Những phụ nữ mưu sinh trong đêm

Hà Nội về đêm trở nên vắng lặng với những cơn gió lạnh đầu mùa, thế nhưng ở từng góc phố nhỏ, vẫn dễ dàng bắt gặp những phụ nữ với những công việc mưu sinh đầy bất trắc.

Để mưu sinh, nhiều phụ nữ bất chấp nguy hiểm đi làm trong đêm vắng - Ảnh: Phạm Bình

85 tuổi vẫn bán hàng rong

Trên con phố Hàng Đậu, người dân xung quanh đã quen với hình ảnh một bà cụ ngồi bán hàng dưới mái chắn của cửa hàng xe máy, đó là bà Nguyễn Thị Ái Liên (85 tuổi, quê ở Sơn Tây). Bà cho biết không có ai nương tựa nên đã ở đây hàng chục năm rồi. Nơi bán hàng cũng chính là nơi ở của bà. “Tôi ở đây bán đồ quần áo, giầy dép mà người ta cho. Quần hay áo thì 10 nghìn một cái, giầy 5 nghìn một đôi...”, bà Liên chia sẻ. Những khách hàng của bà chủ yếu là những người công nhân lao động nghèo, muốn có một chiếc áo, chiếc quần, hay đôi giày cũ để dùng nhưng không có nhiều tiền để mua đồ mới.

Bà Liên 85 tuổi vẫn bán hàng và ngủ qua đêm trên vỉa hè Hà Nội - Ảnh: Phạm Bình

Tuổi đã cao, bà tự mình kiếm sống nên cuộc sống thường ngày gặp không ít khó khăn. Bà tâm sự: “Nước thì tôi đi xin người dân để uống, bình thường một chai nước lọc cũng uống đến 2 ngày mới hết, thức ăn thì thỉnh thoảng người ta lại mang đến cho, không thì mình tự kiếm tiền mua. Những khi ốm đau lại nhờ người dân quanh đây mua thuốc, họ đều biết hoàn cảnh của tôi nên thỉnh thoảng cũng qua lại giúp đỡ tôi được phần nào”. Cuộc sống mưu sinh không biết ngày mai rồi sẽ ra sao, bà Liên đã âm thầm chuẩn bị một bức ảnh cùng với tờ thông tin cá nhân. Bà bảo: “Để khi tôi chết, Nhà nước còn biết để chôn cất.”

Đào đường cả đêm để sửa điện

Chị Hà Thị Phương (33 tuổi, ở TT Phùng, huyện Đan Phượng, Hà Nội), làm công việc sửa đường điện với thời gian thường bắt đầu từ 10 giờ tối đến 3,4 giờ sáng hôm sau. Chị Phương kể: “Mùa hè khi người ta nghỉ sớm hơn thì bắt đầu từ 8 giờ, tùy thuộc vào đường có đông hay không. Chị thường phải đào những hố sâu trên vỉa hè được chỉ định sẵn để sửa đường điện. Một ngày chị được trả khoảng được 400 nghìn tiêng công, nhưng công việc lại không đều, một tháng chỉ làm khoảng 15 - 20 ngày công”.

Để có thu nhập 400 nghìn đồng/ ngày chị Phương chấp nhận công việc đào vỉa hè, sửa đường điện suốt đêm - Ảnh: Phạm Bình

Cả nhóm sửa đường điện ban đêm, chỉ có mình chị là phụ nữ. Chị Phương kể, với công việc này, chị Phương đi lại khá bất tiện vì chỉ là phụ nữ lại làm ban đêm với những việc nặng nhọc. Chị có 2 con đều đang đi học. “Trước chỉ làm nông và chăn nuôi nhưng không đủ để trang trải cho cuộc sống, tôi quyết định tìm thêm công việc khác thu nhập tốt hơn. Làm nghề này cũng mệt lắm, đào chỗ này lấp chỗ kia và phải làm suốt cả đêm. Đôi khi không chú ý cũng rất dễ gặp phải tai nạn…”, chị Phương chia sẻ.

Quanh năm thức đêm bán hàng

Lầm lũi với chiếc xe bán đồ ăn lưu động trên phố, chị Nguyễn Thị Hiền (29 tuổi, trọ ở Ngọc Thụy, Long Biên) thường bán hàng từ 3,4 giờ chiều cho đến tận 3 giờ sáng. Sau khi kết thúc công việc, đạp xe về đến phòng trọ thì trời cũng đã sáng. Chị chỉ tranh thủ nghỉ ngơi một chút rồi lại tất bật đi lấy hàng chuẩn bị cho buổi bán chiều. Công việc vất vả và thu nhập không đều. “Khi đông khách thì được khoảng 300 nghìn/ngày, ít thì chỉ tầm khoảng 200 nghìn/ ngày”, chị Hiền kể. Xe hàng của chị thường thu hút được những du khách nước ngoài hoặc những người lao động đi làm về muộn.

Để nuôi 2 con đang ăn học ở quê, chị Hiền quyết tâm ra thành phố mưu sinh trong đêm - Ảnh: Phạm Bình

Chị Hiền cho biết, vì điều kiện ở quê không đủ để trang trải cuộc sống nên vợ chồng chị Hiền đành gửi 2 đứa con nhỏ cho bà nội nuôi rồi lên Hà Nội làm ăn, để gửi tiền về quê nuôi con. Với chị Hiền, công việc bán hàng đêm vốn đã vất vả, nhưng không sợ bằng sự nguy hiểm: “Buổi đêm thường vắng người nên hay bị cướp hoặc bọn nghiện đến quấy rầy. Một lần có bão, tôi đạp xe về qua cầu (Cầu Long Biên) bị gió cuốn, phải cố gắng lắm mới sang được bên kia cầu, nhưng đồ đạc thì bị rơi xuống sông trôi hết. Một lần khác tôi bị trấn lột, bị cướp trắng giữa cầu, coi như lỗ mất cả xe hàng ngày hôm ấy”, chị Hiền chia sẻ.

Phạm Bình

Phạm Bình

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/doi-song/nhung-phu-nu-muu-sinh-trong-dem-892391.html