu khu 66, thị trấn Nông trường Mộc Châu, thành lập Hợp tác xã đặc sản Tây Bắc, mở rộng diện tích trồng cam Navel. Hiện nay, diện tích trồng cam Navel của HTX đạt khoảng 20ha, mỗi vụ bán ra thị trường 500-600 tấn quả chất lượng cao. Đầu vụ, cam có giá khoảng 60.000 đồng/kg, còn vào dịp tết, có giá khoảng 100.000 đồng/kg. Giờ đây, nông dân thị trấn Nông trường Mộc Châu có thêm loại cây ăn quả mới, đem lại giá trị kinh tế cao, vươn lên làm giàu.

Còn câu chuyện làm giàu của nông dân Ngần Văn Hùng, xã Chiềng Khoa, huyện Vân Hồ, lại bắt đầu từ sự linh hoạt, năng động nắm bắt nhu cầu thị trường. Đó là việc anh cùng với mấy người họ hàng vay vốn khởi nghiệp làm du lịch. Chỉ sau thời gian ngắn hoạt động, anh đã nhận được sự đánh giá cao của du khách khi đến địa điểm du lịch nổi tiếng thác Nàng Tiên - một trong những thác nước đẹp nhất của huyện Vân Hồ.

Anh Hùng chia sẻ: Khi quyết định làm du lịch, ba anh em phải vay vốn từ nhiều nguồn để bắt tay vào xây dựng cơ sở vật chất. Hơn 2 tỷ đồng vay từ ngân hàng cùng số tiền tiết kiệm của các gia đình, cộng với chương trình thanh niên lập nghiệp hỗ trợ 100 triệu đồng, chúng tôi đã sử dụng 800 triệu đồng làm 700m đường bê tông từ tỉnh lộ 101 đến bản Khoòng. Số tiền còn lại, xây dựng nhà hàng phục vụ ăn uống và cải tạo cảnh quan môi trường.

Anh Hùng nói thêm: Sau khi khởi nghiệp thành công, tôi và các anh em đã thống nhất thành lập HTX nông nghiệp du lịch - dịch vụ Chiềng Khoa để liên kết thêm các thành viên, thuận lợi cho việc phát triển các dịch vụ kèm theo, tạo việc làm cho bà con trong bản. Trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chúng tôi đã tranh thủ khắc phục những điểm còn hạn chế, tăng cường quảng bá thông qua các trang mạng xã hội, cùng sự giúp sức của chính quyền, giờ đây, điểm du lịch Thác Nàng Tiên được khách du lịch trong tỉnh, ngoài tỉnh biết đến.

Sau gần 3 năm hoạt động, HTX đã có 15 thành viên thường xuyên phục vụ khách du lịch. Trung bình một tháng đón 1.500 lượt khách, doanh thu 150-180 triệu đồng/tháng. Khu du lịch sinh thái thác Nàng Tiên từng bước trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong tour du lịch khu du lịch quốc gia Mộc Châu. Mô hình HTX nông nghiệp du lịch - dịch vụ Chiềng Khoa trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế địa phương.

Khác với hai mô hình trên, chị Bùi Thị Thúy, bản Văn Cơi, xã Mường Cơi, huyện Phù Yên chọn mô hình nuôi giống bò 3B có nguồn gốc từ Bỉ trọng lượng bò đực trưởng thành nặng tới từ 900 - 1.250 kg. Chị Thúy chia sẻ: Nhà tôi mua 5 con bò giống 3B ở Hà Nội về nuôi thí điểm, với giá 26 triệu đồng/con. Vừa nuôi, vừa học hỏi kỹ thuật chăm sóc giống bò mới. Ưu điểm bò 3B có sức đề kháng rất tốt, ít chịu ảnh hưởng của dịch bệnh; tăng trưởng nhanh hơn nhiều lần so với bò địa phương. Sau 1 năm chăn nuôi, bán lứa bò đầu tiên, trừ chi phí, lãi 150 triệu đồng.

Từ kết quả bước đầu, chị Thúy mở rộng quy mô nuôi 10 con bò 3B theo hình thức vỗ béo, cùng 3 con giống, mỗi năm gia đình chị Thúy thu lãi trên 210 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả từ nuôi bò 3B, nhiều hộ ở bản Văn Cơi đến học hỏi và nhân rộng mô hình. Hiện nay, bản có 12 hộ nuôi bò 3B, với gần 100 con. Anh Chử Văn Tiến, bản Cơi, chia sẻ: Gia đình tôi nuôi trên 20 con bò, trong đó, 7 con bò 3B nuôi vỗ béo, mỗi năm gia đình xuất bán 7 con bò 3B với khối lượng thịt hơi ước đạt 12-15 tấn, trừ chi phí, thu khoảng 300 triệu đồng.

Thành quả của sự nỗ lực hưởng ứng phong trào thi đua “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi phát động” do Hội Nông dân tỉnh phát động, đến nay toàn tỉnh có 30.069 hộ đạt danh hiệu hộ nông dân SXKD giỏi các cấp; trong đó, 5 nông dân SXKD giỏi được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh “Nông dân Việt Nam xuất sắc”; có 3 “Nhà khoa học của nhà nông”. Những triệu phú nông dân xuất hiện ngày càng nhiều, minh chứng về sự năng động, dám nghĩ, dám làm của nông dân Sơn La, góp phần phát triển mạnh kinh tế, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Bài, ảnh: Khải Hoàn

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/guong-sang-ban-lang/nhung-trieu-phu-nong-dan-JOOks2tSR.html