Những thời khắc hoang mang bao trùm chiến dịch tranh cử của Clinton

Các cố vấn, trợ lý thân cận từng tỏ ra hoang mang, lo sợ, thậm chí chỉ trích lẫn nhau khi bê bối dùng email cá nhân cho việc công của bà Clinton bị công bố.

Vào ngày tin Hillary Clinton dùng tài khoản email cá nhân cho việc công lúc còn đương chức ngoại trưởng Mỹ bị công bố, John Podesta, người sau này đảm nhận vai trò chủ tịch chiến dịch tranh cử tổng thống cho bà, khi ấy đã gửi đi một thông báo khiến các cố vấn thân cận nhất của Clinton cảm thấy hoang mang, theo Washington Post.

"Nếu nói tới tính minh bạch, Kendall, Cheryl và Phillipe chắc chắn chưa sẵn sàng đối diện với những thực tế phát sinh hiện nay", ông Podesta hồi tháng 3/2015 phàn nàn trong một ghi chú, nhắc đến luật sư riêng của bà Clinton là David Kendall cùng hai nhân viên từng làm việc cho bà tại Bộ Ngoại giao, Cheryl Mills và Philippe Reines.

"Tại sao họ không đưa những điều này ra từ 18 tháng trước? Thật điên rồ", Neera Tanden, một người bạn lâu năm của Podesta cũng làm việc cho bà Clinton, đáp.

Ứng viên tổng thống Mỹ đảng Dân chủ Hillary Clinton. Ảnh: Reuters

Những cuộc trao đổi trên được tìm thấy trong các email bị hack từ tài khoản của ông Podesta do trang WikiLeaks công bố hôm 25/10. Chúng mang đến cái nhìn cận cảnh về việc đội ngũ vận động tranh cử cho cựu ngoại trưởng Mỹ đã giận dữ thế nào vì bê bối email của bà Clinton, chỉ vài tuần trước khi chiến dịch chạy đua vào Nhà Trắng chính thức khởi động.

Dựa theo nội dung những email WikiLeaks phát tán, trong quãng thời gian tìm cách giải quyết rắc rối, các trợ lý chiến dịch nhiều lúc tỏ thái độ bực tức, họ chỉ trích lẫn nhau, thậm chí đổ lỗi cho cả Clinton vì cách mà bà trả lời các câu hỏi liên quan đến sự việc.

Một số cuộc đối thoại còn cho thấy nỗi sợ hãi bên trong nhóm cố vấn hàng đầu của cựu ngoại trưởng Mỹ. Nhiều phụ tá cũng chỉ ra rằng việc giữ bí mật thông tin và biểu hiện do dự, không muốn nhận sai sót sớm muộn sẽ khiến bà Clinton bị tổn thương.

"Chúng ta đã để nước tràn vào thuyền quá nhiều, thế nên không dễ múc ra", ông Podesta viết trong một email gửi bà Tanden hồi tháng 9 năm ngoái, thời điểm chiến dịch tranh cử của bà Clinton đang lo lắng trước khả năng Phó tổng thống Mỹ Joe Biden tham gia cuộc đua giành vị trí đại diện đảng Dân chủ tranh cử tổng thống. "Hầu hết rắc rối đến từ những quyết định tồi tệ được đưa ra trước lúc chiến dịch khởi động nhưng nhiều vấn đề cũng nảy sinh từ bản năng của bà ấy".

Tander trả lời: "Không mấy ai hiểu rõ bằng tôi rằng bản năng của bà ấy nhiều lúc có thể rất tồi tệ".

Bà Tanden, ông Kendall, ông Reines và luật sư của bà Mills từ chối bình luận về nội dung loạt email bị rò rỉ. Song giới quan sát nhận định chính nhờ những email này mà công chúng lần đầu tiên được thấy các hoạt động bên trong một chiến dịch tranh cử tổng thống của một chính đảng Mỹ.

Một số email còn lưu đánh giá riêng mà các cố vấn hàng đầu, những người được cho là sẽ giữ vị trí cao trong bộ máy chính quyền Clinton nếu bà đắc cử, đưa ra về điểm mạnh, yếu của ứng viên tổng thống đảng Dân chủ.

Không muốn xin lỗi

Bà Hillary Clinton (phải) chụp ảnh cùng bà Neera Tanden và ông John Podesta tại một sự kiện hồi tháng 10/2013. Ảnh: Reuters

Theo nội dung email, đến tháng 8/2015, gần 7 tháng sau khi New York Times tiết lộ chuyện Clinton dùng tài khoản cá nhân cho việc công khi làm ngoại trưởng, các cố vấn vẫn gặp khó khăn trong việc thuyết phục bà thể hiện trước công chúng sự hối hận vì sai lầm quá khứ.

Theo Washington Post, những bình luận thẳng thắn nhất có thể được tìm thấy trong các cuộc trao đổi giữa ông Podesta và bà Tanden, hai người ủng hộ trung thành của bà Clinton. Trong một email, Tander còn tự nhận là một "chiến binh trung thành" luôn sẵn sàng "làm bất cứ điều gì mà bà Hillary cần".

"Tôi biết vụ email không chính xác. Tôi hoàn toàn ý thức về điều đó", bà Tanden viết trong một ghi chú gửi ông Podesta hồi tháng 8/2015. "Nhưng việc bà ấy không thể thực hiện một cuộc phỏng vấn quốc gia cũng như không thể thể hiện cảm xúc tiếc nuối, hối hận, tôi e rằng, nó đang trở thành vấn đề tính cách".

Hôm 4/9, bà Clinton có cuộc phỏng vấn với phóng viên kênh NBC News Andrea Mitchell. Cựu ngoại trưởng Mỹ cho biết bà "thấy tiếc vì khiến người dân cảm thấy bối rối" nhưng lại né tránh câu hỏi liệu bà có xin lỗi vì những hành động của mình hay không.

"Tất cả mọi người đều muốn Clinton xin lỗi và bà ấy nên làm thế. Nhưng lời xin lỗi giống như gót chân Achilles của bà ấy vậy", Tander viết cùng ngày.

Ba hôm sau, bà Clinton vẫn không xin lỗi ngay cả khi vấn đề xuất hiện ngập tràn trên các bản tin chiến dịch.

"Việc ngại xin lỗi này đã trở thành một bệnh lý", Tander viết. "Tôi không muốn tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra với chiến dịch nữa. Tôi có thể giúp được gì không?".

"Cô nên email cho bà ấy", Podesta trả lời. "Bà ấy nói cảm thấy tiếc nhưng lại không xin lỗi người dân Mỹ. Hãy bảo bà ấy nói ra, tại sao phải chần chừ".

Cuối cùng, ngày hôm sau, Clinton tuyên bố hành động dùng email cá nhân cho việc công của bà là một "sai lầm". "Tôi xin lỗi về điều đó. Tôi phải chịu trách nhiệm", bà Clinton nói.

Bên cạnh đó, những thông tin rò rỉ từ WikiLeaks còn hé lộ câu chuyện các nhân viên và cố vấn ngay từ những ngày đầu chiến dịch đã lo sợ người phụ nữ mang tên Cheryl Mills có thể gây ảnh hưởng xấu tới bà Clinton. Mills những năm 1990 làm việc tại văn phòng tư vấn Nhà Trắng sau đó giữ chức chánh văn phòng cho bà Clinton tại Bộ Ngoại giao.

Trong cuộc đối thoại với Podesta hồi tháng 3/2015, Tanden đổ lỗi cho Mills vì bê bối email. Mills bề ngoài không có mối liên hệ chính thức nào với chiến dịch tranh cử của cựu ngoại trưởng Mỹ nhưng các email rò rỉ cho thấy bà thường xuyên tham gia góp ý trước những quyết định quan trọng. Nếu Clinton đắc cử, Mills được cho là sẽ giữ một vị trí cao tại Nhà Trắng.

Ngoài ra, các nhân viên của Clinton cũng cho thấy tâm trạng vui mừng, thích thú mỗi lần bà thể hiện tốt trong các cuộc phỏng vấn hay xuất hiện trước công chúng.

Sau khi cựu ngoại trưởng Mỹ hồi tháng 9 năm ngoái tham gia chương trình "Face the Nation", một đồng minh đã viết email cho ông Podesta ca ngợi bà.

"Bà ấy đã làm tốt. Rất tốt", ông này viết nhưng lưu ý rằng bà Clinton "thỉnh thoảng cười quá nhiều trước những câu đùa không mấy hài hước".

Podesta trả lời hóm hỉnh: "Cười quá nhiều là thói quen kỳ quặc cố hữu của bà ấy".

Theo Vnexpress

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/tin-tuc/nhung-thoi-khac-hoang-mang-bao-trum-chien-dich-tranh-cu-cua-clinton-85954/