Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 19/6 - 24/6

Các ông lớn dầu khí Trung Quốc khởi động hoạt động khoan thăm dò dầu khí ở vùng nước cực sâu; Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq bàn về việc tái xuất khẩu dầu từ khu bán tự trị người Kurd… là những điểm nhấn trên bức tranh thị trường năng lượng toàn cầu tuần qua.

1. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) và Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) đã khởi động hoạt động khoan thăm dò dầu khí ở vùng nước cực sâu khi quốc gia này đang tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu mỏ nước ngoài.

Theo hãng tin Tân Hoa Xã của Trung Quốc, CNPC sẽ tiến hành khoan thăm dò sâu tới 11.000 m, lỗ khoan sâu nhất từ trước đến nay của nước này, giúp hiểu rõ hơn về cấu trúc bên trong của Trái đất, cũng như để thử nghiệm các kỹ thuật khoan ngầm.

2. Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq hồi đầu tuần này đã thảo luận về các vấn đề kĩ thuật trong việc nối lại xuất khẩu dầu thô từ các mỏ dầu phía bắc của Iraq và từ khu vực bán tự trị của người Kurd, nhưng cũng cần có các thỏa thuận cấp chính trị để giải phóng khoảng 450.000 thùng dầu mỗi ngày.

Một phái đoàn từ Thổ Nhĩ Kỳ đã đến thăm Baghdad để thảo luận về việc khởi động lại dòng dầu đi qua đường ống Iraq-Thổ Nhĩ Kỳ đến cảng Ceyhan ở Địa Trung Hải của Thổ Nhĩ Kỳ và sau đó được đưa lên các tàu chở dầu đến thị trường quốc tế, các quan chức dầu mỏ giấu tên nói với Reuters.

3. Một thế giới không phát thải ròng sẽ giảm 65% mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch vào năm 2050 so với mức của năm 2021, theo mô hình mới của Cơ quan Quản lý Năng lượng của Canada (CER) được công bố hôm 20/6.

Báo cáo mới cho biết nếu thế giới thực sự có thể đạt được các mục tiêu khí hậu vào năm 2050, thì việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch toàn cầu sẽ giảm 65% trong giai đoạn 2021-2050. Điều này sẽ khiến giá dầu thô toàn cầu rơi tự do xuống mức 35 USD/thùng vào năm 2030 và thấp nhất là 24 USD/thùng vào năm 2050, CER cho biết.

4. Công ty thương mại Nhật Bản Mitsui & Co không có kế hoạch rút lui khỏi cổ phần thiểu số của mình trong dự án LNG Sakhalin-2 ở Nga khi cơ sở này tiếp tục xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng sang Nhật Bản.

Dự án Sakhalin-2 không có bất kỳ vấn đề vận hành nào và tiếp tục xuất khẩu LNG sang Nhật Bản, đại diện công ty nói với các cổ đông.

5. Một nhóm liên doanh được hỗ trợ bởi công ty năng lượng mặt trời lớn thứ hai của Ấn Độ, Vikram Solar, sẽ đầu tư tới 1,5 tỷ USD vào chuỗi cung ứng năng lượng mặt trời của Mỹ, với khoản đầu tư đầu tiên sẽ là một nhà máy ở Colorado vào năm tới, theo một báo cáo độc quyền của Reuters.

Cơ sở tại Colorado trị giá 250 triệu USD sẽ có khả năng sản xuất 2 gigawatt (GW) một năm ban đầu và tăng gấp đôi công suất theo thời gian, đồng thời cũng tạo ra hơn 900 việc làm.

6. Tập đoàn năng lượng Woodside của Australia mới đây cho biết họ đã phê duyệt việc phát triển dự án dầu nước siêu sâu Trion trị giá 7,2 tỷ USD ở Vịnh Mexico, dự kiến sẽ mang lại lợi tức đầu tư cao và nhanh chóng, theo Reuters.

Woodside, chủ sở hữu và nhà điều hành 60% của Trion, dự báo phần chi phí vốn của họ là 4,8 tỷ USD. Phần còn lại sẽ được tài trợ bởi công ty dầu khí nhà nước Mexico Pemex, công ty sở hữu 40% Trion.

Bình An

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhung-su-kien-noi-bat-tren-thi-truong-nang-luong-quoc-te-tuan-tu-196-246-687930.html