Những tay chơi đồng hồ hiếm

Không ưa chuộng nhãn mác, logo, một số người sẵn sàng chi trả cho bộ sưu tập đồng hồ cổ, độc đáo.

 Người chơi đồng hồ vintage như Ngọc Thuận sẵn sàng chi trả số tiền lớn để sở hữu những mẫu phụ kiện cổ, hiếm có.

Người chơi đồng hồ vintage như Ngọc Thuận sẵn sàng chi trả số tiền lớn để sở hữu những mẫu phụ kiện cổ, hiếm có.

Sau 9 năm sưu tầm đồng hồ nói chung và 2 năm săn lùng đồng hồ cổ điển, Đức Duy (27 tuổi, Hà Nội) sở hữu bộ sưu tập lên đến hàng chục chiếc. Trong đó, mẫu Rosemont Nostalgia 1978 là sản phẩm anh phải dành nhiều thời gian tìm kiếm, trả giá cao để mang về.

Đam mê những món phụ kiện phiên bản giới hạn, đã dừng sản xuất, chỉ còn trên thị trường thứ cấp, Duy thường xuyên gặp khó trong quá trình tìm mua. Anh thừa nhận xác suất sở hữu mẫu ưng ý tương đối thấp.

“Nhiều lần, tôi tìm thấy dòng hiếm chỉ còn một chiếc duy nhất, song máy móc hỏng, dây da cũ nên đành bỏ”, bác sĩ thú y này chia sẻ với Zing.

Thú chơi đồng hồ cổ

Theo đuổi phong cách Satorial (may đo cổ điển), Đức Duy thường đặt tuxedo, blazer tại nhà may thay vì mua trang phục từ các thương hiệu nổi tiếng. Nếu mặc quần áo gắn logo, nhãn mác của nhà mốt, Duy ái ngại khi bạn bè, người thân biết rõ giá thành.

 Đức Duy theo đuổi phong cách Satorial, sử dụng đồng hồ vintage để tránh đụng hàng.

Đức Duy theo đuổi phong cách Satorial, sử dụng đồng hồ vintage để tránh đụng hàng.

Tương tự, đối với đồng hồ, anh cũng ưa chuộng những mẫu vintage, ít người biết đến để tránh đụng hàng, không bị so sánh, bàn luận, nhất là về giá cả. Hơn cả mẫu mã và nhãn hàng, Đức Duy ưu tiên yếu tố độc đáo khi tìm mua phụ kiện.

Bên cạnh chiếc Rosemont Nostalgia 1978, anh cũng dành nhiều công sức tìm tòi trên thị trường thứ cấp để sở hữu một số dòng cổ điển của nhãn hiệu Seiko, bao gồm Seiko Solo 7430.

Mặc dù được sản xuất từ những năm 1970 - 1980, đồng hồ của Đức Duy vẫn hoạt động bình thường, giữ nguyên mọi công năng.

“Đó là lý do tôi không tiếc tiền hay ngại chờ đợi để đeo trên tay những sản phẩm có sức sống vượt thời gian này”, Duy cho biết.

Thay vì nhìn hình ảnh trên mạng xã hội, anh chọn đến tận điểm bán để tận mắt đánh giá kiểu dáng, kiểm tra chất lượng rồi mới chi tiền. Sau gần 10 năm theo đuổi thú chơi này, Đức Duy xây dựng mối quan hệ thân thiết với một số dealer (người buôn bán, trao đổi đồng hồ) nên thường nhờ họ tư vấn, góp ý trước khi đưa ra quyết định mua.

Khác với Duy, Ngọc Thuận (Cần Thơ) không phủ nhận sức hút của các thương hiệu đồng hồ Thụy Sỹ nổi tiếng như Patek Philippe, Rolex, Richard Mille. Theo anh, nhãn mác và logo góp phần thể hiện khả năng chi trả của người chơi.

Tuy vậy, những dòng phụ kiện phổ biến, nhiều người dùng thường khó tạo ấn tượng. Trong khi đó, các sản phẩm hiếm, cổ điển dễ gây chú ý với giới mộ điệu hơn, thể hiện sự hiểu biết và khả năng săn lùng của người dùng.

Đối với một số mẫu được bán trong các cuộc đấu giá, việc sở hữu còn là một thành tựu đáng nể.

“Đấu giá là một văn hóa. Tôi sẵn sàng xuống tiền, thậm chí chi đậm hơn các đối thủ để sở hữu chiếc đồng hồ hiếm, chỉ còn duy nhất một chiếc trên thị trường thứ cấp”, Ngọc Thuận chia sẻ với Zing.

Xây dựng phong cách Blockcore (kết hợp trang phục thể thao với quần áo thông thường như jean, quần âu), Thuận thường xuyên săn lùng những mẫu phụ kiện thể thao cổ điển. Oakley hay Nike là 2 thương hiệu được anh tin tưởng lựa chọn.

Nike Triax Liner (bản kim loại giới hạn) chỉ mở bán tại Nhật Bản là món đồ được Ngọc Thuận sắp xếp vị trí đặc biệt trong tủ phụ kiện tại nhà. Không được phân phối rộng rãi, độ độc đáo và giá trị của chiếc đồng hồ này tương đối cao.

Phụ thuộc vào sự may rủi

Khi “chơi” đồng hồ vintage, Thuận và nhiều người khác luôn quan tâm đến độ mới của sản phẩm. Phần lớn phụ kiện cổ đều đã qua tay, chỉ số “% new” vì thế đặc biệt quan trọng, đánh giá mức độ khấu hao, tình trạng hiện tại của món đồ.

Song, chỉ số này thường tương đối thấp, không thể đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi của người chơi. Dù được bảo dưỡng, vệ sinh cẩn thận bởi người bán, đồng hồ “lướt” khó duy trì trạng thái mới.

 Ngọc Thuận cho rằng tình trạng đội giá của các sản phẩm đồng hồ vintage gây khó khăn cho người chơi.

Ngọc Thuận cho rằng tình trạng đội giá của các sản phẩm đồng hồ vintage gây khó khăn cho người chơi.

Hơn nữa, vấn đề đội giá diễn ra phổ biến tại thị trường thứ cấp, gây khó khăn cho người chơi mới, chưa trang bị đủ kiến thức về lĩnh vực. Họ là đối tượng dễ bị các dealer “gài”, ép mua với mức giá cao, theo Ngọc Thuận.

Một số mẫu bị nâng giá, vượt xa giá trị thực do nhiều người đồn đại về sự hiếm có và câu chuyện liên quan đến sản phẩm. Ví dụ, chiếc Rolex được vua Bảo Đại sử dụng sở hữu mức giá cao kỷ lục (khoảng 115 tỷ đồng).

Khi danh tiếng của một món đồ bị thổi phồng, nhiều nhà sưu tầm gặp khó trong việc sở hữu. Để tiếp tục đẩy giá, bên bán thường “ém hàng”, khiến Ngọc Thuận nhiều lần bỏ lỡ chiếc đồng hồ ưng ý dù chấp nhận chi trả số tiền lớn.

“Có một tình trạng gọi là 'bong bóng đồng hồ'. Dù có tiền, người chơi chưa chắc mua được món đồ yêu thích”, Thuận nói.

Đối với Đức Duy, khó khăn khi theo đuổi đồng hồ cổ, hiếm là linh kiện thay thế. Anh chuộng dây đeo da, cho rằng loại dây này phù hợp với phong cách quiet luxury (tạm dịch: sang trọng thầm lặng, sử dụng sản phẩm thời trang đắt đỏ nhưng không thịnh hành) mà anh theo đuổi.

Tuy vậy, dây đeo của những món phụ kiện cũ, tồn tại qua 50 năm thường sờn, tróc da. Nếu muốn sử dụng, Duy phải thay bộ phận này, song không dễ tìm kiếm linh kiện phù hợp.

“Một số loại da cao cấp phù hợp với đồng hồ vintage có giá cả tương đối cao. Tiền mua đồng hồ đã nhiều, tiền ‘nuôi’ những món đồ này còn nhiều hơn”, Đức Duy cho biết.

Người bán dễ thua lỗ

Theo chủ sở hữu đại lý phân phối đồng hồ Hải Linh (35 tuổi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), trang sức vintage là các dòng không còn xuất hiện tại cửa hàng, trên website, ít người biết đến hoặc liên quan đến sự kiện lịch sử, được đem đấu giá.

Khách hàng theo đuổi thú chơi này thường có độ tuổi trên 30, sở hữu điều kiện tài chính tương đối tốt, phần lớn là doanh nhân trong các ngành nghề. Độ hiếm của đồng hồ là yếu tố được họ ưu tiên hàng đầu trước khi đưa ra quyết định mua.

Tuy nhiên, nhiều người trong số họ khó tránh trường hợp bị lừa, mua hớ vì không biết cách định giá.

Khách hàng của Linh luôn muốn đảm bảo rằng món đồ họ sở hữu không có chiếc thứ 2 trong nước hoặc trên thế giới. Bovet Jaquet Droz Bird Repeater hay Patek Nautilus Tiffany là một số mẫu đảm bảo yêu cầu này.

Không chỉ đeo như một món trang sức, những người dùng này còn sở hữu đồng hồ để sưu tầm. Họ thường có một bộ sưu tập lớn, chứ không chỉ 2-3 món.

Thị trường đồng hồ vintage ngày càng khan hiếm, khiến các đại lý đau đầu tìm nguồn cung. Ảnh minh họa: Đức Duy.

Thị trường đồng hồ vintage ngày càng khan hiếm, khiến các đại lý đau đầu tìm nguồn cung. Ảnh minh họa: Đức Duy.

Về nguồn cung, Tuấn (tên đã thay đổi, 30 tuổi, TP.HCM), nhà sáng lập thương hiệu đồng hồ vintage Journal 1994, khẳng định rằng thị trường này ngày càng khan hiếm. Dealer phải tự tìm đến những người dùng trong và ngoài nước có nhu cầu bán lại phụ kiện cổ, đã qua sử dụng.

Việc tìm kiếm người sở hữu sản phẩm bán ra từ những năm 1970 - 1990 đặc biệt tốn công sức, thời gian. Thậm chí, anh phải thuyết phục họ thanh lý để có mặt hàng phục vụ người tiêu dùng.

Các thương vụ này đều có tính chất may - rủi, khiến nguồn cung kém ổn định. Đôi khi Tuấn săn lùng được một mẫu đồng hồ hiếm, song món đồ bị hỏng hóc lúc đem về, anh đành chấp nhận mất trắng.

Trong một số trường hợp khác, những chiếc đồng hồ vintage bị trầy xước mặt số, bong tróc dây da đeo, khó định giá cao, đại lý buôn bán chỉ nhận được khoản chênh lệch nhỏ, không tương xứng với công sức bỏ ra.

Tuy nhiên, bên cạnh những mẫu đặc biệt hiếm, các dòng thông dụng hơn vẫn được ưa chuộng. Đối với các sản phẩm này, nếu may mắn, người mua có thể sở hữu món đồ 98% - 99% new với giá thấp hơn giá thành gốc.

“Đó là lý do lĩnh vực đồng hồ vintage vẫn có sức hút riêng, chưa bao giờ hạ nhiệt, giữ tôi bám trụ trong ngành hàng niche (ngành kinh doanh ngách, tập trung phục vụ số lượng nhỏ khách hàng) này”, Tuấn nói với Zing.

Linh Vũ - Thiên Trang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-tay-choi-dong-ho-hiem-post1425050.html