Những Tổng thống và Phó Tổng thống Mỹ không hòa hợp với nhau

Trong suốt lịch sử chính trị của nước Mỹ, nhiều Tổng thống và Phó Tổng thống phối hợp chặt chẽ với nhau, trong khi có những cặp đôi quan hệ không mấy suôn sẻ, thậm chí là bất đồng hay căng thẳng.

Tổng thống Bill Clinton và Phó Tổng thống Al Gore ban đầu khá thân thiết trong 2 chiến dịch tranh cử thành công (1993-2001), nhưng họ xa cách nhau khi một số vụ bê bối nhấn chìm nhiệm kỳ thứ hai của ông Clinton.

Ngay từ năm 1999, ông Al Gore đã công khai chỉ trích Tổng thống về hành vi liên quan đến quan hệ bất thường với thực tập sinh Nhà Trắng Monica Lewinsky.

Ông Clinton cũng khó chịu vì tin rằng “Phó tướng” của mình muốn chứng minh rằng ông có thể tự mình đắc cử. Về sau, họ đã hàn gắn lại mối quan hệ sau vụ khủng bố ngày 11-9-2001.

Trong chiến dịch tranh cử năm 1972, ứng viên Tổng thống Richard Nixon muốn chọn một Phó Tổng thống hiệu quả hơn nhưng cuối cùng chấp nhận ông Spiro Agnew vì chính trị gia này rất được lòng những người bảo thủ.

Nhưng quan hệ của hai nhà lãnh đạo Nhà Trắng xấu đi khi ông Agnew từ chức vào năm 1973 và không bào chữa cho cáo buộc trốn thuế liên bang sau cuộc điều tra của Bộ Tư pháp.

Tổng thống Richard Nixon sau đó không liên lạc với ông Agnew, mặc dù cựu Phó Tổng thống Agnew đã tham dự tang lễ của ông Nixon vào năm 1994.

Trước đó, ông Richard Nixon cũng từng làm “Phó tướng” của Tổng thống Dwight D. Eisenhower từ năm 1953 đến năm 1961. Trong nhiệm kỳ đó, ông Nixon bất đồng về một số vấn đề.

Mọi chuyện thực sự leo thang vào năm 1960 khi Tổng thống Eisenhower được đề nghị kể tên những đóng góp quan trọng của ông Nixon và trả lời: “Chà, nếu cho tôi một tuần, tôi có thể nghĩ ra một điều nào đó”.

Cuối cùng họ đã hòa giải khi con gái của ông Nixon là Julie kết hôn với David, cháu trai của ông Eisenhower vào năm 1968.

Năm 1960, Tổng thống John F. Kennedy chọn Thượng nghị sĩ Lyndon B. Johnson làm người liên danh tranh cử cùng mình, với kỳ vọng một sự cân bằng về mặt địa lý và tôn giáo

Nhưng thực tế, Tổng thống JFK hiếm khi gặp riêng ông Johnson, và em trai ông, Bộ trưởng Tư pháp Robert Kennedy, công khai thù địch với Phó Tổng thống

Vì thế, Phó Tổng thống Lyndon B. Johnson chủ yếu thực hiện các chuyến công du khắp thế giới, để ra khỏi Washington. Sau vụ ám sát JFK, ông Johnson giữ chức Tổng thống từ năm 1963 đến năm 1969.

Mặc dù mỗi tình huống đều khác nhau, nhưng mối quan hệ không suôn sẻ giữa hai nhân vật quyền lực nhất nước Mỹ phổ biến hơn từ những thế kỷ trước đó

Đó là bởi vì chức vụ Phó Tổng thống Mỹ chỉ là một chức vụ mang tính nghi lễ. Điều này dễ dẫn đến một số thái độ căng thẳng, thậm chí thù địch

Nhìn lại lịch sử, Tổng thống William McKinley chưa bao giờ thực sự thích Phó Tổng thống Theodore Roosevelt mặc dù chọn đây là người đồng hành với mình trong cuộc bầu cử năm 1900

Ông Roosevelt từng là Trợ lý Bộ trưởng Hải quân dưới thời Tổng thống McKinley và trở thành “người hùng chiến tranh” vào năm 1898 sau trận chiến chống lại Tây Ban Nha.

Tuy nhiên, ông McKinley cảm thấy những thành tích đó chỉ là ông Roosevelt muốn thực hiện để “tô điểm” cho lý lịch chính trị của mình.

Một trường hợp khác, Phó Tổng thống Charles G. Dawes ban đầu không phải là lựa chọn đầu tiên của Tổng thống Calvin Coolidge. Vị trí này thực sự đã được trao cho một chính trị gia khác, nhưng người này đã từ chối.

Sau chiến thắng vang dội, rạn nứt giữa họ nảy sinh. Theo truyền thống có từ năm 1789, ông Dawes có bài diễn văn nhậm chức ngắn gọn trước Thượng viện, nhưng bài diễn văn chỉ trích Thượng viện đó khiến ông Coolidge phật ý.

Năm 1796, Tổng thống John Adams (trái) và Phó Tổng thống Thomas Jefferson (phải) lên nắm quyền do 2 người giành số phiếu bầu cao nhất theo luật thời đó

Tuy nhiên, ông Adams bổ nhiệm nội các ngay trước lễ nhậm chức của ông Jefferson. Vì điều này, ông Jefferson giận, từ chối giữ chức vụ, sau đó thắng cử Tổng thống năm 1800

Hai người ngừng liên lạc suốt 10 năm nhưng cuối cùng đã nối lại quan hệ vào năm 1811. Thật trùng hợp, họ qua đời vào cùng một ngày: ngày 4-7-1826.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nhung-tong-thong-va-pho-tong-thong-my-khong-hoa-hop-voi-nhau-post566553.antd