Những tín hiệu tích cực cho ngành dâu tằm tơ Việt Nam

Thời gian qua, diện tích trồng dâu nuôi tằm của Lâm Đồng nói riêng, trong cả nước nói chung ngày càng tăng, là tín hiệu tích cực cho ngành dâu tằm tơ Việt Nam.

Ngày 2/12, tại TP. Đà Lạt (Lâm Đồng), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội nghị phát triển bền vững ngành dâu tằm tơ Việt Nam.

Hội nghị đã tập trung thảo luận, trao đổi về thành tựu, thách thức của ngành dâu tằm tơ trên cả nước cũng như vấn đề giống tằm đã được quan tâm trong thời gian qua.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: LS

Tại hội nghị, ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chia sẻ, hiện nay cả nước có 32 tỉnh có nghề trồng dâu nuôi tằm với diện tích khoảng 13.200 ha dâu. Trong đó vùng Tây Nguyên chiếm 77%, tiếp theo là vùng miền núi và trung du chiếm 11%, ít nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có 0,05%, các vùng khác từ 2,94 - 5,14%.

Trong giai đoạn 5 năm (2018 - 2022), cả nước có diện tích trồng dâu tằm tăng trưởng là 12,15% và sản lượng kén tằm tăng trưởng là 19,33%.

Cụ thể, từ năm 2018 sản lượng kén tằm bắt đầu có sự tăng trưởng. Năm 2019, cả nước sản xuất được hơn 11.800 tấn kén tằm các loại; năm 2020 là gần 15.000 tấn (tăng 25,9% so với năm 2019); năm 2021 đạt hơn 16.400 tấn, năm 2022 sản xuất được hơn 16.800 tấn. Do đó, mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2018 - 2022 là 19,33%.

Các đại biểu tham dự hội nghị phát triển bền vững ngành dâu tằm tơ Việt Nam. Ảnh: LS

Về giống tằm, nước ta có hai loại chính là tằm dâu và tằm thầu dầu lá sắn. Giống tằm dâu được sử dụng chủ yếu trên diện rộng (giống đa hệ kén vàng và giống lưỡng hệ kén trắng; giống tằm đa hệ cho chất lượng tơ không tốt bằng giống lưỡng hệ nhưng khỏe dễ nuôi hơn giống lưỡng hệ cho chất lượng tơ cao). Giống tằm thầu dầu lá sắn được nuôi ở một số vùng trung du và miền núi phía bắc như Tuyên Quang, Phú Thọ.

Với giống tằm đa hệ kén vàng và tằm thầu dầu lá sắn, hiện nay Việt Nam hoàn toàn chủ động được nguồn trứng. Tuy nhiên, trứng tằm lưỡng hệ kén trắng Việt Nam mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu, 90% trứng tằm lưỡng hệ (kén trắng) đang nhập từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch.

Người nông dân đang thực hiện cho con tằm ăn lá dâu. Ảnh: LS

Cũng tại hội nghị, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho hay, năm 2023, diện tích trồng dâu tằm của địa phương này đạt khoảng 9.800 ha, sản lượng lá dâu ước đạt 247.000 tấn, sản lượng kén đạt khoảng 16.000 tấn. Toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có khoảng 16.000 hộ nông dân trồng dâu, nuôi tằm, có 5 làng nghề trồng dâu nuôi tằm và 45 tổ hợp tác, 12 hợp tác xã trồng dâu, nuôi tằm.

Với nhu cầu trứng tằm lưỡng hệ khoảng 350.000 - 400.000 hộp/năm (giá trị khoảng 100 tỷ đồng), toàn bộ được nhập khẩu từ Trung Quốc bằng con đường tiểu ngạch, không qua kiểm dịch, chất lượng trứng giống tằm không ổn định (phần lớn nhập từ tỉnh Quảng Tây và một số ít nhập từ tỉnh Quảng Đông).

Toàn tỉnh hiện có 4 tổ chức, cá nhân nhập khẩu trứng giống tằm từ Trung Quốc và khoảng 200 cơ sở nuôi tằm con tập trung (chủ yếu trên địa bàn huyện Lâm Hà và TP. Bảo Lộc) thực hiện cung ứng giống tằm con cho người chăn nuôi.

Lâm Đồng đang có nhiều thế mạnh và tiềm năng sẵn có để phát triển ổn định, bền vững ngành dâu tằm tơ. Ảnh: LS

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Phúc, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng chia sẻ ngành dâu tằm tơ của Việt Nam nói chung và tỉnh Lâm Đồng nói riêng vẫn còn một số tồn tại, bất cập như hiện nay giống tằm còn phụ thuộc quá nhiều vào việc nhập khẩu từ Trung Quốc, do hệ thống sản xuất trứng giống tằm trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng, chất lượng.

Công tác quản lý và sản xuất, kinh doanh trứng tằm còn nhiều bất cập, hành lang pháp lý chưa thật sự rõ ràng, công tác chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về trồng dâu nuôi tằm theo hướng kỹ thuật cao chưa được thực hiện thường xuyên.

Đặc biệt, sự liên kết trong sản xuất ngành dâu tằm tơ còn yếu, chưa có doanh nghiệp lớn làm đầu mối để liên kết chuỗi sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm lụa tơ tằm.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Phùng Đức Tiến lại đánh giá hiện nay các tỉnh thành trong cả nước, đặc biệt là tỉnh Lâm Đồng đang có nhiều thế mạnh và tiềm năng sẵn có để phát triển ổn định, bền vững ngành dâu tằm tơ.

“Năm 2020, Bộ đã phối hợp với tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội nghị này, sau 3 năm tiếp tục tổ chức để xem lại chúng ta đã làm được gì, ngành dâu tằm phát triển ra sao, còn những khó khăn, vướng mắc gì. Từ đó các đơn vị thuộc bộ, các tỉnh và các doanh nghiệp trao đổi, thảo luận, hiến kế để phát triển ngành dâu tằm tơ của Việt Nam phát triển một cách bền vững hơn nữa”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh.

Lê Sơn

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nhung-tin-hieu-tich-cuc-cho-nganh-dau-tam-to-viet-nam-289427.html