Những thao tác sơ cứu đơn giản khi bị bỏng

Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến bỏng, có thể do tác động của nhiệt, của điện, của hóa chất và các tác nhân khác tác động một cách trực tiếp hoặc gián tiếp lên vùng da. Bỏng có thể làm thay đổi cấu trúc, làm rối loạn chức năng vùng bị tổn thương, nghiêm trọng hơn có thể gây tử vong hoặc tàn phế suốt đời cho nạn nhân.

Ảnh minh họa

Bởi vậy, nếu những trường hợp bị bỏng bạn nên nhanh ý sơ cứu để hạn chế tối đa những tổn thương cho nạn nhân

Cách sơ cứu khi bị bỏng nước sôi

Làm mát vết bỏng: nên đưa trực tiếp phần bị bỏng hứng dưới vòi nước sạch, cho dòng nước chảy chầm chậm khoảng 15-25 phút để vết bỏng không bị phồng rộp. Nếu vết bỏng bị che phủ bởi quần áo, giày dép thì nên nhẹ nhàng cởi bỏ quần áo, dày dép của trẻ trước khi vết bỏng bị phù nề tránh làm tổn thương phần bị bỏng gây nhiễm trùng vết bỏng.

Trong trường hợp vết bỏng không quá nặng, bạn có thể dùng lòng trắng trứng, khoai tây hay mật ong để chữa trị. Nhưng tốt nhất là nên dự trữ một chai băng vết thương dạng xịt cho các vết bỏng trong gia đình để sử dụng khi cần đến có thể sơ cứu ngay tại nhà

Sau khi đã thực hiện 2 bước trên, bạn nên có biện pháp bảo vệ vết bỏng, tránh đụng chạm vào vết bỏng. Có thể dùng một số loại băng gạc hoặc vải mỏng nhẹ nhàng băng lên vết thương (băng nhẹ, không quá chặt làm tổn thương vết bỏng).

Nếu trường hợp bỏng nặng bạn nên lập tức đến bệnh viện hoặc trung tâm y tế gần nhất.

Lưu ý:

Đối với trẻ nhỏ, trong quá trình sơ cứu khi bé bị bỏng nước sôi, người lớn cần quan sát các dấu hiệu xem bé có bị sốc hay không. Bỏng ở trẻ em có thể dẫn đến mất nước và rối loạn vi tuần hoàn. Đặc trưng khi trẻ bị sốc là huyết áp giảm, mạch nhanh, khó thở làm chức năng sống suy giảm. Khi trẻ có hiện tượng này cần đưa trẻ ngay tới cơ sở y tế để được điều trị kịp thời nếu không trẻ có thể tử vong. Do vậy việc cần làm đầu tiên của sơ cứu khi bị bỏng là chống sốc cho trẻ.

Khi trẻ bị bỏng nước sôi cha mẹ nên cho trẻ uống nước liên tục (các loại nước có khoáng chất hoặc có muối Oresol), trẻ đang bú thì phải cho trẻ bú liên tục và có thể uống bù thêm nước. Sau khi trẻ bị bỏng có thể có hiện tượng hoảng loạn tinh thần, lúc này cha mẹ phải động viên, an ủi tinh thần cho trẻ.

Cách sơ cứu khi bị bỏng lửa

Bước đầu tiên nên dùng nước hoặc cát, áo khoác, chăn hoặc vải bọc kín … để dập tắt lửa cháy.

Xé bỏ phần áo quần đang cháy âm ỉ.

Nhanh chóng để vùng bị bỏng ngâm vào chậu nước nguội sạch hoặc đưa vùng bỏng vào dưới vòi nước và xả nước cho vòi chảy nhẹ nhàng trong khoảng 15-20 phút. Việc làm này sẽ giúp vết bỏng được dịu bớt đau rát, giảm sưng, giảm độ sâu của vết bỏng và làm sạch vùng bị bỏng tránh các viêm nhiễm.

Dùng gạc vô khuẩn hoặc miếng vải sạch băng vùng bị bỏng lại, tránh bụi bẩn vào vết bỏng.

Cách sơ cứu bỏng axit

Tùy từng loại axit cũng như việc bỏng axit ở các vị trí tiếp xúc khác nhau, có thể chia ra làm nhiều cấp độ bỏng. Bạn có thể phân ra các tình huống như sau:

Axit dính vào mắt

Trong trường hợp axit dính vào mắt, người bệnh cần giữ được bình tĩnh tránh trường hợp thấy đau rát đưa tay lên dụi mắt. Việc này rất nguy hiểm khiến axit loang ra và làm tổn thương các vùng giác mạc gây nguy hiểm hơn cho mắt.

Thứ hai, cần rửa sạch mắt với nước. Hãy cúi đầu dưới vòi nước và nghiêng sang một bên. Sau đó cố mở bên mắt bị bỏng axit trong khi cho nước chảy nhẹ nhàng. Để nước sạch chảy từ vòi nước trong ít nhất 20 phút. Có thể dùng vòi hoa sen phun nước ấm lên trán cho nước chảy tràn qua bên mắt bị hóa chất, hoặc hướng vòi phun vào phần sống mũi giữa hai mắt nếu cả hai mắt đều bị dính hóa chất.

Axit dính vào da

Cũng như đối với việc axit dính vào mắt, việc đầu tiên cũng là rửa sạch axit trên da. Rửa sạch hóa chất ra khỏi bề mặt da dưới vòi nước lạnh trong 15 phút trở lên. Xé bỏ ngay những quần áo hoặc đồ trang sức đã bị dính hóa chất trên người. Chú ý không cởi quần áo người bị bỏng vì như thế rất dễ gây lột da, gây đau đớn cho nạn nhân. Khi tiếp xúc nhớ không tiếp xúc bằng tay không.

Sơ cứu bỏng axit khiến nạn nhân rất đau đớn, do vậy mà ngay người thực hiện sơ cứu cũng cần đặc biệt cẩn thận. Sau khi rửa sạch, dùng băng gạc khô, vô trùng hoặc quần áo sạch che phủ lên vết bỏng. Đồng thời gọi xe cấp cứu hoặc đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và điều trị.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/suc-khoe/nhung-thao-tac-so-cuu-don-gian-khi-bi-bong-536039.bld