Những sứ giả truyền đam mê nặn tò he

Suốt 12 năm qua, các thành viên của Câu lạc bộ (CLB) làng nghề truyền thống tò he Xuân La (xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội) đã tích cực lưu giữ, quảng bá, dạy nghề, đưa sản phẩm tò he đến với du khách gần xa.

CLB làng nghề truyền thống tò he Xuân La được thành lập vào năm 2010, đến nay đã có 150 thành viên. Trong những năm qua, CLB đã khôi phục các mẫu tò he cổ và có nhiều cách làm đưa tò he hòa mình vào thế giới đồ chơi hiện đại. Bên cạnh nhiều hoạt động biểu diễn nặn tò he tại các lễ hội trong và ngoài TP Hà Nội, CLB còn mở nhiều lớp hướng dẫn nặn tò he cho trẻ em trong xã và phối hợp đưa nghệ thuật tò he vào các buổi học ngoại khóa tại một số trường học trên địa bàn. Ông Đặng Văn Tẫn, Chủ nhiệm CLB làng nghề truyền thống tò he Xuân La cho biết: “Trước đây, người ta nặn tò he chủ yếu về các loại cây, quả, con giống, vật nuôi. Bây giờ, chúng tôi nặn nhiều hình thù phong phú như những nhân vật trong chuyện cổ tích, truyện tranh mà các bạn nhỏ yêu thích. Tất cả những câu chuyện, hình ảnh của cuộc sống đều có thể truyền tải vào trong nghệ thuật nặn tò he”.

Các nghệ nhân của Câu lạc bộ làng nghề truyền thống tò he Xuân La tích cực quảng bá nghề tò he.

Các nghệ nhân của Câu lạc bộ làng nghề truyền thống tò he Xuân La tích cực quảng bá nghề tò he.

Theo ông Đặng Văn Tẫn, trước đây, bột nặn tò he được làm từ gạo nên không để được lâu, khó cạnh tranh với các đồ chơi hiện đại. Thời gian qua, các nghệ nhân của làng nghề tò he Xuân La đã sáng tạo ra một loại bột có độ bền cao, chuyên dùng tạo các sản phẩm trưng bày. Vì thế, nhiều sản phẩm của CLB được tạo hình độc đáo, kỳ công, chứa đựng giá trị văn hóa lịch sử, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách trong và ngoài nước, như: Đền Ngọc Sơn, tượng đài vua Lý Thái Tổ, gò Đống Đa, cầu Nhật Tân... “Công đoạn nặn tò he, quan trọng là kỹ thuật luộc bột. Mùa đông phải làm bột dẻo hơn mùa hè. Gạo phải chọn gạo nếp dẻo, nếp cái hoa vàng thì chất lượng hàng tốt và dễ làm hơn. Ngày xưa, các cụ sử dụng màu từ vật liệu tự nhiên, như: Màu đỏ lấy từ quả gấc, màu vàng lấy từ củ nghệ, màu xanh lấy từ lá rau ngót... Bây giờ, công nghệ đã phát triển, chúng tôi lấy màu thực phẩm làm bánh pha chế vào thì thuận tiện hơn và màu sắc cũng tươi, đẹp và để được lâu hơn”, ông Đặng Văn Tẫn cho biết thêm.

Mỗi tháng CLB làng nghề truyền thống tò he Xuân La tổ chức sinh hoạt một lần nhằm trao đổi kinh nghiệm, sáng tạo trong làm nghề. Vào dịp lễ hội làng, rằm tháng Giêng hằng năm, CLB lại tổ chức các cuộc thi nặn tò he nhằm tìm ra những nghệ nhân xuất sắc. Đặc biệt, vào dịp Trung thu, các thành viên CLB lại tất bật chuẩn bị đồ nghề, giúp cho nhiều em nhỏ được vui chơi và hiểu thêm về nghề tò he truyền thống. Ông Chu Văn Chiến, thành viên CLB làng nghề truyền thống tò he Xuân La cho hay: “Không chỉ trên địa bàn, hiện có nhiều thành viên của CLB đã truyền nghề nặn tò he tại một số địa phương trên cả nước. Mỗi thành viên của CLB làng nghề truyền thống tò he Xuân La chính là một sứ giả mang trong mình sứ mệnh truyền ngọn lửa đam mê, đồng thời đem nét đẹp dân gian tò he đến với đông đảo mọi người".

Bài và ảnh: HOÀI PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/nhung-su-gia-truyen-dam-me-nan-to-he-686525