Những tối cuối năm đọc truyện xưa

Đó là những buổi tối cuối năm ở Khánh Hội. Nhà ông ngoại tôi sát vách nhà ông bà cố.

Lúc đó, nhà ông bà cố tôi làm nghề may triện làm phướn, trong nhà chất đầy vải sồ, chỉ thêu, kim tuyến. Ông ngoại tôi đi làm ở Sở hỏa xa Đông Dương, còn phụ nữ trong nhà làm công việc may phướn do bà cố giao. Cậu Linh, anh đầu của má tôi đi học về cũng phải ngồi lo thêu may cùng với đám phụ nữ mới sớm xong việc.

Đến tối, chỉ có chút ánh sáng đèn dầu leo lét nên không thể làm gì được nữa sau bữa cơm chiều. Đám phụ nữ yên lặng chờ đợi. Từ bên nhà bà cố, nghe tiếng gọi, cậu Linh ôm vội cuốn truyện đi qua. Bà cố, người sinh ra ông ngoại tôi là người gốc Huế, mê truyện Tàu từ những ngày còn sống ở miệt Mỹ Tho.

Ảnh minh họa: TL

Ảnh minh họa: TL

Cậu Linh lúc đó mới khoảng 16 hay 17 tuổi, hầu như tối nào cũng phải sang nhà bà cố để đọc cho bà nghe, hết truyện Tôn Tẩn giả điên đến La Thông tảo Bắc. Tiếng cậu Linh sang sảng xuyên qua vách ván đến tai bà ngoại, má tôi và dì Út đang lắng tai dõi theo, nghe vọng âm buồn buồn trong tiếng gió thổi đưa hơi lạnh ẩm từ phía sông dưới chân cầu Ông Lãnh vào nhà. Chuyện trung hiếu tiết nghĩa người xưa gìn giữ sao phải chịu nhiều khó khăn, đau khổ như vậy!

Sài Gòn lúc đó còn vắng vẻ, sông còn rộng và gió từ sông thổi vào cuối năm càng lạnh. Má tôi và dì út, cho đến nhiều năm sau này, khi gặp nhau trong những buổi giỗ thỉnh thoảng nhắc lại những ngày xa xưa đó. Nhà không nghèo nhờ ông ngoại tôi đi làm cho Tây nhưng khá đông người, phải bày việc làm thêm mới lo ăn học cho cả đàn con cháu trong hai căn nhà sát vách nhau.

Má tôi kể: “Lúc đó chỉ có đọc tích Tàu mới qua được những buổi tối buồn không biết làm gì. May mà ông ngoại của con thích truyện xưa, mua nhiều và để dành trong cái rương gỗ trong buồng ông ở. Người nghe nhiều nhất là bà cố”.

Thời đó, ông ngoại tôi thường mua truyện của nhà in Nguyễn Văn Viết. Họ có người dịch truyện qua chữ quốc ngữ, lâu lâu lại có đợt bán hạ giá. Có khi ông ngoại bận không mua sách mới, tiện có người bán sách dạo di ngang là bà ngoại gọi vô mua.

Ông ngoại không thích mua của họ. Ông không coi thường, nhưng sách họ bán thường có loại sách giả, luôn bị thiếu trang. Có lần ông mua bộ Phong Kiếm Xuân Thu chỉ có hơn 300 trang, sau đó đến ngay nhà in Jh. Viết trên đường d’Ormay (Mạc Thị Bưởi) mới biết cuốn gốc có tới hơn 500 trang. Từ đó ông không mua sách bán dạo nữa. Bà ngoại và bà cố vẫn tỉnh bơ mua loại sách này vì được bán tới tận nhà. Với các bà, sách bị rút trang nhưng đọc vẫn hiểu được, mau hết, cũng có đầu có đuôi dù khúc giữa có thiếu chút không sao (!).

Ông ngoại tôi, như nhiều người có học thời đó, kén chọn người dịch sách. Ông chỉ tin ba ông dịch giả Nam kỳ là Nguyễn Chánh Sắt, Trần Phong Sắc và Nguyễn An Khương. Ông thích bộ Tam Quốc do ông Nguyễn Chánh Sắt dịch, có lời bình của Thánh Thán tiên sinh, có hình minh họa. Ông cưng bộ sách đó nên cất sâu dưới đáy rương. Những buổi trưa chủ nhật, ông nằm trên võng đọc truyện Tam Quốc, lâu lâu lại buông một câu “Hay, hết sức hay!” rồi đong đưa võng thật mạnh, trong khi đám phụ nữ cắm cúi thêu trên bộ ván ngựa bằng gỗ sây.

Ba tôi kể hồi thập niên 1930, 1940 nhà giàu mới có máy hát dĩa nghe tuồng hát bội cải lương. Người bình thường có tủ trữ các cuốn sách dịch từ truyện tích Tàu là có niềm vui trong nhà. Đứa nhỏ nào biết chữ quốc ngữ phải đọc cho cả nhà nghe vào buổi tối, có khi hàng xóm sang nghe nhờ, chật cả bộ ván ngựa. Tủ đựng sách phải bằng gỗ tốt để không bị mối mọt, thỉnh thoảng lại mở ra lấy sách đem phơi chỗ thoáng hoặc xem có bị con ba đuôi gặm không. Truyện Việt có nhiều cuốn hay nhưng đa số là chuyện xã hội, còn muốn xem truyện có tình tiết gay cấn, thử thách sống chết thì truyện tích Tàu có nhiều hơn, với đầy dẫy những âm mưu và các trận đánh nhau quyết liệt giữa các phe phái, các xứ sở. Từ những cuộc chiến đó, luôn xuất hiện những người trung liệt, kẻ gian xảo, nịnh thần, hôn quân và minh chúa rất đáng nhớ.

Ảnh minh họa: TL

Ảnh minh họa: TL

Anh bạn tôi, con một ông thợ mộc ở Gò Vấp kể chuyện ba anh hồi xưa rất mê đọc truyện Tàu. Tủ sách của ông, tất nhiên do ông tự tay đóng rất đẹp bằng gỗ cẩm lai, luôn bóng lưỡng vì được lau chùi thường xuyên. Dù đã đọc hết tất cả truyện trong đó, có những buổi tối, ông vẫn bắt con trai lớn đọc vài chương truyện, hết Tam Quốc rồi đến Đông Châu liệt quốc, Phong thần, Thuyết đường, Tiết Nhơn Quý chinh đông.... Ông thương nhân vật Lư Tuấn Nghĩa cao lớn, mắt sáng như sao trong truyện Thủy Hử vì kẻ xấu ganh tài mà bị hãm hại, ra khỏi tù thì bị vợ phản bội, cuối đời bị hại mà chết sớm. Ông xúc động trước cái chết của những người tài giỏi, như Khương Tử Nha trong truyện Phong Thần hay Khổng Minh trong truyện Tam Quốc, đã tìm cách thoát khỏi vận số của mình nhưng không được chỉ vì một chuyện tình cờ đến.

Ông vốn ít nói, nhưng những lúc nghe đọc truyện lại thích nói nhiều. Mỗi khi truyện tới đoạn gây cấn rồi dẫn tới ngã ngũ, ông thường lặp lại một câu “Bây thấy chưa?!” rồi mới giải thích một hơi. Khi Tào Tháo bảo thuộc hạ: “Thà mình phụ người ta còn hơn người ta phụ mình!”. Ông nói: “Bây thấy chưa! Người gian hùng tới cỡ đó, cuộc đời bây giờ cũng có!”. Khi tới đoạn Trương Phi bị bị bộ hạ dưới trướng là Trương Đạt và Phạm Cương sát hại vì ép buộc họ làm một việc mà họ không thể làm kịp, ông nói to “Bây thấy chưa, ông Lưu Bị còn trách Trương Phi thích dùng hình phạt quá mức, hay đánh đập người dưới, như vậy là chuốc họa vào thân...”.

Anh bạn tôi kể sau này lớn lên, anh nhắc cha chuyện hồi xưa khi ngồi nghe đọc truyện Tàu, cha hay nói câu “Bây thấy chưa!”. Ba anh cười: “Tao là dân cầm cưa cầm đục, chữ nghĩa không nhiều, muốn dạy tụi bây chỉ có cách đó là dễ nhất, nghe truyện xưa tới đâu dạy tới đó!”. Anh bảo nghe mà thương ông già, vợ mất sớm, “gà trống” nuôi tới bốn thằng con trai, vừa lo đóng tủ đóng ghế từ sáng đến tối kiếm tiền đong gạo.

Bốn anh em trong nhà lớn lên, ai cũng sống đàng hoàng lương thiện. Tuy không phải ai cũng nhớ chuyện hồi còn nhỏ, nhưng anh tin gia đình mình đã có những giờ phút êm ấm, trong không gian có mùi vernis, mùi gỗ và tiếng lép bép phát ra từ cây đèn cầy đang cháy, rõ mồn một tiếng đọc truyện của đứa con trai lớn nhất. Anh tin những bài học “bây thấy chưa!” đơn sơ đó giúp mấy anh em bước vững vàng vào đời, biết sống và tin vào những điều tốt đẹp và chính trực, như mạch ngầm thấm vào các anh từ lúc đó, dù không nhận ra.

Phạm Công Luận

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/nhung-toi-cuoi-nam-doc-truyen-xua-30553.html