Những thảm họa động đất tàn khốc trong 50 năm qua

Trên thế giới đã xảy ra những trận động đất kinh hoàng khiến hàng chục nghìn người bị chết, gây ám ảnh cho toàn nhân loại. Cùng điểm lại những trận động đất tàn khốc nhất lịch sử nhân loại trong 100 năm qua.

>> Đài Loan (Trung Quốc): động đất rất mạnh, 7 người thiệt mạng

Năm 2004: động đất ở Ấn Độ Dương - thảm họa lớn nhất được ghi nhận trong lịch sử hiện đại

Ngày 26/12/2004, một trận động đất mạnh 9,3 độ richter ở Ấn Độ Dương tạo ra trận sóng thần khủng khiếp đánh vào bờ biển của 14 nước, cướp đi sinh mạng của hơn 220.000 người, được coi là thảm họa lớn nhất được ghi nhận trong lịch sử hiện đại.

Những con sóng thần có độ cao lên tới 30 m đã phá hủy hoàn toàn các khu dân cư ven biển nơi con sóng thần đi qua, làm chết hàng trăm nghìn người ở các quốc gia ven biển như Indonesia, Sri Lanka, Ấn Độ và Thái Lan.

Động đất ở Ấn Độ Dương - thảm họa lớn nhất được ghi nhận trong lịch sử hiện đại

Cơn địa chấn tại Ấn Độ Dương cũng làm rung chuyển mặt đất với cường độ mạnh hơn 100 lần so trận động đất bảy độ richter tên gọi Loma Prieta, xảy ra năm 1989 tại Mỹ. Khi các trận động đất chỉ kéo dài vài giây, thì trận động đất Sumatra - Andaman kéo dài tới gần 10 phút, gây ra các trận động đất khác ở tận Alaska (Mỹ), khiến toàn Trái đất dịch chuyển ít nhất vài cm. Đáng chú ý, trận động đất tại khu vực Ấn Độ Dương đã kích hoạt một chuỗi các đợt sóng thần khổng lồ khắp khu vực, tàn phá kinh hoàng trên diện rộng, suốt từ Somalia ở phía đông châu Phi tới Sumatra ở Đông - Nam Á.

Ước tính, các đợt sóng thần đã cướp đi sinh mạng của khoảng 230.000 người, 14.100 người mất tích và hơn một triệu người khác thuộc 11 quốc gia phải di tản do mất nhà cửa. Tỉnh Aceh thuộc miền bắc của Indonesia là một trong những khu vực chịu thiệt hại lớn nhất, với khoảng 128.858 người chết. Cho đến nay, vẫn còn hàng nghìn nạn nhân trong thảm họa này chưa được nhận dạng.

Năm 1976: Động đất tại Đường Sơn (Trung Quốc) - gây thương vong nhiều nhất

Đây là trận động đất khủng khiếp nhất thế kỷ 20, được coi là trận động đất gây thương vong nhiều nhất thế kỷ XX xếp trên cả động đất Ấn Độ Dương 2004. Trận động đất này đã hủy diệt gần như toàn bộ thành phố công nghiệp Đường Sơn, nơi sinh sống của khoảng 1,6 triệu người Trung Quốc.

Trận động đất tại Đường Sơn (Trung Quốc) được coi là trận động đất gây thương vong nhiều nhất thế kỷ 20

Theo thống kê, có khoảng 240.000-255.000 người đã bị thiệt mạng trong trận động đất này. Ước tính khoảng 164.000 người khác bị thương nặng.

Năm 2010, sự kiện này đã được dựng thành phim với tên gọi “Đường Sơn đại địa chấn”. Ngay sau khi ra mắt, bộ phim đã gây chấn động tâm lý sâu sắc cho khán giả về thảm họa thiên tai tàn khốc.

Năm 2011: Thảm họa kép kinh hoàng tại Nhật Bản

Thế giới không thể nào quên thảm họa kép kinh hoàng xảy ra lúc hơn 14 giờ ngày 11/3/2011 tại Nhật Bản. Đúng 14h46 theo giờ địa phương, đại địa chấn Honshu độ lớn 9,1 khởi phát ngoài khơi hòn đảo Honshu ở phía Đông Bắc nước này, gây ra sóng thần cao đến 40m ập vào đất liền, phá hủy mọi thứ trên đường đi của nó.

Theo thống kê chính thức, thảm họa này đã xóa sổ nhiều thị trấn, cướp đi sinh mạng của khoảng 20.000 người. Số người bị thương là gần 2.400 và số người bị nhiễm phóng xạ là 190 người. Khoảng 100.300 ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn hoặc hư hại một phần do động đất và sóng thần.

Động đất làm cháy bồn chứa dầu tại nhà máy Cosmo ở Ichihara. Ảnh: AFP

Thảm họa đã gây ra các sự cố liên tiếp tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1 và 2, đồng thời khiến nhiều nhà máy điện hạt nhân khác phải ngừng hoạt động.

Tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima nằm gần bờ biển, sóng thần tấn công đã làm hỏng hoàn toàn các hệ thống làm mát thanh nhiên liệu hạt nhân, gây ra thảm họa nghiêm trọng, khiến các vùng dân cư xung quanh bị nhiễm phóng xạ. Nhiều nơi 10 năm sau con người vẫn chưa thể sinh sống trở lại.

Thảm họa kép ngày 11/3/2011 đã khiến toàn bộ đất nước Nhật Bản rơi vào tình trạng tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II.

Năm 1960: Trận động đất có cường độ lớn nhất từng ghi nhận là 9.5 độ richter ở Valdivia (Chile)

Trận động đất có cường độ lớn nhất ghi nhận được xảy ra ở Valdivia (Chile) vào ngày 21/5/1960 với độ lớn 9.5, gây ra sóng thần, làm 5.000 người chết. Đây là trận động đất cường độ mạnh nhất đã xảy ra kể từ năm 1900, gây nên thảm họa khủng khiếp trong lịch sử động đất ở quốc gia này và trên thế giới.

Trận động đất ở Valdivia (Chile) được ghi nhận có cường độ lớn nhất là 9.5 độ richter

Trận động đất kinh hoàng đó bắt đầu diễn ra vào rạng sáng ngày 21/5/1960 tại vùng biển gần thành phố cảng Puerto Montt của Chile, liên tục không ngừng phát sinh và kéo dài đến ngày 23/6 với cấp độ ngày một dữ dội hơn.

Trận động đất đạt cường độ cực đại vào khoảng 19h tối ngày 22/5. Cấp độ động đất ban đầu là 8,9 sau đó tăng lên 9,5 độ Richter. Trận động đất kinh hoàng đã phá hủy gần như mọi cơ sở vật chất của thành phố cảng Puerto Montt, hàng nghìn người dân đã bị chôn vùi trong đống đổ nát.

Sau đó, nó đã kích hoạt một loạt đợt sóng thần. Các đợt sóng thần đã ảnh hưởng đến miền nam Chile, Hawaii, Nhật Bản, Philippines, miền đông New Zealand, đông nam Australia và quần đảo Aleutian, Valdivia. Cơn chấn động gây ra sóng thần cục bộ đánh phá bờ biển Chile, với những con sóng cao tới 25 mét. Trận sóng thần chính đã đi qua Thái Bình Dương và tàn phá Hilo, Hawaii, nơi những con sóng cao tới 10,7 mét được ghi nhận cách tâm chấn hơn 10.000 km.

Năm 2008: Động đất ở Tứ Xuyên - một trong những trận động đất kinh hoàng nhất trong lịch sử Trung Quốc

Chiều ngày 12/5/2008, một trong những trận động đất kinh hoàng nhất trong lịch sử Trung Quốc mạnh 7,8 độ richter đã xảy ra tại tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc). Thảm kịch đã khiến hơn 87.000 người thiệt mạng và hơn 370.000 người bị thương, hàng chục ngàn người mất đi người thân, bạn bè, lâm vào cảnh ‘màn trời chiếu đất’. Hầu hết công trình ở tỉnh Tứ Xuyên, Cam Túc và Thiểm Tây đều bị đổ sập và phải tiến hành xây dựng lại từ đầu. Ước tính khu vực bị thiệt hại do trận động đất là 500.000 km2, diện tích gần bằng với Tây Ban Nha, thiệt hại về kinh tế lên đến 845 tỷ nhân dân tệ (133 tỷ USD).

Đau buồn nhất là hơn 5.300 học sinh đã thiệt mạng trong trận động đất, ước tính ít nhất 7.444 trường học đã bị phá hủy.

Động đất ở Tứ Xuyên được ghi nhận là một trong những trận động đất kinh hoàng nhất trong lịch sử Trung Quốc

Với cường độ 8,0 độ richter, trận động đất đã gây ra số lượng dư chấn địa chất lớn nhất từng được ghi nhận, bao gồm khoảng 200.000 vụ lở đất. Ảnh hưởng của trận động đất được cảm nhận ở tận Bắc Kinh và Thượng Hải, Thái Lan và Việt Nam.

Năm 2023: Động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria - thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất" trong vòng 100 năm qua tại châu Âu

Gần đây nhất, vào ngày 6/2/2023, trận động đất có cường độ 7,8 làm rung chuyển miền nam Thổ Nhĩ Kỳ và khu vực tây bắc Syria đã gây hậu quả thảm khốc, cướp đi khoảng hơn 50.000 sinh mạng. Ở cả 2 quốc gia, đã có hàng chục nghìn người bị thương, nhiều nhà cửa và cơ sở vật chất bị hủy hoại. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá đây là "thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất" trong vòng 100 năm qua tại châu Âu.

Các tòa nhà bị đổ sập sau trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ. Nguồn: Reuters

Trận động đất khiến hơn 160.000 tòa nhà với 520.000 căn hộ đổ sập hoặc hư hại nghiêm trọng. Cơ quan Phát triển Liên Hợp Quốc ước tính 1,5 triệu người ở Thổ Nhĩ Kỳ mất nhà ở và giới chức cần xây khoảng 500.000 ngôi nhà mới. Các chuyên gia kinh tế nhận định Ankara cần tới 100 tỷ USD để tái thiết nhà ở và hạ tầng công cộng.

Trung tâm thông tin động đất quốc tế (NEIC) ghi nhận mỗi năm có khoảng 20.000 cơn chấn động diễn ra trên toàn thế giới. Tức là, trung bình cứ 50 ngày lại có một sự rung chuyển của mặt đất. Thực tế là có hàng triệu rung chấn mỗi năm, nhưng vì nó quá yếu nên không được đề cập đến. Người ta ước tính, cứ 30 giây, thế giới lại chịu tác động của một cơn địa chấn.

Đặc biệt, khu vực Vành đai lửa Thái Bình Dương thường xuyên xảy ra các cơn lay động mạnh của mặt đất hoặc phun trào núi lửa. Nó chứa khoảng 75% núi lửa trên thế giới. Ước tính, khoảng 71% trận chấn động mạnh nhất thế giới diễn ra tại vành đai hình móng ngựa này. Vành đai lửa Thái Bình Dương cũng chịu ảnh hưởng của gần 80% hoạt động kiến tạo địa tầng.

Nguyên nhân gây động đất

Động đất là sự rung động mặt đất bởi sự giải phóng đột ngột năng lượng trong vỏ trái đất dưới dạng sóng địa chấn, có thể gây ra biến dạng mặt đất, phá hủy nhà cửa, công trình, gây thiệt hại tính mạng con người.

Ảnh: Internet

Động đất là một nguyên nhân gây ra sóng thần. Khi xảy ra động đất ở trong lòng đại dương, sức địa chấn đẩy khối nước khổng lồ lên cao. Mấy trăm km2 khối nước bị đẩy lên cao rồi rơi xuống, tạo ra những đợt sóng lớn tràn qua các đại dương rồi đổ bộ vào đất liền. Đôi khi động đất còn khiến núi lửa hoạt động, thậm chí là những núi lửa đã tắt từ lâu, do lòng đất bị nứt ra tạo cơ hội cho nhũng dòng magma phun trào. Những hiện tượng này, khi kết hợp với nhau, sẽ tạo ra những tai họa khôn lường.

Động đất gây ra sóng thần. Ảnh: Internet

Độ lớn của động đất

Độ lớn của động đất M hay còn gọi là độ Richter. Hình dung về độ richter như sau:

Từ 1 - 2: Không nhận biết được.

Từ 2 - 4: Có thể nhận biết nhưng thường không gây thiệt hại.

Từ 4 - 5: Mặt đất rung chuyển, nghe tiếng nổ, thiệt hại không đáng kể.

Từ 5 - 6: Nhà cửa rung chuyển, một số công trình có hiện tượng nứt.

Từ 6 - 7: Nhà cửa bị hư hại nhẹ.

Từ 7 - 8: Động đất mạnh phá hủy hầu hết các công trình xây dựng thông thường, có vết nứt lớn hoặc lún sụt trên mặt đất.

Từ 8 - 9: Nhà cửa đổ nát, nền đất bị lún sâu đến 1m, sụp đổ lớn ở núi kèm theo thay đổi địa hình trên diện rộng.

Trên 9: Rất hiếm khi xảy ra.

Những trận động đất có M > 7 không xảy ra khắp mọi nơi mà thường tập trung ở những vùng nhất định, gọi là đới hoạt động địa chấn mạnh.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/nhung-tham-hoa-dong-dat-tan-khoc-trong-50-nam-qua-230054.htm