Những quy định chung chung

Nếu bạn gõ mấy từ khóa “cãi nhau với CSGT” và kiếm tìm trên Youtube, chắc chắn bạn sẽ khá bất ngờ với số lượng kết quả. 18.700 video như thế đang tồn tại trên mạng lưới chia sẻ video lớn nhất toàn cầu hôm nay.

Và nếu mất thêm chút thời gian để xem vài nội dung tiêu biểu của mục được kiếm tìm này, bạn sẽ không ngạc nhiên chút nào khi rất nhiều nội dung có cùng chung một câu hỏi mà người vi phạm đặt ra cho CSGT rằng: “Ông đã chào tôi chưa?”.

Ví dụ kể trên cho chúng ta nhận ra rằng, khi người dân biết được một quy định cụ thể nào đó của một cán bộ nhà nước, họ sẽ sẵn sàng thắc mắc người cán bộ công quyền đó trong trường hợp người cán bộ chưa thực hiện đúng quy định. Đòi hỏi người khác thực hiện đúng nghĩa vụ của họ, cũng như ý thức rõ ràng về nghĩa vụ của mình, là một thái độ sống cần có trong một xã hội tiên tiến, văn minh và hiện đại. Nhưng dường như ở Việt Nam điều đó còn quá xa xỉ thì phải, khi mà người dân thực sự đang không biết được hết, hay nói đúng hơn, không thể tìm ra nguồn tra cứu được một cách chi tiết những nghĩa vụ nghề nghiệp mà một công chức đối diện họ cần phải thực thi.

Chúng ta có thể dễ dàng gặp ở rất nhiều cơ quan, đoàn thể của nhà nước những quy định, nội quy với những điều a, b, c nào đó để ràng buộc hành vi, nguyên tắc xử sự của nhân viên trong cơ quan đó khi hành nghề. Nhưng thực sự, những quy định mang tính phổ quát ấy đã đủ để ràng buộc nghĩa vụ và trách nhiệm hành nghề của những công chức nhà nước hay chưa? Câu trả lời vô cùng dễ dàng là “Chưa”. Và chính việc không có những quy định được chi tiết hóa đã là lý do rất lớn để gây ra tình trạng lười biếng, vô trách nhiệm, và thậm chí là thái độ cửa quyền của cán bộ khi tiếp xúc, làm việc với dân.

Nếu chúng ta đặt câu hỏi với những người đang làm việc ở các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài, văn phòng của các tổ chức nước ngoài… rằng phạm vi công việc của họ thế nào, mô tả chi tiết công việc của họ ra sao, chúng ta sẽ nhận được câu trả lời rất cụ thể. Tất nhiên, câu trả lời ấy sẽ được tiết lộ trong trường hợp người được hỏi không bị ràng buộc bởi nguyên tắc bảo mật với nơi mình đang làm việc. Thực sự, chuyện xây dựng một phạm vi công việc (Scope of Work - SOW) và những mô tả chi tiết nhiệm vụ (Job Descriptions - JD) là việc hiển nhiên phải có ở những đơn vị như thế. Và với mỗi nhân viên, ở mỗi cấp bậc, vị trí, bộ phận khác nhau, sẽ có những SOW và JD khác nhau. Đính kèm thêm với hai quy định chi tiết ấy có thể là thước đo năng suất (KPI) và tất cả chúng gộp lại thành một công cụ để kiểm soát thái độ và hành vi của người lao động. Người lao động sẽ dựa vào đó để tự nắm bắt nhiệm vụ của mình là gì, mình cần phải làm gì, không được làm gì và phải làm ra sao, như thế nào. Và cùng tồn tại với các quy định chi tiết ấy, mỗi tổ chức cũng đều có những quy ước xử sự riêng bao trùm cho tất cả, được gọi là Code of Ethics (COE). Chúng đảm bảo được một định hướng rõ ràng cho mọi thành viên, và từ đó, họ tự giác thực hành theo đúng định hướng đề ra và thậm chí tự nhận thức được khi nào mình đã phạm sai lầm, và tự hiểu mình sẽ phải trả giá nào cho sai lầm ấy.

Đó chính là thứ thước đo định hướng mà chúng ta đang thiếu ở tất cả các cơ sở nhà nước hôm nay, từ những doanh nghiệp nhà nước cho tới những cơ quan hành chính. Điều gì sẽ xảy ra nếu như người dân lên UBND phường và nắm rõ (được ghi chú cẩn thận ở bảng chỉ dẫn) rằng việc của mình cần phải tiến hành qua những thủ tục thế nào, gặp gỡ cán bộ nào và những cán bộ ấy phải thực hiện những nhiệm vụ gì theo đúng mô tả công việc của họ? Chắc chắn, lời phàn nàn sẽ rất ít, bởi người cán bộ lúc đó có thể ý thức ngay rằng, mình dễ dàng bị chất vấn công khai bởi người dân, những chất vấn mà họ không thể nói lời nào khác ngoài câu “xin lỗi” nếu như họ làm sai.

Đã đến lúc phải quên đi các quy định chung chung và chỉ tập trung vào phát triển những quy ước phổ quát (như Code of Ethics) song song với những mô tả chi tiết nhiệm vụ cho mỗi công chức nhà nước rồi. Chúng ta đã ở thế kỷ thứ 21 và không thể nào cứ làm việc một cách lạc hậu và đối đế như thể chúng ta đang ở thế kỷ thứ 17 hay 18 gì đó. Chi tiết hóa các nguyên tắc, nhiệm vụ công việc và công khai nó với dân chính là cách kiểm soát cán bộ hữu hiệu nhất, ít tốn kém nhất mà lại giúp xây dựng lòng tin trong dân nhanh chóng nhất.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/nhung-quy-dinh-chung-chung-591013.bld