Những tín hiệu khả quan từ các doanh nghiệp đóng tàu

Với Nghị quyết 220/NQ – của Chính phủ, lộ trình phá sản Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC, tiền thân là Vinashin) và 7 công ty con thuộc SBIC đã được kích hoạt, việc thực hiện phá sản sẽ là cơ hội cho các nhà máy đóng tàu trong SBIC bước sang một giai đoạn mới, nắm bắt cơ hội này để phát triển...

Một số doanh nghiệp đóng tàu thuộc SBIC có nhiều đơn hàng trong năm 2023

Năm 2023 Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nam Triệu (Công ty chủ lực của SBIC) đã hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu kế hoạch. Trong đó, thi công đóng mới hai tàu chở hàng 65.000WT, hai poton cẩu trung chuyển, một tàu dầu 7.000m3. Sửa chữa 40 lượt tàu, đến nay đã bàn giao 38 lượt tàu…

Tổng kết giá trị sản xuất kinh doanh năm 2023 của công ty đạt hơn 484 tỷ đồng, vượt 18,4% kế hoạch. Năm 2024, Nam Triệu đặt mục tiêu giá trị sản xuất hơn 567 tỷ đồng, vượt 17,2% so với năm 2023. Hiện công ty đang đàm phán với chủ tàu Tập đoàn Damen và Tập đoàn IHC Hà Lan về việc hợp tác đóng mới các chủng loại tàu nạo vét công suất 2.300m3 và 31.000m3.

Tại Công ty TNHH MTV Đóng tàu Phà Rừng (công ty con thuộc SBIC) tổng kết trong năm 2023 Phà Rừng đã ký 07 hợp đồng đóng mới, đang triển khai thi công 06 sản phẩm gồm tàu 24.000T, tàu hàng 6500T, 03 tàu dầu hóa chất 13.000T cho chủ tàu Hàn Quốc, 01 phao neo cho chủ tàu trong nước, đã bàn giao 02 sản phẩm gồm Tàu 24.000T – Trường Nguyên Sky và tàu hàng 6.500T, thi công sửa chữa 63 lượt tàu và bàn giao 55 lượt tàu, phá dỡ cho 02 tàu Star 18 và Bình Minh 79…

Tổng giá trị sản xuất năm 2023 của Phà Rừng đạt hơn 416 tỷ đồng, trong đó đóng tàu đạt khoảng 237 tỷ đồng, sửa chữa đạt 162 tỷ đồng. Tổng doanh thu và thu nhập khác đạt hơn 402 tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch năm.

Ông Vũ Hữu Chiến Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đóng tàu Phà Rừng cho biết, năm 2024, Công ty sẽ triển khai thi công đóng mới 6 sản phẩm gồm: 5 tàu dầu hóa chất 13.000T và một phao neo, đảm bảo bàn giao từ 2 - 3 sản phẩm, đồng thời triển khai thi công sửa chữa 67 tàu, bàn giao 61 tàu, tiếp tục mở rộng thị trường sửa chữa cho khách hàng nước ngoài như Nga, Hàn Quốc, Trung Đông, Ấn Độ...

Dự kiến năm 2024, công ty sẽ vượt mức kế hoạch từ 10-15%. Kỳ vọng trong các năm 2025, 2026, 2027 với các sản phẩm đóng mới đã ký, sẽ ký hợp đồng, tăng trưởng sản xuất của công ty sẽ đạt mức bình quân từ 10-15%/năm.

Có kết quả hoạt động hiện tại khởi sắc nhưng số tiền kiếm được không đủ để trả lãi vay, trả nợ các khoản vay cũ từ thời kỳ Vinashin để lại, đóng tàu Nam Triệu và đóng tầu Phà Rừng tại Hải Phòng vẫn nằm trong danh sách phá sản cùng công ty mẹ SBIC

Cũng theo Nghị quyết 220/NQ-CP chỉ có Công ty CP Đóng tàu Sông Cấm tại Hải Phòng không thuộc diện phá sản cùng công ty mẹ SBIC, do không có nợ xấu, hoạt động hiệu quả.

Trong năm 2023 Công ty Đóng tàu Sông Cấm thi công 54 tàu đóng mới và sửa chữa 01 tàu. Trong đó đã bàn giao được 27 sản phẩm đóng mới, gồm: 04 tàu ASD 2811, 08 tàu ASD 2813; 03 tàu ASD 3212; 08 tàu RSD 2513, 02 tàu SPA 207 và 01 sà lan chở dầu cho Tập đoàn Wolverine Canada sau 21 tháng thi công... đạt doanh thu khoảng 1.012 tỷ đồng, bằng 163% kế hoạch..

Đặc biệt, kể từ khi hợp tác với Tập đoàn Damen (Hà Lan), các sản phẩm của Sông Cấm đã được nâng cấp với những dòng tàu công vụ, tàu công tác, tàu cung ứng, tàu kéo, tàu chữa cháy, tàu cứu nạn hàng hải, tàu cao tốc hỗ trợ du thuyền… đòi hỏi trình độ, công nghệ đóng tầu hiện đại theo chuẩn quốc tế hiện hành.

Năm 2024, Sông Cấm định hướng lấy sản phẩm đóng tàu xuất khẩu cho Tập đoàn đóng tàu Damen - Hà Lan làm trọng tâm, bên cạnh đó mở rộng sang các thị trường đóng mới, sửa chữa tàu cho các khách hàng nước ngoài.

Trương Quốc Cường

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/nhung-tin-hieu-kha-quan-tu-cac-doanh-nghiep-dong-tau.htm