Những trận thắng rực rỡ nhất của quân đội Nga trước đại quân Napoleon

Đánh bại Napoleon từng là nhiệm vụ hoàn toàn không dễ dàng. Tuy nhiên, quân đội Nga đã nhiều lần chiến thắng trước đại quân hùng mạnh nhất lúc bấy giờ.

Trận đánh ở Maloyaroslavets

Ngày 19-10-1812, sau hơn một tháng trú quân vô nghĩa ở Moskva, Napoleon Bonaparte đã đưa đại quân của mình rời thành phố “vườn không nhà trống” và bị đốt cháy này, rồi bắt đầu rút quân về các tỉnh phía Tây của Đế chế Nga, nơi binh sĩ có thể chờ cho qua mùa đông khắc nghiệt. Hoàng đế Pháp quyết định đi qua thành phố Kaluga theo phía Nam, nơi ông tính đánh chiếm những kho lương thực dồi dào của quân đội Nga.

Trận chiến bảo vệ thành phố Maloyaroslavets ngày 12-10-1812. Ảnh: Nikolai Samokish

Trận chiến bảo vệ thành phố Maloyaroslavets ngày 12-10-1812. Ảnh: Nikolai Samokish

Tiến chặn đánh quân Pháp là lực lượng do Tổng tư lệnh quân đội Nga Mikhail Kutuzov phái đến. Ngày 24-10-1812, binh sĩ hai bên chạm trán nhau tại thành phố nhỏ Maloyaroslavets, sau đó bắt đầu những trận chiến sinh tử để bảo vệ thành phố.

Maloyaroslavets bị chiếm qua chiếm lại giữa hai bên đến 8 lần. Trên thực tế, kết thúc trận đánh thì thành phố này không còn lại gì. Eugene Labaume, nhân chứng cuộc chiến, mô tả quang cảnh bên trong thành phố: “Những con phố la liệt đầy xác chết. Trên mỗi bước chân đều bắt gặp những cánh tay và chân bị đứt lìa, khắp nơi vương vãi đầu lâu bị xe pháo binh đi qua xéo nát. Những ngôi nhà chỉ còn lại cảnh đổ nát đang cháy âm ỉ, dưới lớp tro là những bộ hài cốt đang phân hủy”.

Cuối cùng, Kutuzov đã lệnh cho binh sĩ rút về những trận địa phòng thủ đã chuẩn bị sẵn ở phía Nam thành phố. Mặc dù Maloyaroslavets bị Napoleon chiếm giữ, nhưng người Nga vẫn giành chiến thắng quan trọng về mặt chiến lược. Quân đội Pháp sức cùng lực kiệt không thể đánh chiếm các kho lương thực theo hướng Kaluga và bắt đầu rút quân theo con đường Smolensk đã bị tàn phá, nơi trước đó vào mùa hè Napoleon hừng hực khí thế tiến đánh Moskva.

Chiến thắng Krasny

Tháo chạy về biên giới phía Tây của Đế chế Nga trên đường Smolensk, đại quân của Hoàng đế Pháp Napoleon bị suy sụp trông thấy. Quân lương thiếu hụt trầm trọng, gần như mất sạch toàn bộ binh mã, cùng với đó là giá rét ập đến. Ngoài ra, quân Pháp thường xuyên bị hành hạ bằng những đợt tấn công của các đội kỵ sĩ và người Cozak, cũng như những ổ mai phục của quân du kích.

Nguyên soái Michel Ney yểm trợ cho đội hậu quân của đại quân Pháp. Ảnh: Adolf Ivon

Nguyên soái Michel Ney yểm trợ cho đội hậu quân của đại quân Pháp. Ảnh: Adolf Ivon

Một vài đội quân của Nga vẫn cố thủ rất gần với người Pháp, tìm cơ hội thích hợp để tấn công đối phương đã bị suy kiệt. Khi đội quân Napoleon nằm xõng xoài trên dường từ Smolensk đến thành phố Krasny, thì đó là lúc cơ hội đến.

Từ ngày 15 đến 18-11-1982 diễn ra hàng loạt trận đánh, kết quả là các quân đoàn của Hoàng tử Eugene Rose de Beauharnais, Nguyên soái Louis Nicolas Davout và Michel Ney bị quân đội Nga cắt đứt và đánh tan từng người một. Khi Napoleon được báo tin đối phương sẽ chia cắt đường rút rui của mình, thì ông ta cùng với đội cận vệ và một đơn vị binh sĩ đã chọc thủng qua những đội trắc vệ Nga, rồi tháo chạy về phía Tây thành phố Orsha.

Trận đánh ở Krasny khiến đại quân Napoleon thương vong lên đến 10.000 người. Ngoài ra, còn có thêm 26.000 người bị Nga bắt làm tù binh.

Trận thắng trên sông Berezina

Nếu trận đánh ở Krasny làm tổn thất khá nhiều đại quân của Napoleon, thì trận trên sông Berezina tiêu diệt hoàn toàn quân đội Pháp lúc bấy giờ. Trong tiếng Pháp thậm chí xuất hiện câu nói phổ biến là “Berezina đấy!”, khi đề cập đến sự thất bại hoàn toàn hoặc thảm họa nào đó.

Vượt sông Berezina. Ảnh: Lourens Alma Tadema

Vượt sông Berezina. Ảnh: Lourens Alma Tadema

Ngày 24-11-1812, khi Napoleon chạy đến sông Berezina thuộc lãnh thổ của Belarus ngày nay, thì trên bờ bên kia đứng chờ sẵn là Tập đoàn quân Danube của Nga gồm 2,4 vạn quân tinh nhuệ dưới sự chỉ huy của Đô đốc Pavel Chichagov. Khi đó vị hoàng đế Pháp cũng có gần 8 vạn quân, tuy nhiên chỉ một nửa trong số đó có vũ khí.

Napoleon đã đánh lừa được Đô đốc Chichagov bằng cách che giấu vị trí vượt sông thực sự của quân mình. Tuy nhiên, không phải tất cả đều sang bờ bên kia thành công. Ngày 28-11, người Pháp bị Tập đoàn quân Danube và đội quân 35.000 người của Tướng Pyotr Vitgenshtein từ phía Bắc tràn xuống tấn công.

Khi quân đội Nga tiến đến, binh sĩ Pháp vượt sông bắt đầu hoảng hốt và trở nên lộn lộn. Chúng chống đỡ quyết liệt từ sáng sớm đến đêm muộn. Lính Trung đoàn số 3 Jean-Marc Bussi nhớ lại: “Tất cả hỗn loạn đánh nhau trong tuyệt vọng. Chúng tôi không thể nổ súng được, mà chỉ đánh nhau giáp lá cà... Xác người nằm la liệt trên tuyết. Quân số chúng tôi giảm xuống nhanh chóng. Chúng tôi còn không dám nhìn sang phải, cũng chẳng nhìn sang trái, vì sợ sẽ không nhìn thấy đồng đội của mình... Xung quanh như một vụ thảm sát!»

Napoleon, ban tham mưu, đội cận vệ và đơn vị binh sĩ của ông ta thoát khỏi ổ mai phục, nhưng quân đội Pháp tổn thất nặng nề: Khoảng 5 vạn quân tử trận, bị Nga bắt làm tù binh hoặc chết đuối vì lạnh khi vượt sông Berezina. Tổn thất của quân đội Nga là từ 4 đến 10.000 người.

“Trận đánh của các dân tộc”

Tham gia trận chiến diễn ra ở Leipzig với tên gọi là “Trận đánh của các dân tộc” có quân đội của 10 quốc gia với tổng quân số lên đến 500.000 người. Thế giới từng không biết đến nhiều trận chiến quy mô lớn và đẫm máu cho đến khi bắt đầu Thế chiến lần thứ nhất.

Trận chiến diễn ra ở Leipzig, năm 1813. Ảnh: Polidor Babaev

Trận chiến diễn ra ở Leipzig, năm 1813. Ảnh: Polidor Babaev

Binh sĩ Nga từng là lực lượng xung kích chính của Liên quân số 6. Họ chiếm gần một nửa trong tổng số 300.000 quân của quân đội các nước đồng minh. Trong khi đó, dưới quyền chỉ huy của Hoàng đế Pháp Napoleon mới chỉ có gần 200.000 quân lính.

Trong 4 ngày, gần thành phố Leipzig thuộc bang Sachsen đã diễn ra những trận đánh ác liệt, mà lúc đầu Napoleon đã tiến gần đến chiến thắng. Ngày 16-10-1813, đội kỵ binh của Nguyên soái Joachim Murat chọc thủng trung tâm của quân đội đồng minh và chỉ còn cách tổng hành dinh của Nga, Phổ và Áo 800m. Thế trận đã được Trung đoàn cận vệ ngự lâm Cozak giải cứu bằng cách kiềm chế quân địch cho đến khi có viện quân đến.

Cuối cùng, quân Pháp đã thất bại trong trận chiến. Napoleon mất tổng cộng lên đến 80.000 quân bị thương vong và bắt làm tù binh. Tốn thất của Liên quân số 6 là 54.000 người.

Thất bại ở Leipzig là thảm họa đối với Napoleon. Ông ta đã đánh mất đồng minh lớn cuối cùng là Bavaria khi xứ này chuyển sang ủng hộ phe đối phương của Pháp. Không lâu sau, quân đội Napoleon buộc phải rút khỏi Đức và Hà Lan để tập trung bảo vệ nước Pháp. Đại tá Cơ quan tổng tham mưu nước Phổ, nam tước Müffling từng viết: “Trận chiến 4 ngày của các dân tộc ở Leipzig đã quyết định vận mệnh thế giới”.

QUỐC KHÁNH (theo RBTH)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/nhung-tran-thang-ruc-ro-nhat-cua-quan-doi-nga-truoc-dai-quan-napoleon-658566