Những thủ lĩnh nào của Taliban sẽ lên nắm quyền tại Afghanistan?

Khi lực lượng Taliban chiếm thành công thủ đô Kabul, một câu hỏi quan trọng được đặt ra: Ai sẽ là người đứng đầu chính quyền mới ở Afghanistan?

Khi Taliban nắm chính quyền Afghanistan vào năm 1996, không ai thắc mắc về hình thức chính phủ, cũng như người sẽ lãnh đạo đất nước. Ông Mohammed Omar, người khởi xướng phong trào này hai năm trước đó, đảm nhận vai trò này, theo Guardian.

Trong khoảng thời gian ấy, người dân Kabul phải sống trong sự đói nghèo và lo sợ. Gần như không hoạt động kinh tế nào diễn ra. Họ không được sử dụng điện thoại. Phương tiện giao thông công cộng là những chiếc ôtô cũ kỹ và những chiếc xe buýt từ thập niên 1970. Khi ấy, Taliban có thể áp đặt bất cứ điều gì họ muốn.

Sau vụ tấn công Trung tâm Thương mại Thế giới ở Mỹ vào ngày 11/9/2001, liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu đã đánh đuổi Taliban khỏi Kabul. Kể từ đó, nơi đây dần trở thành một trung tâm sầm uất với hơn 5 triệu dân. Các phần còn lại của nước này cũng thay đổi rất nhiều.

Khi Taliban trở lại, vị trí nguyên thủ quốc gia giờ đây phức tạp hơn trước rất nhiều.

Taliban đã chiếm lại thành công Kabul sau hơn 20 năm. Ảnh: AP.

Ai đang lãnh đạo Taliban

Ứng cử viên sáng giá nhất cho vị trí này là ông Haibatullah Akhunzada, thủ lĩnh tối cao của Taliban. Ông đã lên nắm quyền khi người tiền nhiệm Akhtar Mansour bị giết trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ gần biên giới Afghanistan - Pakistan vào năm 2016.

Ông Akhunzada lớn lên ở Panjwai, một quận ngoài rìa Kandahar. Giống như các thủ lĩnh khác của Taliban, ông là người Pashtun, dân tộc đông nhất ở Afghanistan.

Ông Akhunzada đã trở thành thẩm phán hàng đầu về tôn giáo của Taliban. Nhiệm vụ của ông là giải quyết những vấn đề như tính chính danh của các vụ tấn công liều chết, hay việc tấn công tổ chức Nhà nước Hồi giáo là đúng hay sai.

Vào năm 2016, ông được hội đồng tối cao của Taliban chọn làm thủ lĩnh tối cao của lực lượng này. Các nhà phân tích cho rằng ông có lối suy nghĩ thực tiễn hơn nhiều người nghĩ. Ông cho phép đàm phán với Mỹ, liên tục động viên binh lính và công chức cấp thấp của Taliban để lấy lòng họ.

Từ lâu, Taliban đã thể hiện rõ ràng sự căm ghét của mình đối với chế độ dân chủ. Vì thế, có thể sắp đến họ sẽ bãi bỏ Hiến pháp năm 2004 và thành lập Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan.

Điều này có nghĩa rằng ông Akhunzada, người đang giữ chức danh "thủ lĩnh của những người trung thành", sẽ đảm nhận vai trò lãnh đạo chính phủ.

Quyền lực không chỉ ở một người

Quyền lực của Taliban không nằm ở chỉ một người. Mặc dù họ đều mang lý tưởng chung, các thủ lĩnh có thể có những chiến lược, mạng lưới người ủng hộ, những mối quan hệ ngoại quốc và khát vọng của riêng mình. Một số người mong muốn được toàn thế giới công nhận. Những người khác lại ưu tiên áp đặt các hạn chế hà khắc và kiểm soát người dân.

Hiện tại, ông Akhunzada có 3 cấp dưới, mỗi người mang thế mạnh khác nhau. Những thế mạnh này có thể sẽ quyết định vị trí của họ trong chính quyền Taliban.

Người nổi tiếng nhất trong số đó là ông Ahmed Ghani Barader.

Ông Barader là một trong những thành viên đầu tiên của Taliban, hiện đứng đầu văn phòng chính trị của lực lượng này. Ông từng bị bắt ở Karachi vào năm 2010 và bị giam giữ ở một nhà tù tại Pakistan trong 8 năm. Sau đó, ông được thả ra theo yêu cầu của Mỹ để hỗ trợ các cuộc đàm phán giữa Taliban và nước này.

Ông Baradar được nhiều người cho là một chiến lược gia tài giỏi, và là nhân vật chủ chốt dẫn đến chiến thắng ở Kabul. Ảnh: Reuters.

Ông trở thành đại sứ của Taliban, đích thân tham dự nhiều cuộc họp với giới chức của các nước như Pakistan và Trung Quốc. Bên cạnh đó, ông còn trò chuyện qua điện thoại cùng cựu Tổng thống Donald Trump.

Thủ lĩnh thứ hai của Taliban là ông Mohammad Yaqoob, con trai của ông Omar, người được cho là kiến trúc sư của chiến dịch giúp lực lượng này chiếm được Kabul. Ông Yaqoob phụ trách giám sát hoạt động quân sự của tổ chức.

Năm năm trước, ông Yaqoob đã được đề cử làm thủ lĩnh của phong trào Taliban. Tuy nhiên, vì cảm thấy bản thân thiếu kinh nghiệm chiến trường và tuổi còn trẻ, ông quyết định ủng hộ ông Akhunzada đảm nhiệm chức vụ này.

Người thứ ba, và có lẽ là người nguy hiểm nhất, là ông Sirajuddin Haqqani. Ông là thủ lĩnh khiến các cơ quan tình báo phương Tây lo ngại nhiều nhất.

Ông Haqqani là con trai của cố chỉ huy mujahideen Jalaluddin Haqqani. Nhóm của ông Haqqani đã hỗ trợ lực lượng Taliban từ năm 2001, được cho là gây ra nhiều vụ tấn công liều chết ở Kabul và nhiều nơi khác. Ông đảm nhận vai trò giám sát tài sản chính và quân sự của lực lượng này. Bên cạnh đó, ông còn thân cận với giới cấp cao của tổ chức al-Qaeda, cũng như với Cơ quan Tình báo Pakistan.

FBI đã thêm tên ông vào danh sách các nghi phạm bị truy nã gắt gao nhất, cho rằng ông "nguy hiểm và được trang bị vũ khí".

Ba người đàn ông này dự tính đóng vai trò quan trọng trong chính quyền mới ở Kabul.

"Họ là những người đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh trong hàng thập kỷ. Họ không bao giờ tiết lộ chiến lược của mình", theo một nhà quan sát ẩn danh người Afghanistan.

Thế Hào

Theo Guardian

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-thu-linh-nao-cua-taliban-se-len-nam-quyen-tai-afghanistan-post1252104.html