Những 'quan tòa' ở làng

Ở xã Ayun (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai), nhiều người có uy tín được xem như là 'quan tòa' phân xử từ mâu thuẫn gia đình, xích mích láng giềng đến tranh chấp đất đai. Họ chủ yếu tự trang bị kiến thức pháp luật để đứng ra làm cầu nối hòa giải, hàn gắn tình làng nghĩa xóm, thắt chặt mối quan hệ đoàn kết.

Bỗng nhiên... trở thành “người phán xử”

Vì không hẹn trước nên khi chúng tôi về làng H’Văt (xã Ayun) thì anh Kpă Teo đã đi đổi công ở huyện Phú Thiện. Đang vào mùa gặt nên làng vắng bóng người. Sau một hồi cậy nhờ Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Đức Cường gọi điện, anh Teo đồng ý về sớm hơn đôi chút. Trong nắng chiều đầu mùa khô, chúng tôi thoáng chút bất ngờ, nếu không được giới thiệu trước thì chẳng ai nghĩ rằng người đàn ông có dáng người nhỏ nhắn, trông còn rất trẻ lại nắm giữ “cán cân quyền lực” của làng.

Dường như đọc được suy nghĩ của chúng tôi, anh Teo hóm hỉnh nói: “Mình năm nay 47 tuổi. Có phải ý anh muốn hỏi là vì sao người dân trong làng lại tin và nghe theo lời của mình đúng không? Đó là vì mình đưa ra những lý lẽ hợp tình, hợp lý; vận dụng luật tục và pháp luật vào việc phân xử và còn kèm theo chút mẹo nhỏ nữa nên mới “đắt sô” như bây giờ”. Nghe chúng tôi nhắc đến từ “quan tòa”, anh Teo cười hiền rồi giải thích: Số là, trong một lần họp làng, biết anh có được ít chữ, lại lanh lợi nên già làng đề cử anh giúp ông phân xử mọi xích mích trong làng. Bất ngờ được “bổ nhiệm”, không những làm tròn vai mà anh Teo ngày càng tăng thêm uy tín với người dân khi xử lý tốt nhiều “vụ khó”.

Theo kinh nghiệm của "Chánh tòa" Kpă Teo phải tìm hiểu kỹ càng, tỉ mỉ sự việc, vận dụng linh hoạt luật tục và quy định của pháp luật mới mong xử lý thành công các mâu thuẫn, hiềm khích trong dân. Ảnh: Minh Nguyễn

Anh Teo kể: Vụ đầu tiên anh tham gia hòa giải khá gay cấn, có những tình huống tréo ngoe, cười ra nước mắt. Chuyện là, sau trận nhậu say bí tỉ ở nhà một người quen trong làng, ông Đinh Thiên chân nọ đá chân kia, liêu xiêu trở về nhà. Trời tối, cộng với trạng thái “lâng lâng” nên thay vì về nhà mình, ông Thiên lại đi lạc vào nhà hàng xóm. Cứ nghĩ là nhà mình, ông Thiên vội cởi hết quần áo lên giường ngủ. Lúc này, chị Kpă Hlar đang say giấc. Đến khi bị đạp rơi xuống giường và đèn điện trong nhà được bật lên sáng choang thì ông mới biết mình vào nhầm nhà. Chồng chị Kpă Hlar lúc này đang làm công nhân ở TP. Hồ Chí Minh, nghe vợ gọi điện kể liền tức tốc đón xe về. Sau đó, vợ chồng chị Kpă Hlar tìm đến anh Teo nhờ phân xử.

Còn ông Thiên, sau khi sự việc xảy ra thì rất hối lỗi và luôn khẳng định mình không hề có ý đồ xấu. Cũng chỉ vì say rượu mà ông vào nhầm nhà mới xảy ra cơ sự. Sau khi nghe đôi bên trình bày tường tận vụ việc, vị “quan tòa” cho rằng: Đây là bài học xương máu cho những người đàn ông hay uống rượu quá chén, là điều mà ông Thiên từ nay phải rút kinh nghiệm. Chỉ vì say đến mức “quên cả lối về” mà ông đã có hành vi thiếu chuẩn mực. Ông Thiên chịu phạt 1 con heo tạ và tiền mua rượu để xin lỗi gia đình chị Kpă Hlar. Người chồng hiểu chuyện cũng bỏ qua, bắt tay làm hòa.

Tiếp đó, đến lần vượt qua thử thách từ “vụ án” chặt chân bò, vị thế của vị “quan tòa” Teo càng được nâng cao. Số là, bò của các ông: Siu Dep, Kpă Mâm vào phá rẫy bắp của gia đình ông Đinh Blôi. Theo lệ làng, ông Blôi quyết xử con bò bằng cách chặt chân chúng. Sau khi “xử đẹp” bò của ông Mâm ngay tại rẫy bắp, ông Blôi đã gọi thêm 6 người khác trong làng đến khiêng ra ngoài cùng xẻ thịt. Vợ ông Mâm đi tắm giọt nước gần đó phát hiện nên gọi báo cho chồng. Lúc này, ông Mâm lại tìm đến anh Teo. Ông Mâm cho rằng, bò phá rẫy bắp người khác bị chặt chân là đúng, nhưng phải giữ nguyên hiện trường. Việc ông Blôi khiêng bò ra ngoài xẻ thịt là không đúng. Về lý, ông Mâm có quyền nghi ngờ ông Blôi trộm bò của gia đình ông để xẻ thịt.

Cũng tại rẫy bắp này, chính ông Blôi đã xử một con bò khác của gia đình ông Dep. Khi thấy ông Blôi đến thăm rẫy, con bò của ông Dep đang ăn bắp hốt hoảng nhảy qua hàng rào, thoát ra ngoài. Ông Blôi tức giận đuổi theo dùng rựa chém vào 2 chân sau của nó. Sau khi được người làng thông báo, ông Dep đến đem bò về bán thịt rồi quay lại kiện ông Blôi. Bởi theo ông Dep, con bò phải được “dạy dỗ” ngay tại rẫy bắp thì mới đúng. Đằng này, ông Blôi quyết đuổi theo chém chân khi nó đã bỏ chạy ra bên ngoài. Ông Dep cho rằng, chắc ông Blôi có thù ghét gì với gia đình nên mới hại con bò nhà ông.

Sau khi đến từng nhà tìm hiểu, nghiên cứu vụ việc thật kỹ càng, vị “quan tòa” bắt đầu phân tích: Việc con bò ăn phá bắp không phải lỗi của nó mà do người chủ chăn thả không tốt dẫn đến việc phá rẫy của người khác. Con bò là loài vật, không phân biệt được đúng sai, khi thấy đói thì nó ăn. Còn chủ rẫy bắp vì tiếc của nên giận quá mất khôn đã trút giận lên con bò. Giá trị con bò lớn hơn diện tích bắp bị phá rất nhiều nên phải thương lượng, tìm cách giải quyết. Không nên hành xử kiểu này, vô tình gây mất tình đoàn kết.

Ông Blôi sau đó chấp nhận đền bù cho ông Dep số tiền 5 triệu đồng. Ngoài ra, ông Blôi cùng với 6 người làng, mỗi người góp thêm 1 triệu đồng để bồi thường cho ông Mâm. Chưa hết, ông Blôi cũng chịu phạt thêm con heo nặng 1 tạ và vài ghè rượu để “quan tòa”, “nguyên đơn” và “bị đơn” cùng làm bữa tiệc bắt tay hòa giải, xóa bỏ mọi hiềm khích.

Nương theo luật tục để hòa giải

Cũng như anh Teo, anh Đinh Hnem-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ayun luôn có mặt phân xử các vụ việc ở làng Keo. Nghe chúng tôi hỏi: “Anh tham gia hòa giải thành công được bao nhiêu vụ?”, anh Hnem lắc đầu rồi cười nói: “Nhiều lắm, không nhớ hết! Qua những lần hòa giải, mình có thêm kinh nghiệm trong phân xử các vụ việc hơn”. Tuy vậy, không phải vụ việc nào cũng thành công. Nhớ lại lần hòa giải bất thành, anh Hnem kể: Vụ việc xảy ra hồi năm ngoái. Sau khi dùng hết “bài vở” cùng những lời lẽ phân tích nhưng vẫn không thuyết phục người đi kiện, anh đành bó tay và phải nhờ tới “thần linh” đưa ra phán xét sau cùng.

Chuyện là, do cuộc sống không hòa hợp nên chị Đinh Hien và anh Đinh Ken đường ai nấy đi. Chị Hien sau đó kết hôn với anh Đinh Dron. Lúc đang đi làm ăn xa, anh Dron được một người quen trong làng mách rằng, họ phát hiện vợ anh đi chung với một nhóm người, trong đó có chồng cũ. Chỉ mới nghe đến đây, anh Dron đã không giữ được bình tĩnh, cũng chẳng suy nghĩ trước sau mà một mực cho rằng, vợ mình có “quan hệ bất chính” lúc chồng vắng nhà. Mặc dù không có chứng cứ gì nhưng anh vẫn tìm đến tổ hòa giải của làng nhờ phân xử.

Anh Đinh Hnem (bìa phải) luôn có mặt phân xử các vụ việc mâu thuẫn trong làng Keo. Ảnh: Minh Nguyễn

Tiếp nhận vụ việc, các thành viên tổ hòa giải đã phân tích rõ ràng, phân minh; các nhân chứng hôm đó cũng xác định họ chỉ đi chung nhóm người của làng trên đường về. Thế nhưng, anh Dron vẫn một mực khẳng định giữa vợ mình và anh Ken có quan hệ tình cảm và yêu cầu phải có hình thức xử phạt người chồng cũ. “Giải thích thế nào, anh Dron cũng không chịu nghe. Anh Dron cho rằng, tổ hòa giải của làng xử chưa hợp lý, phải nhờ thần linh phán xét thì mới đồng ý. Hết cách, chúng tôi cũng gật đầu nhưng đưa ra điều kiện nếu thua, anh Dron phải chịu phạt”-anh Hnem kể lại.

Ông Nguyễn Đức Cường-Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ayun: Thành viên tổ hòa giải là người có uy tín, có trình độ nên hầu hết các vụ việc tham gia hòa giải đều thành công. Qua đó góp phần giúp địa phương giải quyết những phát sinh ngay tại cơ sở, giữ gìn an ninh trật tự; thắt chặt tình làng nghĩa xóm, chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

Vậy là, thành viên tổ hòa giải tìm bắt 2 con gà rồi đi đến chỗ hồ nước trong làng. Sau khi hành lễ, họ cắt cổ 2 con gà rồi ném xuống ao. Dù không lý giải được nguyên nhân, nhưng kỳ lạ là con gà của anh Dron cứ quay vòng tròn, nổi trên mặt nước; còn con gà của anh Ken thì chìm nghỉm. Đúng theo luật tục “chìm thắng, nổi thua”, anh Dron đồng ý bắt tay hòa giải và chịu phạt heo cho làng. Sau khi xóa bỏ được nghi kỵ trong lòng, anh Dron mới chịu bắt xe vào lại nơi làm. “Ban đầu, Dron đề nghị lặn nước, ai nổi lên trước thì người đó bị xử phạt. Nhưng việc này nguy hiểm đến tính mạng nên tổ hòa giải không đồng ý. May mà bữa đó con gà của anh Dron nổi, chứ ngược lại thì chẳng biết xử lý thế nào”-anh Hnem trầm ngâm nói.

Theo tiết lộ của những vị “quan tòa”, bí quyết để giải quyết hàng trăm vụ tranh chấp, mâu thuẫn đó là khéo léo vận động, dùng lời lẽ hợp tình hợp lý để thuyết phục dân làng tự nguyện hàn gắn tình cảm tốt đẹp đã có từ trước đến nay. Anh Teo tâm sự: Lúc trước, khi dự những “phiên tòa” như thế này, anh không đồng tình khi thấy chưa vào “xét xử” mà có khi cả “quan tòa” lẫn “bị đơn”, “nguyên đơn” đã say. Hễ đã trong trạng thái túy lúy thì khó mà phân tích thấu đáo. Rút kinh nghiệm, anh Teo chỉ đồng ý cho cuộc vui bắt đầu khi cả hai bên đã thẳng thắn nhìn nhận đúng-sai, bắt tay làm hòa, vui vẻ xóa bỏ mọi mâu thuẫn, hiềm khích. Chính vì vậy, mới đây, anh tiếp tục được tin tưởng giao phó đảm trách vai trò Phó Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ hòa giải làng H’Văt.

Còn anh Hnem thì cho hay: Muốn hòa giải hiệu quả thì phải đến từng nhà tìm hiểu cặn kẽ, kỹ lưỡng từng vụ việc. Phải tường tận những tình tiết phát sinh mâu thuẫn hoặc tranh chấp rồi mới phân tích, đưa ra hướng giải quyết. “Qua nhiều vụ hòa giải, tôi đều rút kinh nghiệm cũng như tìm hiểu thêm kiến thức pháp luật liên quan. Chưa hết, phải biết cách vận dụng linh hoạt giữa lệ làng và những quy định của pháp luật thì mới thành công”-anh Hnem chia sẻ bí quyết.

MINH NGUYỄN

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/1622/202212/nhung-quan-toa-o-lang-5797995/